Cần xem xét thấu đáo việc 4 phóng viên bị chấm dứt hợp đồng
(Baonghean) - Giữa tháng 3/2018, Báo Nghệ An nhận được đơn của 4 phóng viên Đài TT-TH Quỳ Hợp phản ánh việc họ bất ngờ bị đơn vị ra thông báo chấm dứt hợp đồng lao động; và hành động đơn phương này, chưa tuân thủ các quy định của luật lao động. Tìm hiểu, sự việc này có nhiều điều đáng băn khoăn...
Lao động thiệt đơn, thiệt kép
4 phóng viên gồm: Nguyễn Thị Hợp (SN 1984), Phan Thị Giang (SN 1986), Hồ Thị Nguyệt (SN 1986), Cao Thị Trâm Anh (SN 1986). Trong đơn 4 phóng viên thông tin, tháng 3/2011, họ được Đài PT-TH tỉnh ký hợp đồng lao động (loại hợp đồng lao động không xác định thời hạn) với chức danh chuyên môn là phóng viên, làm việc tại Đài TT-TH Quỳ Hợp.
Đến tháng 11/2011, các Đài TT-TH huyện, thành, thị được tách khỏi Đài TT-TH tỉnh, chuyển giao về cho UBND các huyện, thành, thị quản lý theo Quyết định số 2456/QĐ-UBND-VX của UBND tỉnh.
Các phóng viên bị chấm dứt hợp đồng trao đổi với lãnh đạo Đài TT-TH Quỳ Hợp ngày 30/3/2018. Ảnh: Nhật Lân |
Việc thực hiện chuyển giao, được cấp thẩm quyền nêu rõ là: “Tỉnh bàn giao nguyên trạng, huyện tiếp nhận nguyên trạng từ cơ sở hạ tầng, trang thiết bị làm việc cũng như nhân sự con người”.
Tuy nhiên, suốt quá trình công tác, họ không một lần được nâng lương, chỉ được hưởng mức lương với hệ số khởi điểm ban đầu (từ 2,5 - 2,8 triệu đồng/tháng).
Dù chế độ đãi ngộ thấp, nhưng bởi yêu nghề, họ hy vọng với những nỗ lực của bản thân, đến một ngày sẽ được quan tâm, bù đắp. Nhưng, cuối tháng 12/2017, cả 4 phóng viên nhận được thông báo chấm dứt hợp đồng của đơn vị.
Theo các phóng viên này, có rất nhiều bất công, bất hợp lý trong việc họ bị chấm dứt hợp đồng.
Thứ nhất, trong đề án vị trí việc làm của Đài TT-TH Quỳ Hợp xây dựng năm 2013, nhu cầu lao động tối thiểu để đáp ứng công tác chuyên môn là 12 người. Với số lao động hiện tại của đài, gồm cả họ thì vừa đủ nhân lực theo đề án.
Thứ hai, trong số lao động hiện nay, Đài TT-TH Quỳ Hợp chỉ có 5 phóng viên (kiêm biên tập viên, phát thanh viên), còn lại là lãnh đạo, kỹ thuật viên và kế toán.
Với việc chấm dứt hợp đồng 4 phóng viên, vô hình trung đơn vị gần như không còn người hoạt động chuyên môn. Hơn nữa, việc đột ngột đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của Đài TT-TH Quỳ Hợp chưa đúng với các quy định của Luật...
Đối chiếu với các hồ sơ, tài liệu liên quan, có thể thấy phản ánh 4 phóng viên cơ bản chính xác. Điều đáng lưu tâm, dù việc chuyển giao Đài TT-TH huyện, thành, thị cho UBND các huyện, thành, thị được Hội đồng chuyển giao cấp tỉnh thực hiện từ ngày 1/11/2011, tuy nhiên cho đến nay, hợp đồng lao động của Đài PT-TH tỉnh với 4 phóng viên vẫn còn nguyên giá trị.
Qua đó thể hiện, việc Đài TT-TH Quỳ Hợp thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động với 4 phóng viên là không phù hợp.
Các phóng viên bị chấm dứt hợp đồng đều là lao động nữ, có quá trình cống hiến từ 7-10 năm. Ảnh: PV |
Hơn nữa, các phóng viên đều là lao động nữ; có quá trình cống hiến nhiều năm (từ 7-10 năm), từng đạt được những thành tích trong nghề góp phần tạo nên uy tín cho Đài TT-TH Quỳ Hợp; bên cạnh đó, đều đang nuôi con nhỏ, thậm chí như phóng viên Phan Thị Giang là vợ của Trung úy Phạm Văn Ngần, hiện đang công tác tại Hải đội 170, thuộc Vùng 1 Quân chủng Hải quân.
Đây là những yếu tố cần phải được lưu ý xem xét trong quá trình tinh giản lao động, để đảm bảo các chính sách về lao động, việc làm hết sức nhân văn mà Nhà nước đã đề ra...
Đơn vị chủ quản băn khoăn?
Tìm hiểu ở Đài TT-TH Quỳ Hợp, thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với 4 phóng viên được ban hành ngày 29/12/2017. Dù là người ký quyết định thông báo nhưng theo ông Hà Huy Nhâm - Trưởng Đài TT-TH Quỳ Hợp, ông ký mà như “cắt tay của bản thân”.
Bởi, việc chấm dứt hợp đồng lao động đã khiến Đài TT-TH Quỳ Hợp thiếu trầm trọng nhân lực hoạt động chuyên môn; và bởi, với trên dưới 10 năm trời gắn bó với nhau trong một đơn vị, ngoài tình cảm đồng nghiệp, 4 phóng viên như là những người thân của ông.
Ông Hà Huy Nhâm cũng trao đổi rằng, việc chấm dứt hợp đồng với 4 phóng viên là thực hiện chỉ đạo của cấp trên, bất khả kháng. Trước đó, Đài đã báo cáo bằng văn bản và không ít lần trực tiếp làm việc với lãnh đạo huyện, lãnh đạo phòng chuyên môn đề nghị có giải pháp tháo gỡ, đơn cử là Báo cáo số 39/BC-TT-Th ngày 13/12/2017 gửi đến Chủ tịch UBND huyện và Trưởng phòng Nội vụ huyện, Đài TT-TH Quỳ Hợp đã nêu rõ những vướng mắc cần tháo gỡ trong quá trình thực hiện tinh giản lao động...
Một điều lạ là trao đổi với phóng viên, ông Võ Sỹ Sơn - Phó Chủ tịch UBND huyện cũng bày tỏ băn khoăn trong sự việc này. Vì ông Sơn cũng nhận thấy, việc chấm dứt hợp đồng với 4 phóng viên sẽ ảnh hưởng xấu tới chất lượng chuyên môn của Đài TT-TH huyện.
Phóng viên được đơn vị công nhận có thành tích xuất sắc. Ảnh: Nhật Lân |
Khi được hỏi về việc UBND huyện giao Đài TT-TH quyền chấm dứt hợp đồng với 4 phóng viên liệu có đúng quy định, ông Võ Sỹ Sơn cho biết, trước khi chỉ đạo Đài ra thông báo, UBND huyện Quỳ Hợp đã nhận thấy được sự bất hợp lý nên có công văn gửi Sở Nội vụ đề nghị hướng dẫn, tuy nhiên, không được hồi đáp.
Ông Sơn trao đổi: “Huyện Quỳ Hợp chỉ đạo thực hiện chấm dứt hợp đồng với 4 phóng viên là tuân thủ chỉ đạo của UBND tỉnh tại Chỉ thị số 293/CT-UBND của UBND tỉnh về công tác tổ chức bộ máy, biên chế, công chức, viên chức, và người lao động trong các cơ quan, đơn vị...”.
Tìm hiểu, Công đoàn huyện Quỳ Hợp cũng tiếp nhận được đơn kiến nghị của người lao động, và tổ chức này cũng có những trăn trở.
Theo bà Đinh Thị Hải Lý - Chủ tịch Công đoàn Quỳ Hợp, vấn đề tinh giản lao động ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập là điều tất yếu. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ yếu tố chuyên môn của từng đơn vị để thực hiện tinh giản hợp lý, tránh tình trạng sau tinh giản lại thiếu hụt lao động, phải tuyển dụng mới. Với Đài TT-TH huyện, các lao động có đơn đều là những phóng viên nòng cốt, có quá trình công tác nhiều năm, có những đóng góp, hơn nữa hợp đồng lao động lại do Đài PT-TH tỉnh thực hiện..., vì vậy, cần cân nhắc.
Bà Đinh Thị Hải Lý cho biết: “Sau khi nghiên cứu, Công đoàn huyện đã chuyển đơn kiến nghị lên LĐLĐ tỉnh. Tôi được biết, Thường trực LĐLĐ tỉnh đã giao Ban Chính sách - Pháp luật tập hợp các tài liệu liên quan đến kiến nghị của 4 phóng viên, tới đây sẽ tư vấn về mặt pháp luật cho họ...”.
Cần xem xét thấu đáo
Trao đổi với chúng tôi trong ngày 2/4/2018, ông Nguyễn Chí Công - Trưởng ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh xác nhận việc Thường trực LĐLĐ tỉnh giao nhiệm vụ cho Ban này xử lý đơn kiến nghị của 4 phóng viên Đài TT-TH Quỳ Hợp.
Nhiều phóng viên của Đài TT-TH Quỳ Hợp đạt giải cao tại Liên hoan PT- TH Nghệ An hàng năm. Ảnh: PV |
Về quan điểm của LĐLĐ tỉnh, theo ông Nguyễn Chí Công: “Tổ chức Công đoàn ủng hộ công tác tinh giản biên chế, sắp xếp lại lao động ở các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập mà UBND tỉnh đang thực hiện. Tuy nhiên, việc tinh giản cần có lộ trình, bám sát vào đề án vị trí việc làm của từng đơn vị. Và khi thực hiện tinh giản, cần đảm bảo đúng quy định của Luật Lao động và các luật có liên quan. Riêng với kiến nghị của 4 phóng viên Đài TT-TH Quỳ Hợp, qua các hồ sơ tài liệu liên quan, thấy rằng việc chấm dứt hợp đồng lao động có những vấn đề chưa đảm bảo đúng quy định của Luật Lao động. Vì vậy, LĐLĐ tỉnh sẽ có sự hỗ trợ, để 4 phóng viên nhận được những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của họ...”.
Chúng tôi cũng đã nghiên cứu các Chỉ thị, văn bản của UBND tỉnh về công tác tinh giản biên chế, sắp xếp cơ cấu lại các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập. Thấy rằng, đây không phải là các chỉ thị, văn bản cá biệt dành riêng cho Đài TT-TH Quỳ Hợp. Vì vậy, từ việc chấm dứt hợp đồng chưa đảm bảo đúng quy định, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động, hơn nữa, ảnh hưởng tới chất lượng chuyên môn của Đài TT-TH Quỳ Hợp thì cần phải được xem xét lại!.