Cẩn thận với các chiêu lừa
(Baonghean.vn) Dịp Giáng sinh, đón mừng năm mới được coi là mùa mua sắm của thị trường điện tử điện lạnh. Thế nhưng, "thượng đế "hãy cẩn thận khi mua hàng để tránh bị lừa về chất lượng, giá cả...
Trên địa bàn TP. Vinh, có khoảng 10 siêu thị kinh doanh mặt hàng này như: Hòa Bình, Sơn Hà, CK, mới đây là Siêu thị Big C, Metro... và bên cạnh các siêu thị, đại lý lớn, có thêm vài chục các cửa hàng lớn, nhỏ.
Để chuẩn bị cho mùa mua sắm, kích cầu tiêu dùng, hiện nay tại nhiều siêu thị, cửa hàng đang tổ chức tưng bừng các chương trình khuyến mãi. Tuy nhiên, theo những người có kinh nghiệm mua sắm, rất nhiều nơi tung các chương trình khuyến mãi ảo. Đơn cử là các mặt hàng điện máy, các mức khuyến mãi mà các đại lý báo ra thường không thống nhất, dù với mặt hàng cùng hãng. Phổ biến nhất vẫn là doanh nghiệp nâng giá lên cao rồi thông báo hạ giá 50 - 70%. Phổ biến nhất là công bố giá nguyên gốc cao rồi áp dụng giảm giá, tặng quà, gần đây còn giở chiêu "bao công lắp đặt, vật tư, miễn phí giao hàng tận nhà".
Người tiêu dùng nên mua hàng ở nơi có niêm yết giá rõ ràng.
Tinh vi hơn là hiện tượng lừa giá. Lợi dụng mặt bằng giá công khai niêm yết của các siêu thị, đại lý chính hãng, các cửa hàng nhỏ làm ăn chụp giật, dùng chiêu giảm giá để thu hút khách. Giá giảm (so với giá niêm yết công khai của các siêu thị) có khi lên tới tiền triệu. Vậy nên, người tiêu dùng hãy cảnh giác, phần lớn đó lại là chiêu lừa. Anh Hồng ở ngõ 34, đường Trần Bình Trọng (TP. Vinh) sau khi tham khảo, anh chọn tivi CX30 320 của hãng Sony có giá niêm yết là 7.790.000 đồng tại siêu thị H. Tại cửa hàng khác cách đó không xa, nhân viên bán hàng cho biết "con" Sony anh cần tìm có giá thấp hơn 600.000 đồng.
Tuy nhiên, nhân viên bán hàng lại cho rằng "con" Sony đó chất lượng, tính năng kém và thuyết phục anh Hồng lấy chiếc Panasonic với giá 7,2 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi lắp đặt xong, anh Hồng mới phát hiện, chiếc Panasonic của anh trên thị trường giá chỉ 6,1 triệu đồng. Biết mình bị lừa, anh quay lại xin đổi nhưng lúc này cửa hàng lại cho biết tivi Sony đã hết, và buộc anh lấy một chiếc khác giá cũng cao hơn thị trường tới 500.000 đồng.
Không chỉ với khách hàng lờ mờ về chất lượng hàng điện tử, các chiêu lừa tinh vi còn khiến cả dân kỹ thuật trong nghề cũng không thoát khỏi. Là nhân viên nhập hàng của hãng Toshiba, qua khảo sát giá thị trường, anh Tùng sửng sốt khi các cửa hàng phản ánh về sản phẩm có nơi bán rẻ hơn 1 triệu đồng. Nghi ngờ, anh Tùng đến cửa hàng nọ để mua.
Thế nhưng, chủ cửa hàng nói hàng đã hết hiện đang trên đường về, chịu khó đợi. Khi anh quyết định ngồi chờ thì một nhân viên nói: "Loại này không xịn đâu, nhanh hỏng cục lạnh và phải bảo dưỡng thường xuyên..." và khuyên anh mua loại khác cửa hàng đang có. Đến đây anh mới khẳng định rằng cửa hàng này không có sản phẩm rẻ hơn mà đó chẳng qua chỉ là chiêu lừa khách.
Theo tìm hiểu, có vô số thủ đoạn đánh lừa người mua hàng, người biết được thì tránh, còn đa số là "vấp". Khách hàng khi bị lái sang một thương hiệu không tên tuổi hoặc chất lượng "trôi nổi", nếu đồng ý mua có nghĩa là đã bị "lừa đẹp".
Theo khuyến cáo, để không mua phải đồ rởm, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác. Nếu đã chọn thương hiệu nào phải mua ở các đại lý lớn, hoặc các siêu thị có niêm yết giá rõ ràng và khi mua phải yêu cầu người bán có phiếu bảo hành chính hãng, có số seri ở phiếu bảo hành trùng với số máy. Đối với hàng có khuyến mãi, người tiêu dùng nên biết so sánh giá trước và sau khi khuyến mãi để đảm bảo mua đúng hàng giảm giá thật. Khi có nghi ngờ về giá trị sản phẩm, nên liên hệ trực tiếp với nhà sản xuất hoặc nhà phân phối để không bị mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
Thu Huyền