Thời sự

Cần xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn để chọn cán bộ cấp xã khi sáp nhập

Mai Hoa 29/03/2025 09:55

Khi không còn cấp huyện làm trung gian và sáp nhập xã quy mô lớn hơn, nhiều thách thức và cơ hội đặt ra đối với cán bộ, công chức cấp xã. Vấn đề được dư luận quan tâm là cần bộ tiêu chuẩn và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức xã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

 Cán bộ huyện Hưng Nguyên trao đổi với cán bộ, công chức xã Thịnh Mỹ về thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ảnh Mai Hoa
Cán bộ huyện Hưng Nguyên trao đổi với cán bộ, công chức xã Thịnh Mỹ về thực hiện nhiệm vụ chính trị. Ảnh: Mai Hoa

Cơ hội và thách thức

Bỏ đơn vị cấp huyện, sáp nhập đơn vị cấp xã có quy mô lớn hơn là chủ trương đang tạo ra sự đồng tình, ủng hộ cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đây là cuộc cách mạng có tác động tích cực, mở ra những cơ hội mới, nhưng đặt ra những thách thức cho cán bộ cơ sở.

Đồng chí Phan Thị An -?Bí thư Đảng ủy xã Phú Thành (Yên Thành) cho rằng: "Việc bỏ đơn vị cấp huyện, ở cấp xã sẽ được phân cấp, phân quyền, tăng chức năng, nhiệm vụ; đồng thời, chủ động trong hoạch định đường hướng, mở ra cơ hội phát triển bứt phá cho hiện tại và tương lai; nâng cao tính “tự chủ” trong các quyết định, đảm bảo công việc được thúc đẩy, giải quyết nhanh, hiệu quả hơn, kể cả chủ động hơn trong triển khai các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương".

 Công chức xã Phú Thành (huyện Yên Thành) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân
Công chức xã Phú Thành (Yên Thành) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân.

Đồng chí Trần Văn Trung - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Thuận Long (Quỳnh Lưu) đề cập thêm về góc độ lợi ích của người dân trong giải quyết thủ tục hành chính: “Khi cấp xã trực tiếp giải quyết các thủ tục hành chính mà không qua cấp trung gian (cấp huyện) sẽ giảm về thời gian, chi phí, đi lại cho người dân, doanh nghiệp. Với đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã, khi được tăng chức năng, nhiệm vụ cũng là cơ hội để nỗ lực, vươn lên, phát huy tối đa khả năng, năng lực của mình, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ở một giai đoạn mới".

Về thách thức đặt ra cho cán bộ, công chức cấp xã, thì khi bỏ cấp huyện, nhiều nhiệm vụ, thẩm quyền của cấp huyện sẽ chuyển cho cấp xã; đồng thời, sáp nhập xã với quy mô dân số, diện tích tăng hơn gấp nhiều lần so với hiện tại. Khối lượng công việc lớn hơn, địa bàn quản lý mở rộng hơn, kể cả yêu cầu thay đổi cách quản lý, điều hành trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ và hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Điều đó sẽ tạo áp lực cho cán bộ, công chức cấp xã.

 Công chức xã Thuận Long (huyện Quỳnh Lưu) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh Mai Hoa
Công chức xã Thuận Long (Quỳnh Lưu) giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: Mai Hoa

Đồng chí Kha Văn Lập - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Thạch Giám (Tương Dương) trao đổi: "Trong điều kiện trình độ, năng lực của cán bộ, công chức hiện tại, đặc biệt là địa bàn miền núi đang đặt ra những thách thức, khó khăn khi đưa ra quyết định quan trọng mà trước đây thuộc thẩm quyền cấp huyện. Cùng với đó, hiện ở cấp xã đang thiếu cán bộ có trình độ chuyên môn mang tính chuyên sâu về kinh tế, kỹ thuật, tài chính, pháp luật… Đây là những yếu tố gây khó khăn trong thực hiện nhiều công việc ở cơ sở khi không còn “điểm tựa” cấp huyện; đặc biệt, công tác giải phóng mặt bằng, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công tác quản lý đất đai, khoáng sản, công tác thu hút đầu tư phát triển kinh tế…".

Nêu một vấn đề thách thức, khó khăn nữa đối với cán bộ, công chức cấp xã, đồng chí Kha Văn Lập cho rằng: Địa bàn tỉnh Nghệ An rộng, có thể sẽ có nhiều khó khăn cho cấp xã trong việc kết nối, phối hợp với các cơ quan cấp tỉnh, đặc biệt, khi có các vấn đề phức tạp hoặc cần sự hỗ trợ về chuyên môn.

 Cán bộ xã Châu Nhân (huyện Hưng Nguyên) hướng dẫn người dân quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên dich vụ công trực tuyến. Ảnh Mai Hoa
Cán bộ xã Châu Nhân (Hưng Nguyên) hướng dẫn người dân quy trình thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Mai Hoa

Công tâm, khách quan trong chọn cán bộ

Căn cứ quy mô diện tích, dân số cùng với một số yếu tố khác, kết hợp yêu cầu giảm đơn vị hành chính cấp xã được Trung ương đặt ra; ngày 21/3, Sở Nội vụ Nghệ An đã ban hành công văn hướng dẫn, gợi mở cho các địa phương xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập các đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh với ý kiến sắp xếp, sáp nhập 412 đơn vị cấp xã thành 88 - 95 đơn vị.

Xét về quy mô diện tích, dân số lẫn thẩm quyền, trách nhiệm tăng lên, đơn vị hành chính cấp xã sau sáp nhập sẽ giống như đơn vị cấp huyện “thu nhỏ”. Bởi vậy, vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay chính là cần xây dựng tiêu chuẩn và cơ chế lựa chọn cán bộ, công chức cấp xã đủ trình độ, năng lực chuyên môn, nhiệt huyết với công việc.

Ở Nghệ An, những năm qua, đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã được các cấp chăm lo bằng việc đề ra các tiêu chuẩn cụ thể, gắn với tạo điều kiện, hỗ trợ cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và chính trị. Nhiều cơ sở, tỷ lệ cán bộ được chuẩn hóa cao. Như xã Thuận Long (Quỳnh Lưu), hiện 100% cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn đại học và trung cấp chính trị; xã Cát Văn (Thanh Chương), trong tổng số 21 cán bộ, công chức thì có 19 người có bằng chuyên môn đại học và trung cấp chính trị.

 Cán bộ Huyện uỷ Quỳnh Lưu trao đổi với cán bộ, công chức xã Thuận Long. Ảnh Mai Hoa
Cán bộ Huyện ủy Quỳnh Lưu trao đổi với cán bộ, công chức xã Thuận Long. Ảnh: Mai Hoa

Tính chung toàn tỉnh, đến thời điểm ngày 31/12/2023, số cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã (bao gồm bí thư, phó bí thư, ủy viên ban thường vụ, ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp xã; lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội cấp xã) có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên chiếm 94,2% và trình độ lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên là 94,3%.

Điều đặc biệt, theo chia sẻ của đồng chí Trần Văn Thảo - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cát Văn (Thanh Chương): Ở cấp xã, nhiều địa phương đã thu hút được công chức tốt nghiệp đại học chính quy loại xuất sắc và giỏi về công tác, từng bước thay thế dần cán bộ có trình độ, năng lực hạn chế, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có chất lượng hơn.

 Cán bộ, công chức xã Cát Văn (huyện Thanh Chương) giải quyết công việc cho người dân. Ảnh Mai Hoa
Cán bộ, công chức xã Cát Văn (Thanh Chương) giải quyết công việc cho người dân. Ảnh: Mai Hoa

Xét về tổng thể, năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị của cán bộ, công chức cấp xã trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, do trước đây điều kiện học tập hạn chế, hiện vẫn còn cán bộ, công chức có trình độ cao đẳng, trung cấp; hoặc chưa đào tạo chính quy, bài bản ngay từ đầu - đây là thực tế phản ánh một giai đoạn lịch sử.

Mặt khác, trong báo cáo đánh giá công tác xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp tỉnh Nghệ An từ đầu nhiệm kỳ 2020 - 2025 đến nay, Tỉnh ủy Nghệ An cũng đã đưa ra đánh giá: Một bộ phận cán bộ chủ chốt cấp xã còn hạn chế về chuyên môn, nghiệp vụ; chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn; chỉ đạo thiếu quyết liệt, giải quyết các vấn đề phát sinh còn lúng túng, không dứt điểm. Năng lực lãnh đạo, công tác quản lý, điều hành ở một số địa phương còn hạn chế, nhất là việc quán triệt, triển khai thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng hiệu quả còn thấp. Một số cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, chưa thật sự tâm huyết với công việc.

 Cán bộ huyện Hưng Nguyên và xã Thịnh Mỹ kiểm tra phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương. Ảnh Mai Hoa
Cán bộ huyện Hưng Nguyên và xã Thịnh Mỹ kiểm tra mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở địa phương. Ảnh: Mai Hoa

Khi bỏ cấp huyện, quy mô cấp xã tăng, yêu cầu nhiệm vụ đối với cán bộ, công chức cấp xã ngày càng cao, nhiệm vụ phức tạp; đặc biệt, xã hội ngày càng phát triển, công nghệ đang đóng vai trò hết sức quan trọng với yêu cầu chuyển đổi số mạnh mẽ, xây dựng chính quyền điện tử; công tác quản lý, điều hành và phục vụ nhân dân của cán bộ cấp xã đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn sâu, tư duy khoa học và khả năng thích ứng nhanh với sự thay đổi của khoa học công nghệ và hội nhập quốc tế.

Có ý kiến cho rằng: Khi cán bộ, công chức có trình độ chuyên môn sâu và có ý thức, trách nhiệm tốt, họ không chỉ thực hiện đúng quy trình, mà còn tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tiếp cận các chính sách một cách tối ưu nhất, đảm bảo tốt nhất quyền lợi của nhân dân. Ngược lại, cũng có khả năng, một số cán bộ làm việc máy móc, gây khó khăn, thay vì hỗ trợ người dân lại làm vấn đề phức tạp hơn.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi sáp nhập xã lớn hơn, bỏ cấp huyện, cán bộ xã cần có tư duy kinh tế để lập kế hoạch tốt; cán bộ cấp xã còn phải có năng lực kết nối các chương trình phát triển của tỉnh, Trung ương và quốc tế, tạo thúc đẩy sự phát triển của địa phương.

 Cán bộ huyện Thanh Chương và xã Hạnh Lâm trò chuyện với các cháu thiếu ni về chăm lo giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Ảnh Mai Hoa
Cán bộ huyện Thanh Chương và xã Hạnh Lâm trò chuyện với các cháu thiếu nhi về chăm lo giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn. Ảnh: Mai Hoa

Yêu cầu chất lượng cán bộ, công chức cấp xã sau sáp nhập đòi hỏi cao. Dư luận đang đặt ra sự quan tâm về tiêu chuẩn và cơ chế tuyển chọn cán bộ, công chức cấp xã như thế nào để đảm bảo thực sự “so bó đũa, chọn cột cờ”. Chủ trương bỏ cấp huyện và sáp nhập, giảm khoảng 60 - 70% đơn vị hành chính cấp xã so với hiện tại đang đặt ra những vấn đề đòi hỏi đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã phải vươn lên mạnh mẽ. Nếu việc lựa chọn cán bộ, công chức cấp xã công tâm, khách quan, “vì việc mà bố trí người” sẽ tác động tích cực cho những người tiếp tục làm việc và cả những cán bộ có thể "dừng lại", chuyển đổi công tác trong cuộc cách mạng sắp xếp đơn vị hành chính.

Long Thành
Một góc xã Long Thành, huyện Yên Thành.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Cần xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn để chọn cán bộ cấp xã khi sáp nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO