Cần ổn định đầu ra cho mây nguyên liệu

03/10/2012 18:51

(Baonghean) - Từ năm 2008 đến nay, hàng chục hộ dân tại các xã Nghĩa Lợi, Nghĩa Hội, Nghĩa Long (Nghĩa Đàn) được Công ty TNHH Đức Phong hỗ trợ giống mây nếp K83 để cung cấp nguyên liệu phục vụ sản xuất các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu. Trong khi nhiều hộ dân đang đua nhau tìm nguồn giống mây này về trồng, thì nhu cầu của các công ty đang có chiều hướng giảm. Những hộ trồng mây đã đến ngày thu hoạch đang do dự chưa muốn bán bởi giá quá thấp.

Năm 2008, từ nguồn vốn hỗ trợ một phần giống, phân bón, kỹ thuật của Sở NN&PTNT Nghệ An, trong dự án phát triển vùng nguyên liệu mây bền vững tại Nghĩa Đàn, ông Cù Đức Chung, xã Nghĩa Lợi đã mạnh dạn bỏ ra trên 100 triệu đồng đầu tư trồng 2ha mây tập trung và hơn 5ha xen bờ rào giống mây nếp K83. Đến nay, sau gần 4 năm, cây mây trong trang trại nhà ông đã đến thời kỳ cho thu hoạch, chất lượng đáp ứng nhu cầu sản xuất các mặt hàng xuất khẩu, nhưng ông chưa thể bán bởi giá cả quá èo uột.



Thị trường xuất khẩu quay sang ưa chuộng các mặt hàng được sản xuất từ
cây lùng và mây song nên đầu ra nguyên liệu mây nếp K83 gặp khó.

Theo ông Chung, thời điểm ông trồng, 1kg mây có giá khoảng 7 - 8 nghìn đồng, lại dễ bán. Không ngờ 4 năm sau, giá vẫn “dậm chân” tại chỗ, công cắt tăng (chiếm 1/2 giá bán) trong khi doanh nghiệp chần chừ không muốn thu gom hàng. Với khoảng 20 tấn mây trong vườn, gia đình ông vẫn hy vọng một ngày, giá mây nhích lên để ông cắt bán đồng loạt. Ông chung nói: “Tôi đã liên hệ với Công ty TNHH Đức Phong và một doanh nghiệp tại Thái Bình nhưng giá rẻ quá nên chưa muốn bán. Nếu để quá lâu, cây mây sẽ vượt mức trên 2m, khi đó càng khó bán và cũng sẽ giảm năng suất ở những cành mây còn lại…”. Khi chúng tôi hỏi về hợp đồng với Công ty TNHH Đức Phong, ông Chung cho biết, tuy có hợp đồng nhưng công ty cam kết thu mua theo giá thị trường nên ông chưa muốn bán.

Không chỉ gia đình ông Chung, hàng chục hộ dân trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn cũng thấp thỏm lo lắng cho đầu ra của cây mây. Với tổng diện tích mây nếp K83 trồng trên địa bàn huyện lên đến trên 50 ha, người nông dân trồng mây đang bi quan về tương lai của loại cây nguyên liệu này. Chỉ duy nhất tại xã Nghĩa Hội, với việc làng nghề chổi đót Hòa Hội đang phát triển mạnh, nguồn mây được bán tại chỗ nhưng giá cũng không đáp ứng được sự kỳ vọng của người trồng mây.

Nhu cầu cây mây sản xuất các sản phẩm mây tre đan tại Nghệ An đang trong tình thế ảm đạm. Trong thời điểm người nông dân cần đến đơn vị tiêu thụ sản phẩm mây nếp K83 nhất thì Công ty TNHH Đức Phong lại không thực sự có nhu cầu với giống mây này. Ông Thái Đại Phong - Giám đốc Công ty TNHH Đức Phong cho biết: “Ở Nghệ An hiện có trên 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mây tre đan lớn, hướng vào xuất khẩu. Nhu cầu nguyên liệu cũng rất lớn nhưng vài năm lại đây, thị trường thế giới quay sang ưa chuộng những mặt hàng mây tre đan làm từ cây lùng và cây mây nước (mây song - PV). Nhiều doanh nghiệp phải vào tận Đà Nẵng, Quảng Nam…, thậm chí phải nhập khẩu từ Malaisya, Indonesia... chứ trong tỉnh không đáp ứng được nhu cầu”. Ông Phong cũng cho biết thêm, tuy giá thấp nhưng đến nay, nhu cầu về giống mây K83 vẫn rất lớn. Nông dân các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Nghi Lộc… cũng đã liên hệ để mua cây giống về trồng… Ngày 24/9, Công ty TNHH Đức Phong tiếp tục cấp cho 10 hộ dân tại xã Nghĩa Long 24.500 cây giống (tương đương với 6ha tập trung). Trước tình thế công ty thì không mạnh tay thu mua, cũng chỉ còn cách động viên bà con tự tìm hướng đi cho cây mây.

Việc đưa cây mây vào trồng ở Nghĩa Đàn nói riêng và vùng miền núi Nghệ An nói chung là chủ trương nhằm nâng cao đời sống cho người nông dân, tạo vùng nguyên liệu bền vững cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp và người dân cần tính toán nhu cầu của thị trường hiện nay để tháo gỡ khó khăn cho các hộ trồng mây tre nguyên liệu.


Võ Dũng

Mới nhất
x
Cần ổn định đầu ra cho mây nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO