Cần sự vào cuộc đồng bộ để xử lý nạn quấy rối đòi nợ
(Baonghean.vn) - Sau khi Báo Nghệ An phản ánh, nhiều đơn vị đã có văn bản cảnh báo tới cán bộ, nhân viên, đồng thời có những động thái tích cực. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm tình trạng này, đã đến lúc cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị.
Đừng biến bản thân thành “con mồi”
Bà Hoàng Phương Thảo - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo TP. Vinh cho biết, sau khi Báo Nghệ An có loạt bài phản ánh, đơn vị cũng đã phát văn bản về việc chấn chỉnh cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động trong hoạt động vay tín dụng đen để gửi hiệu trưởng các trường Mầm non, Tiểu học, THCS, Trung tâm GDNN-GDTX và Trường Phổ thông năng khiếu TDTT tỉnh Nghệ An.
Theo bà Thảo, trong thời gian vừa qua, có rất nhiều tổ chức, cá nhân cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động trong các trường học trên địa bàn thành phố Vinh bị các số điện thoại lạ gọi điện, nhắn tin qua Facebook, Zalo, Gmail… quấy rối, khủng bố yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động trong nhà trường phải trả khoản vay nào đó, Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến danh dự, uy tín của các tổ chức và cá nhân nói trên, gây mất an toàn, an ninh trường học, tạo tâm lý hoang mang đến các tổ chức, cá nhân bị đòi nợ và bị quấy rối dù không vay mượn khoản vay hay thế chấp nào.
Một hiệu trưởng ở Nam Đàn bị đưa hình ảnh bản thân và gia đình lên mạng bêu rếu dù không vay tiền. Ảnh: H.T |
Trước tình hình đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Công an thành phố Vinh tổ chức đấu tranh, làm rõ nguyên nhân các vụ việc kể trên. Để có số liệu chính xác cung cấp cho Công an thành phố Vinh, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Hiệu trưởng các trường tuyên truyền, nâng cao ý thức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động không vay các khoản vay nóng, vay nặng lãi, vay tín dụng đen của các tổ chức không hợp pháp làm ảnh hưởng đến danh dự của tập thể, cá nhân khác trong nhà trường.
Hiệu trưởng có trách nhiệm quản lý chặt chẽ cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động trong hoạt động tín chấp, khuyến cáo đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động trong nhà trường cần lựa chọn những tổ chức tài chính, những ngân hàng có uy tín để vay tiền khi có nhu cầu. Đồng thời, rà soát, thống kê, lập danh sách số cán bộ, giáo viên, nhân viên và người lao động trong trường đã và đang bị quấy rối bởi hoạt động tín dụng đen kể cả người vay và không vay.
Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn - Chánh Thanh tra Sở Thông tin và Truyền thông cho biết, thời gian qua đơn vị cũng đã nhận được một số phản ánh của người dân và đã vào cuộc tìm hiểu. Tuy nhiên, công tác điều tra, xử lý bước đầu gặp một số khó khăn do thủ đoạn tinh vi của thủ phạm. "Để xử lý dứt điểm tình trạng này, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của nhiều đơn vị, đặc biệt là sự hợp tác của các ngân hàng và các nhà mạng", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cũng khuyến cáo người dân “không nên biến mình trở thành con mồi” khi vô tư chia sẻ các thông tin cá nhân lên mạng xã hội. Đặc biệt là hình ảnh căn cước công dân, chứng minh nhân dân… “Nhiều người không vay nhưng bị gọi điện khủng bố, chúng còn đe dọa con cái và biết hết thông tin về gia đình, con cái. Qua tìm hiểu thì mới hay, những thông tin này đều do họ tự chia sẻ trên mạng xã hội, thậm chí thu nhập hàng tháng bao nhiêu cũng chia sẻ. Làm như thế là biến mình thành con mồi cho thủ phạm”, ông Tuấn nói.
Ngoài ra, văn bản này cũng được gửi tới Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Nghệ An để báo cáo và gửi Công an tỉnh Nghệ An để phối hợp xử lý.
Văn bản này cho hay, thời gian gần đây, theo phản ánh của các ngành chức năng và nắm bắt tình hình tại các cơ sở giáo dục cho thấy hoạt động của một số đối tượng tổ chức tín dụng cho vay tiền không rõ nguồn gốc được đăng tải trên các app, thông qua tin nhắn các ứng dụng online, mạng xã hội, tờ rơi..., với lời quảng cáo thủ tục đơn giản, nhanh gọn đã lôi kéo được nhiều người tham gia, trong đó có một số cán bộ, giáo viên trong ngành.
Các cá nhân khi đã vay tiền theo hình thức này phải chấp nhận lãi suất cao và hình thức tính lãi phức tạp, sau khi vay đã chịu nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nhiều người cho biết đã trả hết nợ nhưng các đối tượng này cho rằng vẫn còn nợ nên liên tục bị đòi. Để đòi nợ, các đối tượng sẵn sàng gây sức ép đối với tất cả những người thân, đồng nghiệp có liên quan đến con nợ, gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và uy tín của nhiều người, trong đó nhiều người không hề vay mượn bất kể khoản tiền nào, nhưng vẫn có người gọi điện, nhắn tin khủng bố, đe dọa. Nghiêm trọng hơn, chúng còn sử dụng hình ảnh cá nhân phát tán lên mạng xã hội, gửi email, gọi điện cho các cấp lãnh đạo, cán bộ quản lý, các cá nhân liên quan để tố cáo và gây sức ép đòi nợ....
Công an vào cuộc
Thượng tá Trần Đức Thân - Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An cho biết, sau khi Báo Nghệ An có bài phản ánh đầu tiên, ngay lập tức, đơn vị cũng đã cử cán bộ tới gặp các nạn nhân để xác minh vụ việc. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát Hình sự cũng đang làm việc với phía ngân hàng, để làm rõ những thông tin mà Báo Nghệ An phản ánh.
Trong khi đó, trả lời báo chí, Trung tướng Trần Ngọc Hà - Cục trưởng Cục Cảnh sát Hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, tình trạng đòi nợ theo kiểu “khủng bố” trong các năm gần đây có những diễn biến rất phức tạp, và lãnh đạo Bộ Công an đã nhiều lần chỉ đạo các đơn vị, địa phương tập trung giải quyết.
Đường dây cho vay lãi nặng qua app vừa bị triệt phá. Ảnh: CACC |
“Sau khi công an làm căng, kiên quyết xử lý các vụ tạt sơn, đổ mắm tôm vào nhà con nợ, thì tình trạng này đã giảm hẳn nhưng gần đây lại xuất hiện thêm nhiều nhiều phương thức, thủ đoạn mới gây khó khăn cho cơ quan công an trong việc xử lý”, Trung tướng Trần Ngọc Hà nói và chỉ rõ: “Việc điều tra, xử lý các hành vi đe dọa giết người, xâm phạm đến sức khỏe hay tài sản công dân là nhiệm vụ của công an, song khi các đối tượng dùng các thủ đoạn gọi điện cho người thân, đến cơ quan tổ chức của người vay nợ để tác động, thì dù là sai trái nhưng chưa đến mức cơ quan công an vào cuộc”.
Người đứng đầu Cục Cảnh sát Hình sự Bộ Công an cũng cho biết, tình hình đòi nợ nêu trên hầu hết liên quan đến việc cho vay tín chấp, vay nặng lãi, tín dụng đen, nhưng được các đối tượng trong cuộc sử dụng nhiều phương thức, một mặt để đối phó với cơ quan chức năng, một mặt lách vào những kẽ hở mà pháp luật chưa quy định rõ, hoặc chưa điều chỉnh. “Khi cho vay, các đối tượng thỏa thuận với con nợ bằng nhiều cách để mức lãi suất chưa đến mức bị xử lý về tội cho vay lãi nặng. Bên cạnh đó, các đối tượng yêu cầu người vay cung cấp thông tin cá nhân, thông tin về gia đình, tổ chức để tính đến phương án tác động đòi nợ…”, Trung tướng Trần Ngọc Hà nói.
Theo Trung tướng Trần Ngọc Hà, tất cả những dấu hiệu, biểu hiện liên quan đến việc đòi nợ đều đã được Bộ Công an nhận diện, từng bước phối hợp với các ngành chức năng xử lý. Trong đó, nếu là các trường hợp đe dọa xâm phạm đến tính mạng sức khỏe hay tài sản thì người dân cần trình báo đến cơ quan công an gần nhất để xử lý.
“Về lâu dài, Bộ Công an đang phối hợp để kiến nghị các cơ quan có liên quan, đặc biệt là Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét nâng mức xử lý đối với tội cho vay nặng lãi lên cao hơn so với 3 năm tù như hiện hành, kể cả nâng về mức xử phạt hành chính. Thứ hai, kiến nghị Bộ TT&TT, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định về các nguyên tắc, quy tắc ứng xử về thông tin điện thoại, mạng xã hội để đảm bảo quyền riêng tư của công dân. Đây là những vấn đề có thể phải điều chỉnh bằng những đạo luật khác, ngoài Bộ luật Hình sự”, Trung tướng Trần Ngọc Hà cho biết.
Ngày 24/5, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Hà Nội phối hợp với Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) triệt phá đường dây tín dụng đen xuyên quốc gia trên. 300 nghi phạm ở khắp nước bị triệu tập, trong đó có nhiều người nước ngoài. Theo điều tra ban đầu, người vay chỉ cần chụp ảnh chứng minh thư nhân dân hoặc căn cước công dân sau đó dùng danh bạ điện thoại làm tài sản thế chấp, gửi qua app. Chỉ với thủ tục như vậy khách hàng có thể vay 2-30 triệu đồng mà không cần gặp mặt hay ký kết giấy tờ vay nợ. Ngay sau khi giải ngân, nhóm cho vay sẽ thu ngay tiền lãi, còn tiền gốc người vay sẽ phải trả trong 3-5 ngày. Trường hợp không thanh toán được tiền gốc như cam kết, số tiền sẽ được nhân lên để tính với mức lãi suất "cắt cổ", hơn 2.000%/năm.
Khi nhận thấy người nào mất khả năng thanh toán, nhóm cho vay sẽ chỉ đạo bộ phận đòi nợ nhắn tin, gọi điện đe dọa, khủng bố tinh thần họ và người thân cùng các mối quan hệ trong danh bạ điện thoại. Nhiều trường hợp, chúng cắt ghép hình ảnh của người vay rồi tung lên mạng xã hội nhằm bôi nhọ, ép nhanh trả nợ.