Các nhà trường chia sẻ cách ứng xử với bạo lực học đường

Mỹ Hà 20/04/2023 16:36

(Baonghean.vn) - Với tất cả các vụ bạo lực học đường phải xử lý kiên quyết, phải khuyên răn, phải định hướng đúng đắn để học sinh thấy được cái sai của mình, phải biết sợ. Từ đó, các em sẽ nhận thức được hành động và có trách nhiệm với hành vi của mình.

Vấn nạn bạo lực học đường đã và đang xảy ra tại nhiều nhà trường dấy lên những hồi chuông báo động khiến không ít phụ huynh, học sinh và giáo viên lo lắng. Chính vì thế, việc tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng và hỗ trợ, tư vấn tâm lý cho học sinh cần phải đặc biệt được quan tâm để tránh những sự việc đáng tiếc không mong muốn xảy ra.

Không để kéo dài, không để sự việc nhỏ thành sự việc lớn

Ngày 17/4, một vụ đánh nhau của học sinh khối 10 đã xảy ra ngay tại một lớp học ở Trường THPT Hà Huy Tập. Ngay sau đó, thông tin cũng đã được đưa lên mạng xã hội với hình ảnh một nam sinh có những vết bầm đỏ trên mặt với nhiều lời lẽ lo lắng, bất bình…

Tại một trường học có gần 2.000 học sinh, những vụ việc tương tự cũng đã từng xảy ra ở Trường THPT Hà Huy Tập. Nhận được thông tin này, đầu giờ chiều hôm ấy, ban giám hiệu nhà trường đã yêu cầu các học sinh liên quan viết bản tường trình, mời gia đình các em đến làm việc. Qua trò chuyện, những khúc mắc đã được tháo gỡ bởi sự việc diễn ra ngay trong lớp học và chỉ là những xích mích không lớn của tuổi học trò. Sau buổi làm việc này, các học sinh cũng đã nhận ra những thiếu sót của mình, cùng nhau làm hòa và đều xin lỗi về những hành động khi chưa được kiểm soát. Gia đình cũng thấy thấu đáo với việc xử lý của nhà trường.

Một buổi tuyên truyền về phòng, chống bạo lực ở Trường THPT Hà Huy Tập. Ảnh: NTCC

Theo thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập: Trong môi trường học đường hiện nay, bạo lực học đường lúc nào cũng có thể xảy ra.

Trước đây, theo điều lệ của trường học, nếu để xảy ra bạo lực học đường, học sinh có thể nhận mức hình thức kỷ luật cao nhất đó là đuổi học.

Tuy nhiên, qua nhiều năm làm giáo viên, chủ nhiệm và sau này làm quản lý nhà trường, thầy giáo Cao Thanh Bảo cho rằng “việc đuổi học chỉ là trường hợp hy hữu. Thay vào đó, khi chẳng may có sự việc bạo lực học đường xảy ra trong nhà trường thì cần phải sớm nắm bắt vấn đề, tìm hiểu nguyên nhân và cần kịp thời xử lý, tránh để kéo dài, không để việc nhỏ thành việc lớn khiến cho xích mích có thể nặng hơn.Thậm chí từ xích mích của hai hoặc ba học trò, có thể kéo thành hội, thành nhóm. Hơn thế, ở lứa tuổi của các em, do chưa có kinh nghiệm giải quyết các mối quan hệ, có thể sẽ khiến sự việc phức tạp hơn và dẫn đến những hậu quả đáng tiếc”.

Để hạn chế tình trạng bạo lực học đường, tại Trường THPT Hà Huy Tập cũng đang sử dụng đồng thời nhiều biện pháp. Đó là lắp đặt camera tại nhiều khu vực như hành lang, trước cổng nhà trường và một số lớp học để thường xuyên theo dõi giám sát. Song song với đó, bộ phận bảo vệ và lực lượng xung kích thường có mặt trước cổng trường đầu và cuối các buổi học để nắm bắt tình hình, xem xét, không để những đối tượng lạ mặt vào trường tìm cơ hội gây gổ. Nhà trường cũng thường xuyên liên hệ với các cơ quan chức năng, nhất là Công an phường Lê Lợi để phối hợp nếu có sự việc bất thường xảy ra.

Trong thời điểm hiện nay, lãnh đạo Trường THPT Hà Huy Tập cũng nói rằng, bạo lực học đường có thể diễn ra với nhiều hình thức khác nhau. Vì vậy, để ngăn chặn kịp thời thì vai trò của giáo viên chủ nhiệm rất quan trọng: Thực tế tất cả các trường học đều có tổ tư vấn tâm lý học đường nhưng học sinh hay ngại đến với tổ tư vấn. Thường các em vẫn tìm đến với giáo viên chủ nhiệm trước tiên để trình bày các vấn đề, đề xuất các nguyện vọng và giáo viên chủ nhiệm với vai trò của mình phải biết lắng nghe, chia sẻ. Trong trường hợp sự việc khó giải quyết hoặc vượt tầm phải kịp thời báo cáo với ban giám hiệu nhà trường để cùng giải quyết.

Quá trình ngăn chặn các vụ việc bạo lực học đường, vai trò của gia đình cũng rất quan trọng để cùng đồng hành với nhà trường nắm bắt tình hình của con em ở nhà, các mối quan hệ của con ngoài nhà trường và đưa ra cho các con những lời khuyên bổ ích. Nếu sự việc không mong muốn xảy ra, phụ huynh cũng thấy được sự sai sót của mình.

Với tất cả các vụ bạo lực học đường phải xử lý kiên quyết, phải khuyên răn, phải định hướng đúng đắn để học sinh thấy được cái sai của mình, phải biết sợ. Từ đó, các em sẽ nhận thức được hành động và có trách nhiệm với hành vi của mình.

Thầy giáo Cao Thanh Bảo - Hiệu trưởng Trường THPT Hà Huy Tập

Xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh

Buổi học vào sáng ngày 20/4 của cô giáo Trần Thị Việt Hà - chủ nhiệm lớp 9D - Trường THCS Hưng Đồng (Nghi Lộc) dành khá nhiều thời gian để nói về vấn đề bạo lực học đường. Đây cũng là nội dung được cô và nhiều đồng nghiệp khác thực hiện liên tục trong thời gian gần đây, không chỉ trong giờ học mà còn ở các buổi ngoại khóa, chào cờ, bên hành lang trong giờ ra chơi hoặc đôi khi là một nhóm nhỏ.

Cô giáo Trần Thị Việt Hà cũng nói rằng: Tai nạn đuối nước, bạo lực học đường là điều mà chúng tôi lo lắng nhất hiện nay, bởi ở độ tuổi này các em đều hiếu động và chưa ý thức được hành vi của mình. Do đó, khi định hướng cho học trò, chúng tôi phải tuyên truyền để các em thấy được mức độ nguy hiểm, hệ quả và những tác động xấu khác không phải cho riêng bản thân các em mà còn cho cả gia đình, xã hội.

Tuyên truyền về bạo lực học đường tại Trường THCS Hưng Đồng (Nghi Lộc). Ảnh: MH

Nữ giáo viên này cũng nói thêm, những gây gổ ở độ tuổi học trò phần lớn không phải là lâu dài mà chỉ là nhất thời. Vì thế, khi được phát hiện, nếu không có giáo viên chủ nhiệm thì các lực lượng khác sẽ xử lý kịp thời. Trong trường hợp sự việc bị kéo dài, thì việc phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội và ban chấp hành hội phụ huynh là điều cần thiết. Nếu mối quan hệ này không tốt sẽ ảnh hưởng đến môi trường học đường.

Riêng với giáo viên chủ nhiệm, dù hiện nay áp lực công việc rất lớn, trọng trách ngày càng nặng nề nhưng để làm tốt vai trò của mình thì phải luôn cố gắng, phải bỏ công sức, bỏ tâm tư với học trò và theo sát với các em trong mọi hoạt động để có thể hiểu học trò và cùng với các em tháo gỡ những vướng mắc.

Cần phát huy vai trò của tổ tư vấn học đường tại các nhà trường. Trong ảnh: Giáo viên Trường THPT Nguyễn Cảnh Chân chia sẻ với học trò về những vấn đề về tuổi học đường. Ảnh: MH

Đề cập đến vấn đề bạo lực học đường, ông Nguyễn Văn Thông - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nghi Lộc cũng thừa nhận, đây là một thực tế đang diễn ra ở các trường học với các hình thức như mâu thuẫn từ các câu nói, ganh tị… Trong bối cảnh công nghệ thông tin bùng nổ, lứa tuổi học sinh dễ nhạy cảm, đặc biệt là khả năng bền vững về mặt tâm lý, xử lý tình huống chưa được ổn định nên dễ nảy sinh nhiều vấn đề. Do đó, việc nắm bắt thông tin là rất quan trọng, kể cả các thông tin qua mạng xã hội.

Thời gian qua, ngành Giáo dục huyện Nghi Lộc cũng đã phối hợp với các ban, ngành khác như Đoàn Thanh niên, Công an để đẩy mạnh công tác tuyên truyền vấn đề bạo lực học đường với nhiều hình thức khác nhau. Các nhà trường cũng được yêu cầu phải kiện toàn ban an ninh trường học, tổ công tác tâm lý học đường để sớm phát hiện sự việc, không để xảy ra tình trạng thành lập các nhóm hội.

Ông Nguyễn Văn Thông cũng chia sẻ, giáo viên có nhiều áp lực, nhất là giáo viên chủ nhiệm hiện nay bởi ngoài nhiệm vụ chuyên môn, đội ngũ giáo viên còn phải gánh vác nhiều nhiệm vụ khác. Hơn thế, đối tượng học sinh hiện nay cũng có những khác biệt “vừa hiện đại nhưng lại rất dễ tổn thương”. Học sinh ngày nay cũng bắt chước các hành vi rất nhanh và nhiều em chưa phân biệt được tốt - xấu.

Do đó, giáo viên, giáo viên chủ nhiệm, người làm công tác tâm lý học đường phải biết nắm bắt tâm lý diễn biến của học sinh, sớm phát hiện những bạo lực về tinh thần để xây dựng mối quan hệ đoàn kết trong trường lớp, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.


Mới nhất

x
Các nhà trường chia sẻ cách ứng xử với bạo lực học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO