Cần tái khởi động dự án nhà ở cho công nhân
(Baonghean.vn) - “Công nhân lao động của chúng ta còn khổ quá. Chúng tôi đi kiểm tra, thấy công nhân làm việc trong môi trường ồn, bụi, không khí nóng bức vào các tháng mùa hè” - ông Nguyễn Chí Công - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh nói và nhấn mạnh, cần phải có giải pháp quyết liệt để khắc phục thực trạng này, đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Các đồng chí: Huỳnh Thanh Điền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Nguyễn Tử Phương - Chủ tịch LĐLĐ tỉnh đồng chủ trì buổi làm việc. Cùng dự có đại diện các sở, ngành liên quan. Ảnh: Phước Anh |
Sáng 7/6, tại cuộc làm việc giữa UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh để đánh giá kết quả phối hợp năm 2017 và 6 tháng đầu năm 2018, triển khai chương trình phối hợp trong thời gian tới, bên cạnh đánh giá những kết quả tích cực đạt được, Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Nguyễn Chí Công đã thẳng thắn nêu những tồn tại, hạn chế.
Theo đó, ông Công cho rằng, thời gian qua, việc phối hợp với Sở Y tế giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn ca của người lao động tại các doanh nghiệp chưa triển khai. Trong khi đó, chất lượng bữa ăn ca là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc đình công.
Qua giám sát tại Tháng Công nhân vừa qua, kiểm tra thực tế tại một số doanh nghiệp, LĐLĐ tỉnh nhận thấy môi trường làm việc của công nhân, người lao động vẫn còn chưa đảm bảo. Các tháng mùa hè, công nhân vẫn phải làm việc giữa tiếng ồn, khói bụi, không khí nóng bức.
Đại diện LĐLĐ tỉnh nêu nhiều vấn đề thực tiễn về môi trường lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm... của công nhân tại các doanh nghiệp. Ảnh: Phước Anh |
Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá công tác phối hợp 2 bên còn chỉ rõ, việc phối hợp chỉ đạo thực hiện Nghị định số 60/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đối thoại tại nơi làm việc chưa thực sự hiệu quả.
Việc chỉ đạo hội nghị người lao động ở một số huyện, ngành chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến chất lượng ở một số đơn vị, nhất là ở các doanh nghiệp chưa cao; tỷ lệ hội nghị người lao động còn đạt thấp, vì vậy, chưa phát huy hết quyền và trách nhiệm của người lao động tham gia quản lý doanh nghiệp.
Đồng tình với một số nội dung mà LĐLĐ tỉnh đề cập, ông Phan Xuân Hóa - Phó Trưởng Ban quản lý KKT Đông Nam phân tích thêm: Hiện, KKT Đông Nam có 18.500 công nhân và dự đoán còn tăng hơn nữa, đặt ra vấn đề bức thiết về nhà ở.
Theo khảo sát, trung bình trong năm 2017, lương công nhân ở KKT Đông Nam khoảng 5,5 triệu đồng/ tháng. Số tiền này chỉ vừa đủ chi trả cho tiền thuê trọ và các nhu cầu sinh hoạt thiết yếu, đời sống công nhân vẫn còn khó khăn.
Công nhân làm việc tại Công ty BSE, KKT Đông Nam. Ảnh: Phước Anh |
Ông Hóa cho biết, năm 2013, KKT Đông Nam có đề xuất thí điểm dự án nhà ở cho công nhân với tổng số vốn đầu tư khoảng 60 tỷ đồng; đến năm 2014, UBND tỉnh có cân đối 5 tỷ đồng, sau đó dừng lại vì gặp khó về kinh phí. Nay, trước nhu cầu ngày càng bức thiết của hàng chục nghìn công nhân, ông Phan Xuân Hóa đề nghị tỉnh tái khởi động lại dự án nhà ở.
Tại cuộc làm việc, LĐLĐ tỉnh cũng nêu một số kiến nghị, đề xuất với UBND tỉnh về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn ca; hỗ trợ kinh phí hoạt động cho LĐLĐ huyện, thành, thị, công đoàn ngành; xúc tiến thành lập công đoàn cơ sở, phát triển đoàn viên ở KCN VSIP…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền kết luận buổi làm việc. Ảnh: Phước Anh |
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Thanh Điền đánh giá, quá trình phối hợp giữa UBND tỉnh và LĐLĐ tỉnh đã ngày càng chặt chẽ, hiệu quả hơn. Thời gian tới, 2 bên cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn để tham gia xây dựng các chính sách liên quan đến công nhân, viên chức, người lao động; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở; các phong trào thi đua do công đoàn các cấp phát động.
Bên cạnh đó, đồng chí Huỳnh Thanh Điền cũng yêu cầu các sở, ngành phối hợp nhịp nhàng để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn, đặc biệt là các vấn đề về hợp đồng lao động, nhà ở cho công nhân, an toàn vệ sinh thực phẩm bữa ăn ca, đảm bảo môi trường lao động an toàn...