Cẩn trọng việc dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho con

21/02/2014 14:41

Có rất nhiều mẹ khi con bị sốt nghĩ ngay đến thuốc hạ sốt đặt hậu môn để tránh trường hợp bé uống thuốc vào bị nôn ra. Tuy nhiên việc dùng quá liều hay thường xuyên rất nguy hiểm với sức khỏe của trẻ.

Hậu quả của việc tùy tiện dùng thuốc đặt hậu môn

Mỗi lần thấy con gái Anh Thư, 2 tuổi bị sốt, chị Vân Anh (Ngọc Khánh - Ba Đình) liền mua ngay thuốc hạ sốt paracetamol đặt hậu môn cho con. Bởi con nhà chị cứ uống thuốc vào là bị nôn ra nên mỗi lần cho uống thuốc hạ sốt là nỗi kinh hoàng của chị. Lần này con bị sốt cao, chị lại dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn, cơn sốt giảm hẳn nhưng đến ngày thứ hai thì cháu bị đi ngoài. Nhưng vì nghĩ con bị sốt vi rút nên có thể kèm theo của triệu chứng đi ngoài nên chị không đưa bé đi khám.

Khi chồng chị đi công tác về trong lúc con đi vệ sinh anh phát hiện ra cháu đi ngoài có chất nhầy như máu, hậu môn lại đỏ có triệu chứng của việc sưng tấy, đau rát. Anh chị vội vàng đưa con đi khám thì mới biết đấy là tác dụng phụ do lạm dụng thuốc hạ sốt đặt hậu môn quá nhiều trong thời gian cháu bị sốt.

Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Phương Huệ (Bệnh viện Thanh Nhàn thì khi trẻ bị sốt cha mẹ không nên lạm dụng thuốc nhét hậu môn vì thuốc có thể gây tác dụng phụ. Tốt nhất là cha mẹ nên đo nhiệt độ chính xác rồi cho con uống thuốc với hàm lượng phù hợp, đủ liều lượng, trường hợp bất đắc dĩ mới phải đặt thuốc nhưng cũng không nên đặt nhiều.

Hạ sốt cho con bằng thuốc uống hay nhét hâu môn - mẹ đều cần sự chỉ định của bác sĩ. (Ảnh minh họa)
Hạ sốt cho con bằng thuốc uống hay nhét hâu môn - mẹ đều cần sự chỉ định của bác sĩ. (Ảnh minh họa)


Nếu đặt thuốc hậu môn cho trẻ vài ngày mà con có triệu chứng đi ngoài thì cần dừng ngay và thường xuyên kiểm tra hốc hậu môn của trẻ xem có ảnh hưởng gì không. Bởi đặt thuốc trong trạng thái trẻ đi ngoài rất dễ gây nguy cơ bị ngộ độc, nhiễm khuẩn hậu môn làm hậu môn của trẻ sưng tấy, đau rát và còn gây viêm trực tràng hay tiêu chảy.

Một trường hợp cũng giống con chị Vân Anh là con trai 19 tháng tuổi của vợ chồng anh Hiếu - chị Ngân (Đông Ngạc - Từ Liêm) cũng trong tình trạng khó uống thuốc mỗi lần bị ốm. Do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có người trông coi nên vợ chồng anh đành gửi con đi trẻ sớm. Vốn sức khỏe con anh không tốt nên cháu thường xuyên bị sốt, mỗi lần con sốt là thời điểm anh chị mất ăn mất ngủ vì cháu Mạnh nhà anh cứ uống thuốc hạ sốt vào là khóc, nôn tím tái mặt mày… Lo sợ, anh chị quay sang dùng thuốc đặt hậu môn để cắt những cơn sốt cho con.

Thời điểm mới dùng thuốc đặt hậu môn chị Ngân thấy rất hiệu quả vì những cơn sốt giảm rất nhanh và chị cứ nghĩ thế là tốt. Các lần sau, mỗi lần con bị sốt, anh chị nghĩ ngay đến thuốc đặt hậu môn paracetamol. Bình thường mỗi đợt ốm anh chị chỉ cần đặt vài lần là khỏi, không hiểu tại sao những lần con sốt gần đây anh chị đặt thuốc liên tục mà không thấy khỏi, không những thế thi thoảng ở hậu môn con còn tiết ra nước màu vàng mùi rất hôi như phân và bị tiêu chảy.

Cha mẹ cần lưu ý về việc dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn

Chia sẻ về điều này bác sĩ Phương Huệ cho biết, viên đặt hậu môn có tác dụng hạ sốt cho trẻ và người lớn. Thuốc đặt hậu môn hạ sốt thường được dùng cho trẻ hay bị nôn, trớ khi uống thuốc. Vì thế dùng thuốc đặt hậu môn vẫn thấm vào máu như đường uống nên có nghĩa vẫn qua gan nếu chúng ta lạm dụng quá nhiều. Cho nên, trẻ hay người lớn bị bệnh gan cũng không được dùng viên này.

Chính vì thế để có những kiến thức vững chắc trong việc chăm sóc con mỗi khi bị sốt, các bà mẹ không nên lạm dụng thuốc đặt hậu môn quá nhiều và không nên đặt liều cao vì đặt nhiều sẽ gây viêm loét hậu môn, ngộ độc thuốc. Khi đặt thuốc trực tiếp bằng đường hậu môn, thuốc sẽ thẩm thấu rất nhanh, ảnh hưởng chức năng gan. Vì vậy khi cha mẹ đặt thuốc cho trẻ bị sốt cần tham khảo ý kiến bác sĩ, tránh tự ý đặt thuốc quá liều sẽ gây tác hại đối với sức khỏe của trẻ. Khi trẻ bị sốt cần phải đo nhiệt độ chính xác cho con trước khi dùng thuốc.


Tuy nhiên trước khi đặt thuốc hậu môn cho trẻ các mẹ cần phải làm thêm một thao tác là vệ sinh sạch sẽ hậu môn của trẻ. Đặt tư thế mông trẻ dốc lên để dễ dàng đặt thuốc và phải nhẹ nhàng khi đặt, tránh mạnh tay. Có những trường hợp khi đặt thuốc cháu bé gồng người lên nên bố mẹ thường dùng sức mạnh để cô gắng đưa thuốc vào trong hậu môn sẽ gây cho bé cảm giác đau.

Ngoài ra những trường bé bị viêm nứt kẽ hậu môn, nhiễm khuẫn hậu môn, bệnh lỵ, bệnh tiêu chảy, trẻ bị gan, bị bệnh về thận.. hay dị ứng thuốc paracetamol thì không nên dùng thuốc đặt hậu môn trong bất kỳ trường hợp nào.

Khi trẻ bị sốt, cha mẹ tuyệt đối không mặc quá nhiều quần áo cho con, cho trẻ uống nhiều nước và có thể ăn thêm hoa quả, vì khi bé sốt thường kèm theo mất nước nên cần phải bù nước và điện giải bằng cách hòa tan mỗi gói bột Oresol 27,5g với 1 lít nước đun sôi để nguội cho bé uống dần trong ngày. Nếu không có sẵn Oresol, có thể thay thế bằng nước cam, chanh, nước cháo, nước muối đường và chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày, ăn lỏng, nên theo dõi thân nhiệt của trẻ cẩn thận.

Khi trẻ bị sốt mẹ cần lau khô mồ hôi và đôi khi chúng ta phải tắm cho trẻ trong phòng ấm để giữ trẻ được sạch sẽ, không bị nhiễm khuẩn do bẩn tích tụ trên người. Ngoài ra, các mẹ cũng có thể lấy khăn ấm hạ nhiệt bằng cách lau những vùng nách, 2 bên bẹn, cổ, những nơi da mỏng để tỏa nhiệt nhanh.

Nếu trẻ bị sốt kèm triệu chứng khác cha mẹ cần đưa con đến cơ sở y tế để được thăm khám. Còn với trường hợp sốt đơn thuần cũng nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được chỉ định dùng thuốc, nếu sốt không có kèm triệu chứng khác nhưng không hết sau 3 ngày cũng cần đi khám.

Theo PLXH

Mới nhất

x
Cẩn trọng việc dùng thuốc hạ sốt đặt hậu môn cho con
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO