Cần xử lý nghiêm tình trạng xây nhà trên đất nông, lâm nghiệp
(Baonghean) - Hiện nay, tình trạng xây dựng nhà ở và công trình tạm trên đất nông - lâm nghiệp ở huyện Yên Thành đang phá vỡ quy hoạch, gây mất trật tự kỷ cương về quản lý đất đai và xây dựng. Báo Nghệ An đã có cuộc đối thoại với đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy Yên Thành về những vấn đề liên quan.
Phóng viên: Tình trạng xây dựng nhà ở và các công trình tạm trên đất nông, lâm nghiệp diễn ra ở Yên Thành thời gian qua đang tạo ra những bức xúc trong nhân dân. Xin đồng chí chia sẻ thực trạng như thế nào?
Cán bộ địa chính xã Tiến Thành (Yên Thành) kiểm tra lâm bạ tại thực địa. |
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ: Tình trạng xây dựng nhà ở và công trình tạm trên đất nông, lâm nghiệp ở huyện Yên Thành chủ yếu diễn ra trên đất lâm nghiệp và đất cho thuê để làm trang trại, gia trại. Qua kết quả rà soát đến ngày 30/7/2016 của các xã, thì hiện nay trên địa bàn huyện có 484 trường hợp xây dựng nhà trên đất lâm nghiệp. Trong đó, có 301 trường hợp xây dựng nhà kiên cố, tập trung chủ yếu là các hộ tham gia xây dựng vùng kinh tế mới ở các xã Tân Thành, Tiến Thành, Lăng Thành, trên tuyến đường 22 và các hộ xây dựng từ trước năm 2005.
Có 366 trường hợp xây dựng nhà trên đất cho thuê làm trang trại, gia trại; trong đó có 172 trường hợp xây dựng nhà kiên cố. Các trường hợp xây dựng nhà kiên cố trên đất trang trại, gia trại chủ yếu do UBND các xã cho thuê. Vấn đề này đã xảy ra và kéo dài từ trước đến nay. Tất nhiên huyện đã chỉ đạo xử lý nhiều lần, nhưng kết quả vẫn chưa cao và xử lý không triệt để.
Phóng viên: Vậy nguyên nhân vì sao tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông, lâm nghiệp diễn ra lâu rồi mà huyện Yên Thành chưa giải quyết được dứt điểm?
Nhà ở xây trên đất trang trại của ông Nguyễn Văn Tạo (xóm Dinh Khoa, xã Thọ Thành). |
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ: Đúng là tình trạng này diễn ra đã lâu, được phản ánh nhiều lần qua nhiều kênh. Huyện ủy đã nhiều lần chỉ đạo, Hội đồng nhân dân huyện đã đưa vào nghị quyết, Ủy ban nhân dân huyện đã xây dựng phương án xử lý, lập tổ công tác để kiểm tra, rà soát và ra nhiều công văn đôn đốc các xã thực hiện. Tuy nhiên, tiến độ xử lý xây dựng nhà ở trái phép trên đất lâm nghiệp, trang trại, gia trại còn chậm so với chủ trương, kế hoạch.
Có nhiều nguyên nhân, như: việc xây dựng nhà ở trái phép trên đất lâm nghiệp, gia trại, trang trại tồn tại từ lâu nên việc lập hồ sơ xử lý gặp nhiều khó khăn; nhiều hộ dân lợi dụng sơ hở trong quản lý của chính quyền để nâng cấp nhà tạm (làm ra để bảo vệ tài sản) thành nhà ở kiên cố, lợi dụng vị trí đất rừng ở xa khu dân cư hoặc sát với khuôn viên đất ở của mình để xây nhà tách hộ cho con...
Tuy nhiên, nguyên nhân cơ bản là cấp ủy, chính quyền, nhất là cơ sở chưa thực sự vào cuộc trong một thời gian dài, công tác quản lý nhà nước đối với đất lâm nghiệp, đất trang trại, gia trại còn lỏng lẻo; công tác thanh tra, kiểm tra vấn đề sử dụng đất chưa thường xuyên; việc xử lý vi phạm không kiên quyết… Những nguyên nhân trên dẫn đến kết quả thực hiện phương án xử lý theo Quyết định 2450 ngày 27/5/2014 của UBND huyện không đạt yêu cầu, chủ yếu mới dừng lại ở mức xây dựng kế hoạch và rà soát, lập biên bản xử lý hiện trạng.
Phóng viên: Vậy thời gian tới đây huyện Yên Thành sẽ lãnh đạo, chỉ đạo và có giải pháp gì hữu hiệu để giải quyết vấn đề này thưa đồng chí?
Đất lâm nghiệp đã bị người dân xây nhà ở kiên cố. |
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ: Huyện Yên Thành xác định xử lý vấn đề xây dựng nhà trên đất nông, lâm nghiệp để giữ nghiêm kỷ cương, phép nước là việc làm quan trọng, cần sự vào cuộc thực sự quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở. Huyện ủy đã giao cho UBND huyện rà soát, đánh giá, bổ sung phương án xử lý, để kiên quyết hoàn thành sớm và triệt để nhất.
Cấp ủy cơ sở, nhất là bí thư cấp ủy phải thực sự chứng tỏ vai trò người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền và các ban, ngành cấp xã xây dựng kế hoạch, xác định rõ mục đích, nội dung, thời gian, nguồn lực, người phụ trách… Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện, trong đó chú trọng phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong tổ chức thực hiện.
Trường hợp tự chuyển đổi mục đích đất sang xây dựng nhà ở tại xã Tiến Thành. |
Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!
Ông Nguyễn Văn Chất – Trưởng phòng Đất đai, Sở Tài nguyên và Môi Trường: Vi phạm ở địa bàn nào thì chính quyền địa phương đó phải chịu trách nhiệm Tại Điều 108 Luật Đất đai 2013 quy định cụ thể trách nhiệm đối với Chủ tịch UBND các cấp trong việc phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai. Riêng đối với Chủ tịch UBND cấp xã có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời việc chuyển quyền sử dụng đất trái phép, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; phát hiện, áp dụng biện pháp ngăn chặn và xử lý kịp thời việc xây dựng các công trình trên đất lấn, chiếm, đất sử dụng không đúng mục đích ở địa phương và buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm. Quan điểm chỉ đạo của tỉnh là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai theo hai hướng: Thứ nhất là xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền và cưỡng chế tháo dỡ; thứ hai các trường hợp vi phạm nếu phù hợp quy hoạch thì làm đơn chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước theo giá đất thị trường tại thời điểm chuyển đổi để cấp thẩm quyền giao đất có hạn mức. |
Ông Nguyễn Trí Hóa – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Sơn Thành (Yên Thành): Không thể biến đất sản xuất thành đất thổ cư Trên địa bàn xã Sơn Thành có 8 hộ nhận đất làm trang trại, gia trại; trong đó có 2 hộ nhận đất lâm nghiệp và 4 hộ nhận đất nông nghiệp vùng xa xấu. Qua kiểm tra, hiện tại có 4 hộ vi phạm xây dựng nhà trên đất nông, lâm nghiệp. Quan điểm và thái độ của cấp ủy, chính quyền Sơn Thành là kiên quyết và cứng rắn trong việc xử lý các hộ vi phạm, không thể để các hộ gia đình lợi dụng để biến đất chung của xã trở thành đất thổ cư riêng. Phương pháp xử lý, Đảng ủy xã đang giao cho UBND xã vào cuộc đánh giá kết quả hoạt động của trang trại, trong đó có việc chấp hành quy chế xây dựng và phát triển trang trại do HĐND xã Sơn Thành ban hành, quy định rõ, mỗi trang trại chỉ được phép xây dựng lán trại, xây dựng giếng nước không quá 40 m2. Đây là văn bản gốc được các hộ gia đình trước khi làm trang trại đã ký cam kết, vì vậy xã sẽ xử lý và kiên quyết tháo dỡ đối với các trường hợp vi phạm, đồng thời yêu cầu trả lại mặt bằng và chuyển sang mô hình kinh tế khác. |
Minh Chi