Cần tôn trọng sự phản biện

Anh Đặng 17/10/2021 07:37

(Baonghean.vn) - Không phải ý kiến phản biện lúc nào cũng luôn luôn đúng nhưng một xã hội, một tổ chức biết tổ chức và tôn trọng sự phản biện sẽ hạn chế tối đa sai lầm những quyết định từ các nhà quản lý.

Về chữ, nghĩa, phản có nghĩa là nghĩ, xét lại, biệnphân tích, biện luận. Phản biệncó nghĩa là phân định đúng, sai, tốt, xấu,... trên cơ sở phân tích, biện luận. Như vậy, có thể hiểu phản biện là đặt lại, xem xét lại một sự việc, một vấn đề trên cơ sở lập luận, phân tích một cách khách quan, khoa học, có sức thuyết phục, nhằm phát hiện hoặc đưa các chính kiến trở về đúng với giá trị của nó.

Ban đầu khái niệm phản biện thường dùng để nhận xét, đánh giá chất lượng một công trình khoa học, sau đó dần dần mở rộng ra lĩnh vực chính trị - xã hội.

ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Phản biện xã hội được hiểu làsự nhận xét, đánh giá, nêu chính kiến để khẳng định những nội dung đúng đắn của chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, dự án, đề án cụ thể. Đồng thời, phát hiện những điểm chưa chính xác, chưa phù hợp với đời sống xã hội và lợi ích chính đáng của Nhân dân; đưa ra những đề xuất, kiến nghị với cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung cho chính xác và phù hợp.

Trong quá trình lãnh đạo và hoạt động, Đảng ta luôn quan tâm đến phản biện xã hội. Nhiều vấn đề lớn mang tính lý luận và thực tiễn được mở rộng như văn kiện các kỳ Đại hội, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, đổi mới cơ cấu kinh tế, quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và chống lạm phát,... Các dự án lớn, có tác động đến quốc kế, dân sinh như xây dựng Thủy điện Sơn La, xây dựng Đường Hồ Chí Minh,... đều được thảo luận rộng rãi. Đã có rất nhiều ý kiến phản biện sâu sắc, hợp lý được tiếp thu.

Như vậy, phản biện có tính xây dựng, mở rộng dân chủ, tranh thủ ý tưởng, trí tuệ của tổ chức khác, người khác, của số đông. Phản biện khác hẳn với sự chống đối, càng hoàn toàn khác với phản động. Những tổ chức, những người thận trọng, cầu thị luôn luôn tôn trọng và cần sự phản biện chân chính. Vậy mà có khi phản biện chưa được coi trọng và mở rộng, thậm chí bị “soi xét”, ghẻ lạnh.

Phản biện là sự mở rộng dân chủ

Nhân dân không chỉ có quyền mà còn có trách nhiệm tham gia hoạch định và thi hành các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Phản biện xã hội là phát huy dân chủ và mở rộng quyền làm chủ của nhân dân, ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc tham gia quản lý nhà nước,... Phản biện xã hội là nhu cầu cần thiết và đòi hỏi bắt buộc của quá trình lãnh đạo và điều hành đất nước, khắc phục tệ quan liêu, chủ quan, áp đặt, chuyên quyền, độc đoán, mất dân chủ,...

Đảng ta có mối quan hệ khăng khít, chặt chẽ, sống còn với Nhân dân. Chính quyền của ta là chính quyền của Dân, do Dân, vì Dân. Chúng ta chưa thực hiện được trưng cầu dân ý. Chúng ta không thể lấy ý kiến của từng người dân mà là thông qua Mặt trận, đoàn thể, tổ tư vấn, kể cả trên mạng xã hội,... Đối với những chương trình, dự án tác động đến cuộc sống của Dân mà chỉ một nhóm có thẩm quyền tự quyết, không lấy ý kiến của dân là chưa thực sự dân chủ, không thể gọi là chính quyền của Dân, do Dân và vì Dân được, và cũng chưa hẳn đã phù hợp với nguyện vọng của Nhân dân. Sự phản biện chân chính là thể hiện quyền, trách nhiệm, niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Lắng nghe, tôn trọng sự phản biện là thiết thực để tạo ra sự đồng thuận xã hội, củng cố niềm tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Xã hội rất cần sự phản biện

Còn nhớ, đã có chuyện tỉnh Thừa Thiên - Huế dự định cho nhà đầu tư nước ngoài xây dựng khách sạn trên đồi Vọng Cảnh. Đã có những ý tưởng định lập dự án, xây dựng các công trình tại bán đảo Sơn Trà – một trong những điểm trọng yếu của an ninh quốc gia,... Nhiều nhân sĩ, trí thức liên tục lên tiếng phản đối. Cuối cùng, tiếng nói phản biện đã chiến thắng. Đó là điều đáng mừng.

Tuy nhiên, có những dự án, có lẽ được coi là “nhạy cảm”, “quan trọng”, sự phản biện chỉ thực hiện trong một phạm vi hẹp, kiểu “phòng lạnh”, “nội bộ”, rồi “âm thầm” thực hiện. Người dân, kể cả những đối tượng có liên quan trực tiếp đến dự án cũng không có cơ hội nói lên tiếng nói của mình. Bao nhiêu sân golf, công trình thủy điện, bao nhiêu dự án lấp sông, lấp hồ, triệt hạ rừng,... bị đặt trong "sự đã rồi", “rút kinh nghiệm”. Dân chúng như người ngoài cuộc, lòng dân không yên.

Xã hội càng phát triển, phương tiện thông tin đa dạng, phong phú, trình độ dân trí ngày càng nâng lên, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động phản biện. Trong thời gian qua, khi dịch Covid-19 hoành hành, gây thảm họa ở nước ta và nhiều nước khác, trên mạng xã hội có rất nhiều bài viết tâm huyết, thẳng thắn, đúng đắn dưới nhiều góc độ của các nhà khoa học, nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước rất hữu ích với các nhà quản lý và việc phòng, chống dịch của Nhân dân.

Phản biện phải có văn hóa

Nói nôm na, trong phản biện có sự tranh luận. Tranh luận để đi đến thống nhất. Muốn phản biện lành mạnh, thành công thì cơ quan công quyền hoặc người mời phản biện và người được mời phải có một thái độ chân thành, tinh thần xây dựng. Sự tiếp thu và đóng góp ý kiến đều xuất phát từ lý lẽ khoa học và thực tế cuộc sống, có tính thuyết phục. Trong phản biện, cần được bình tĩnh, bình đẳng, không phân biệt bằng cấp, tuổi tác, địa vị xã hội; không được tự cao, tự đại, công thần, cực đoan, cố chấp. Tránh hiện tượng nghe phản biện chỉ là sự lấy lệ, “hợp lý hóa” hoặc chỉ thích khen, dị ứng với góp ý và những ý kiến trái chiều. Cũng phải tránh hiện tượng lợi dụng diễn đàn để phủ định sạch trơn, thiếu khách quan, phiến diện hoặc đã nói lên thì “chỉ mình là đúng”, không được tiếp thu là thiếu dân chủ! Trong phản biện cần sự thẳng thắn nhưng phải tôn trọng lẫn nhau vì mục đích chung là đi tới chân lý và vì lợi ích của Nhân dân.

ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Sự phản biện phản ánh về chất nền dân chủ của một đất nước, một địa phương, một tổ chức. Ngày nay, dân trí đã được nâng cao. Tôn trọng phản biện là để tranh thủ nguồn “chất xám”, nguồn trí tuệ tiềm tàng của Nhân dân để xây dựng đất nước. Không phải ý kiến phản biện lúc nào cũng luôn luôn đúng nhưng một xã hội, một tổ chức biết tổ chức và tôn trọng sự phản biện sẽ hạn chế tối đa sai lầm những quyết định từ các nhà quản lý.

Cần tôn trọng sự phản biện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO