Căng thẳng Mỹ - Trung tăng nhiệt

Phương Hoa 04/05/2020 07:27

(Baonghean) - “Tăng thuế với Trung Quốc chắc chắn sẽ là một lựa chọn!”, Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa đã “hâm nóng” căng thẳng Mỹ - Trung bằng công cụ thuế như một biện pháp để đáp trả Trung Quốc, sau hàng loạt cáo buộc liên quan đến dịch Covid-19 nhằm vào Bắc Kinh thời gian qua. Ông Trump cũng không loại trừ khả năng đòi Trung Quốc tiền bồi thường liên quan đến những thiệt hại do Covid-19 gây ra.

Những tác động khó lường từ đại dịch Covid-19

Chưa khi nào, cơn ác mộng cuộc Đại khủng hoảng - Đại suy thoái 1929-1930 lại hiện hữu rõ ràng với nước Mỹ như hiện nay, khi đại dịch Covid-19 quét qua và để lại một nền kinh tế “hoang tàn”. Thảm họa diễn ra trong lịch sử đã khiến phố Wall sụp đổ, nước Mỹ chìm trong giai đoạn đen tối nhất của nền kinh tế và sau đó lan ra toàn thế giới. Hậu quả mà nước Mỹ phải giải quyết kéo dài gần 1 thập niên sau đó. Đến năm 2020, với những tác động khủng khiếp mà đại dịch Covid-19 gây ra, hàng loạt dự báo u ám về kinh tế Mỹ đã được đưa ra.

Các nhân viên phát đơn xin thất nghiệp cho người dân trước thư viện John Kennedy ở Hialeah, Florida ngày 8/4. Ảnh: Getty
Các nhân viên phát đơn xin thất nghiệp cho người dân trước thư viện John Kennedy ở Hialeah, Florida ngày 8/4. Ảnh: Getty

Goldman Sachs ước tính, sản lượng kinh tế của Mỹ sẽ giảm 24% trong quý 2 so với năm trước, riêng tỷ lệ thất nghiệp có thể lên đến 9% trong những tháng tới. Capital Economics cũng dự báo, tăng trưởng của Mỹ trong quý 2 sẽ giảm 40%, thất nghiệp lên đến 12%. Theo số liệu mới đây, số người thất nghiệp tại Mỹ đã tăng thêm hơn 30 triệu chỉ trong 6 tuần qua, tăng trưởng giảm gần 5% trong 3 tháng đầu năm - mức giảm mạnh nhất kể từ năm 2008, các công ty lớn liên lục thông báo các cập nhật tiêu cực cộng thêm giá dầu lao dốc...

Thực tế u ám này có lẽ chính là “nguồn cơn” của những cáo buộc, chỉ trích và đe dọa mà Tổng thống Donald Trump nhắm đến Trung Quốc những ngày qua. Cáo buộc Trung Quốc không công khai, minh bạch thông tin về đại dịch Covid-19 khiến toàn cầu phải đối diện cuộc khủng hoảng y tế chưa từng có; yêu cầu điều tra về nguồn gốc virus SARS-CoV-2 và cách thức xử lý dịch bệnh của Trung Quốc và nay là dọa áp thuế và đòi bồi thường.

Chuyên gia Brad Bechtel thuộc ngân hàng Jefferies của Mỹ bình luận, có vẻ như khi Mỹ bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội và quay trở lại chiến dịch bầu cử Tổng thống đang dần đến giai đoạn nước rút, chính quyền ông Donald Trump sẽ càng đẩy mạnh chiến dịch “đổ lỗi” cho Trung Quốc.

Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải chịu trách nhiệm về những thất bại trong ứng phó với đại dịch Covid-19. Ảnh: Politico
Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc không công khai, minh bạch thông tin về đại dịch Covid-19. Ảnh: Politico

Nhìn lại hồi đầu năm, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất giai đoạn 1 của thỏa thuận thương mại giữa hai bên nhằm giảm căng thẳng thương mại. Thế nhưng, mọi nỗ lực đã “trật bánh” trước những tác động khó lường từ đại dịch Covid-19.

Xung đột sẽ chạm đỉnh?

Không phải lúc nào khác mà chính là thời điểm hiện nay, căng thẳng thương mại nói riêng và xung đột Mỹ - Trung nói chung sẽ bước vào giai đoạn vô cùng khốc liệt. Nếu như chỉ một vài tháng trước, những tín hiệu khả quan trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung được tính toán là một “điểm cộng” cho Tổng thống Donald Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng, thì bối cảnh hiện nay đã hoàn toàn khác. Chẳng thế mà trong loạt thông tin mới nhất, các quan chức Mỹ cho biết, chính quyền Tổng thống Trump đang thảo luận rất nhiều lựa chọn nhằm trả đũa Trung Quốc.

Không chỉ áp thuế, các biện pháp được tính đến còn có cấm vận, không trả nợ Trung Quốc, ban hành các quy định hạn chế mới về thương mại... Ngoài ra, nhiều khả năng chính quyền Mỹ còn tính đến việc tước bỏ “quyền miễn trừ quốc gia” của Trung Quốc - động thái cho phép chính phủ và công dân Mỹ khởi kiện Bắc Kinh đòi bồi thường thiệt hại liên quan dịch Covid-19.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G-20. Ảnh: AP
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại hội nghị thượng đỉnh G-20. Ảnh: AP

Không dừng ở đe dọa, cá nhân ông Trump và các quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ vừa qua liên tục có những động thái cứng rắn nhằm vào Trung Quốc. Như hôm 1/5, Tổng thống Trump đã ban hành một sắc lệnh hành pháp tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về các mối đe dọa đối với hệ thống điện năng của Mỹ, đồng thời triển khai các bước đi nhằm bảo vệ lưới điện trước các cuộc tấn công mạng và sự can thiệp của nước ngoài - ám chỉ đến Trung Quốc.

Chính quyền Mỹ cũng tuyên bố chấm dứt các khoản tiền tài trợ cho các phòng nghiên cứu virus ở Vũ Hán (Trung Quốc), cũng như rà soát các hoạt động hợp tác khoa học giữa Đại học Texas (Mỹ) và các cơ sở địa phương thời gian qua. Chưa hết, các cố vấn có quan điểm cứng rắn tại Nhà Trắng hiện đang vận động Tổng thống ban hành sắc lệnh cấm quỹ đầu tư lương hưu của chính phủ - vốn dành cho các nhân viên liên bang, có thể chuyển dịch đầu tư vào các công ty Trung Quốc.

Nếu như chính quyền Mỹ liên tiếp “ra đòn” trên nhiều mặt trận thì Trung Quốc cũng có những “lá bài” riêng. Một mặt, Bắc Kinh triển khai chiến dịch tuyên truyền mà Mỹ và châu Âu cáo buộc là “bôi nhọ” cuộc chiến chống dịch bệnh; mặt khác, nước này tiếp tục có các động thái quân sự gia tăng căng thẳng trên Biển Đông kích thích sự quan tâm của Washington. Quan trọng nữa, Bắc Kinh đã “qua đỉnh dịch” Covid-19 trước Washington - cũng đồng nghĩa đã bắt đầu khởi động lại nền kinh tế sớm hơn nước Mỹ.

Mỹ - Trung trong cuộc đua phát triển vắc-xin chống Covid-19. Ảnh: Reuters
Mỹ - Trung trong cuộc đua phát triển vắc-xin chống Covid-19. Ảnh: Reuters

Đó là chưa kể, Trung Quốc hiện vẫn đang kiểm soát một nguồn cung lớn các loại mặt hàng, trang thiết bị y tế như khẩu trang, đồ bảo hộ... cho các bệnh viện tại Mỹ. Trong trường hợp Trung Quốc thành công trong việc phát triển vắc-xin trước Mỹ, đồng nghĩa, Washington tiếp tục phải chịu “lép vế” trước Bắc Kinh trong lĩnh vực này. Cũng bởi, sức khỏe của hàng triệu người Mỹ khi đó lại phụ thuộc vào người Trung Quốc.

Trước loạt diễn biến này, giới quan sát bình luận, thế giới đang chứng kiến một giai đoạn mới hoàn toàn trong quan hệ Trung - Mỹ chứ không đơn giản là những mâu thuẫn leo thang thường thấy. Giai đoạn mới được định hình do tính phức tạp và khó lường của thời điểm hiện nay. Từ đó, quan hệ hai bên sẽ xuất hiện nhiều điểm xung đột bùng phát, thậm chí không tránh khỏi kịch bản “quay lưng hoàn toàn”, do không thể xúc tiến các cơ chế trung gian đàm phán. Một khi không thể thỏa hiệp, rõ ràng, ai cũng sẽ là kẻ phải chịu thiệt hại trong cuộc chiến nguy hiểm không có điểm dừng này!

Mới nhất

x
Căng thẳng Mỹ - Trung tăng nhiệt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO