Cần thay đổi hỗ trợ nông cụ sản xuất nông nghiệp miền Tây

13/08/2016 06:57

(Baonghean) - Việc hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn tại các huyện miền Tây Nghệ An theo Quyết định 755/QĐ-TTg đã được triển khai từ năm 2013. Tuy nhiên, qua thực tế áp dụng đã phát sinh bất cập cần sửa đổi để phát huy tối đa hiệu quả; đáp ứng nguyện vọng của người dân.

Thực tiễn áp dụng

Tương Dương là một trong những địa phương của Nghệ An được thụ hưởng chính sách hỗ trợ mua sắm nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp với hơn 155 hộ. Sau khi xét duyệt đối tượng được nhận hỗ trợ, các hộ được thụ hưởng đăng ký loại máy móc cần mua với chính quyền, sau đó người dân tự đi mua máy và chính quyền nghiệm thu rồi mới giải ngân, không phát trực tiếp tiền cho người dân và mỗi hộ được hỗ trợ tối đa 5 triệu đồng. Năm 2015, huyện Tương Dương thực hiện hỗ trợ cho 2 xã Tam Thái và Tam Đình, thực hiện giải ngân 155 triệu đồng/31 hộ.

Cán bộ phòng Dân tộc huyện Tương Dương khảo sát hiệu quả sử dụng máy xay xát của hộ dân ở bản Can, xã Tam Thái.
Cán bộ phòng Dân tộc huyện Tương Dương khảo sát hiệu quả sử dụng máy xay xát
của hộ dân ở bản Can, xã Tam Thái.

Các loại nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp được người dân lựa chọn chủ yếu là máy tuốt lúa, máy gặt, máy xay xát, máy thái rau, bình phun thuốc bảo vệ thực vật. Trong đó, đa số các hộ dân lựa chọn mua máy tuốt lúa thủ công với giá gần 800.000 đồng, các loại máy khác có giá từ 1,5 - 3 triệu đồng; số ít đăng ký mua máy cắt cỏ gần 7 triệu đồng, máy xay xát gần 10 triệu đồng. Các máy quá 5 triệu đồng người dân phải tự bù vào số tiền còn thiếu.

Nguyên nhân do các hộ gia đình đều thuộc diện hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn và thiếu đất sản xuất. Vì vậy, khi xem xét để mua máy nông cụ hoặc máy làm dịch vụ nông nghiệp họ đều không có nhu cầu bức thiết hoặc không có khả năng bù thêm tiền để mua.

Nếu sắm các loại máy có giá dưới 5 triệu đồng, thì cũng chỉ có thể hỗ trợ thêm trong sản xuất, chăn nuôi, giúp người dân giảm bớt sử dụng sức người trong lao động chứ chưa giúp nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Nếu người dân muốn đầu tư máy làm dịch vụ nông nghiệp, cần phải bù vào số vốn gần bằng số tiền được hỗ trợ hoặc lớn hơn, chẳng hạn mua máy xay xát cần 9,8 triệu đồng, nghĩa là người dân phải bù vào 4,8 triệu đồng.

Thế nhưng, nhiều hộ không có khả năng dù rất muốn. Ví như hộ ông Lô Văn Sáo ở bản Khổi, xã Tam Thái, ban đầu đăng ký mua máy tuốt lúa và máy xay xát với tổng số tiền gần 11 triệu đồng, nhưng do không đủ khả năng xoay xở thêm 6 triệu đồng nên ông chuyển sang mua 1 máy tuốt lúa đạp bằng chân và 1 máy cắt cỏ với giá chưa đầy 5 triệu đồng. Tuy nhiên, nhận thấy máy đã mua về không đem lại nhiều hiệu quả, nên ông Sáo có chung suy nghĩ cùng nhiều hộ khác là sẽ được dùng tiền hỗ trợ vay thêm vốn ngân hàng để mua bò.

Xã Tam Thái có 1.009 hộ dân nhưng chỉ có 96 ha lúa nước, mỗi hộ chỉ có khoảng 0,2 ha canh tác lúa nước nên nhu cầu mua máy móc phục vụ việc gieo cấy, gặt đập không cao; dịch vụ gặt đập, xay xát cũng vì thế mà ít có người thuê.

Ông Lương Văn Viễn - Trưởng phòng Dân tộc huyện Tương Dương cho biết: “Các hộ đã được hỗ trợ mua nông cụ, máy móc đều chưa thấy được hiệu quả rõ nét, chưa làm thay đổi cuộc sống của họ. Nhiều hộ sau khi nhận máy thì 1 tháng chỉ vận hành đôi lần, hoặc nhận máy xong thì “đắp chiếu”.

Điển hình như gia đình anh Ngân Văn Thiết, sau khi được hỗ trợ mua 1 máy tuốt lúa từ tháng 3/2015 đến nay chưa sử dụng lần nào, dù sau khi nhận máy gia đình đã mua thêm 1 mô tơ điện gắn vào để khỏi phải đạp bằng chân. Căn nhà sàn của anh Thiết suốt ngày cửa đóng then cài, ngoài thềm, trước sân và vườn cỏ dại mọc đầy. Bà Vi Thị Hồng, mẹ anh Thiết cho biết vợ chồng anh không có nhiều đất sản xuất nên lúa làm ra không đủ ăn, không có vốn bù vào để mua máy làm dịch vụ nên phải gửi con cho ông bà chăm sóc rồi vào miền Nam tìm việc làm.

Bà Vi Thị Hồng bên chiếc máy.
Bà Vi Thị Hồng bên chiếc máy tuốt lúa mua hơn 1 năm nay nhưng chưa sử dụng lần nào.

Nguyện vọng của người dân

Khi được hỏi về hiệu quả của việc hỗ trợ nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã Tam Thái, ông Vi Viết Kiều - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Hiệu quả thì có, nhưng chỉ mới dừng lại ở việc trợ giúp người dân đỡ vất vả, chứ chưa tạo ra nguồn thu nhập mới cho họ, chưa thực sự phù hợp với điều kiện thực tế địa phương”.

Đó cũng chính là thực trạng chung đối với các địa phương được thụ hưởng chính sách này ở các huyện miền Tây - nơi có 36% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số. Số lượng đối tượng được thụ hưởng chính sách của Quyết định 755/QĐ-TTg là rất lớn, vì vậy, cần cân nhắc tính hiệu quả khi áp dụng, thực hiện để chính sách của Đảng, Nhà nước thực sự có ý nghĩa, giúp người dân thoát nghèo bền vững.

Năm 2015, ngân sách Trung ương cấp cho Nghệ An 4 tỷ 530 triệu đồng mua nông cụ, máy móc làm dịch vụ sản xuất nông nghiệp cho các đối tượng thuộc Quyết định 755/QĐ-TTg, trong đó huyện Con Cuông 430 triệu đồng, huyện Quỳ Châu 750 triệu đồng, huyện Quế Phong 810 triệu đồng, Kỳ Sơn 805 triệu đồng,…

Ở các huyện miền Tây hầu hết vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, vùng đặc biệt khó khăn là những địa hình đồi núi cao, đất dốc và nhỏ hẹp nên rất khó khăn trong trồng trọt, chỉ phù hợp cho chăn nuôi. Nên “do không có chủ trương chứ có chủ trương thì họ muốn mua bò hơn”, ông Lương Doãn - Trưởng phòng Dân tộc huyện Quỳ Châu khẳng định khi trao đổi về mong muốn chuyển đổi mục đích sử dụng vốn hỗ trợ mua máy nông nghiệp của người dân trên địa bàn huyện.

Xung quanh vấn đề này, ông Lương Văn Khánh - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Từ phản hồi của người dân và phản ánh của các địa phương, cuối năm 2015 và đầu năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh đã có những rà soát, cử nhiều đoàn đi kiểm tra, khảo sát ở từng địa phương cụ thể và nhận thấy việc đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng là cần thiết.

Vì thế tháng 3 năm nay, Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh có công văn gửi Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính về việc xin chủ trương thực hiện chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề theo Quyết định 755/QĐ-TTg, trong đó nêu rõ: Việc hỗ trợ mua sắm máy móc, nông cụ với kinh phí hỗ trợ và vốn vay theo quy định khó mua sắm được máy móc để làm dịch vụ cho dân thoát nghèo bền vững.

Hơn nữa, việc lựa chọn các loại máy móc nông nghiệp phù hợp với nhu cầu địa phương là rất khó do không bố trí được việc làm thường xuyên, một số loại nông cụ các hộ đã được hỗ trợ không phát huy hiệu quả. Dẫn đến việc thực hiện hỗ trợ các nội dung này dễ lãng phí tiền của của Nhà nước và không đạt được mục tiêu đề ra, nên mong muốn được sử dụng nguồn kinh phí hỗ trợ và vốn vay của chương trình để chủ động chuyển đổi nghề cho phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

Sau khi xem xét, Ủy ban Dân tộc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đồng ý với đề nghị của tỉnh Nghệ An. Tuy nhiên, chủ trương này chưa thực hiện được do chưa nhận được sự đồng ý của Bộ Tài chính. Vì vậy 6 tháng đầu năm 2016, Nghệ An chưa giải ngân được nguồn vốn nào cho hạng mục hỗ trợ mua máy nông cụ, máy dịch vụ nông nghiệp theo Quyết định 755/QĐ-TTg, đồng nghĩa với việc hàng nghìn hộ trong diện được hỗ trợ vẫn đang chờ đợi để được thụ hưởng chính sách này.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Cần thay đổi hỗ trợ nông cụ sản xuất nông nghiệp miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO