Cần sớm giải quyết vướng mắc để cấp bằng cho sinh viên cao đẳng ở Nghệ An đã hoàn thành chương trình học

Tiến Hùng 13/01/2024 16:18

(Baonghean.vn) - Nguyên nhân nhiều lớp cao đẳng ở Nghệ An đã học xong chương trình từ lâu nhưng chưa được thi tốt nghiệp là do đang chờ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát, đánh giá lại chương trình đào tạo. 

Liên quan đến 64 sinh viên của các trường cao đẳng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã học xong chương trình từ lâu nhưng chưa được thi tốt nghiệp, ngày 13/1/2023, một lãnh đạo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An cho biết, nguyên nhân do vẫn chờ Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội rà soát, so sánh, đánh giá lại chương trình đào tạo. Không chỉ có 2 trường ở Nghệ An, trên cả nước có 45 trường cao đẳng cũng lâm vào cảnh tương tự. Đây là những lớp thuộc chương trình đào tạo do phía Đức chuyển giao theo Đề án 371.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngày 17/10/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp về việc giải quyết vướng mắc liên quan đến cấp bằng cao đẳng của Việt Nam cho sinh viên đã hoàn thành chương trình do phía Đức chuyển giao, theo Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28/2/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Chuyển giao các bộ chương trình; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề; đào tạo thí điểm các nghề trọng điểm cấp độ khu vực ASEAN, quốc tế” giai đoạn 2012 - 2015 và các Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 371.

bna-h1-1530.jpg
Chuyên gia Đức kiểm tra một bài tập của sinh viên tại Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại Nghệ An. Ảnh: Mỹ Hà

Sau khi nghe báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và cơ sở đào tạo đánh giá mức độ tương thích của chương trình, nội dung đào tạo để được công nhận, thừa nhận lẫn nhau hoặc điều kiện miễn trừ khi xem xét tổ chức thi sát hạch và cấp văn bằng cho sinh viên theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật Việt Nam. Báo cáo rõ chương trình đào tạo này đã được cơ quan có thẩm quyền nào phía Đức đánh giá đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện và rà soát lại "Thỏa thuận hợp tác" này, trong đó nêu rõ cơ quan, đối tác thỏa thuận cũng như mức độ cam kết của thỏa thuận và nghĩa vụ phải thực hiện.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng thống nhất với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về sự cần thiết phải sớm giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc cấp bằng cao đẳng của Việt Nam cho sinh viên đã hoàn thành chương trình do phía Đức chuyển giao trên cơ sở tuân thủ các tiêu chí, tiêu chuẩn và quy định của pháp luật Việt Nam, tôn trọng mối quan hệ và hợp tác quốc tế, lợi ích hợp pháp và chính đáng của học sinh, sinh viên.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẩn trương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát tổng thể tình hình thực hiện Đề án, làm rõ những tồn tại, vướng mắc để kịp thời, chủ động xử lý theo thẩm quyền và quy định, bảo đảm nguyên tắc những hành vi vi phạm (nếu có) phải được xử lý nghiêm minh, đồng thời cần hạn chế tối đa ảnh hưởng tiêu cực đến công tác giảng dạy, đào tạo và hợp tác quốc tế; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

bna-h2-3495.jpg
Chuyên gia Đức tại một lớp học ở Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam - Hàn Quốc. Ảnh: T.H

Trước đó, Báo Nghệ An nhận được phản ánh của nhiều phụ huynh về việc, con em họ học tại các lớp cao đẳng, dù đã xong chương trình từ lâu nhưng chưa được thi tốt nghiệp để lấy bằng đi xin việc làm. Trong đó, tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc có 2 lớp với 32 sinh viên đã học xong chương trình, dự kiến thi tốt nghiệp từ tháng 4/2023 nhưng nhận được yêu cầu tạm dừng. Còn tại Trường Cao đẳng Du lịch thương mại Nghệ An, các sinh viên đã học xong chương trình từ năm 2022 nhưng đến nay vẫn mòn mỏi chờ được thi tốt nghiệp.

Ông Hồ Văn Đàm – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc cho biết, đây là những lớp nằm trong chương trình đào tạo thí điểm trình độ cao đẳng cho 22 nghề trọng điểm cấp độ quốc tế của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

“Năm 2019, chúng tôi và nhiều trường cao đẳng nghề khác, ký hợp đồng với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để nhận trách nhiệm đào tạo. Khi tham gia đào tạo thí điểm này, các trường sẽ được đào tạo bồi dưỡng giáo viên, được nhận các bộ chương trình, được đầu tư cơ sở vật chất đào tạo theo tiêu chuẩn của Đức. Người học đủ điều kiện tốt nghiệp được cấp 2 bằng theo quy định của Đức và của Việt Nam, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong bối cảnh hội nhập quốc tế và có thể làm việc tại Đức”, ông Đàm nói.

Theo hợp đồng đã ký, thời gian đào tạo là 3,5 năm. Để đào tạo 32 sinh viên thuộc 2 lớp, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp Việt Nam – Hàn Quốc được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cam kết sẽ thanh toán gần 6,4 tỷ đồng. Tương đương, đào tạo mỗi em hết khoảng 200 triệu đồng. Tất cả đều từ nguồn ngân sách Nhà nước.

“Tuy nhiên, khi các em đã học xong thì Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đề nghị tạm dừng, không cho thi tốt nghiệp. Đây không phải là lỗi của nhà trường, vì chúng tôi chỉ chịu trách nhiệm đào tạo”, Hiệu trưởng Hồ Văn Đàm nói.

Trong văn bản gửi các trường cao đẳng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cũng không nêu cụ thể nguyên nhân tạm dừng chương trình đạo tạo, mà chỉ cho biết, “do trong quá trình tổ chức đào tạo thí điểm 22 nghề chuyển giao từ Đức có phát sinh một số khó khăn, vướng mắc bất khả kháng nằm ngoài sự kiểm soát của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và đang chờ cơ quan có thẩm quyền giải quyết, xử lý…”./.

Mới nhất

x
Cần sớm giải quyết vướng mắc để cấp bằng cho sinh viên cao đẳng ở Nghệ An đã hoàn thành chương trình học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO