Nhiều siêu thị, chợ truyền thống mở cửa trở lại, thị trường giá cả bình ổn

Thu Huyền 13/02/2024 16:50

(Baonghean.vn) - Ngày mồng 4 Tết, thị trường hàng hoá trên địa bàn Nghệ An sôi động, đa dạng hơn; nhiều siêu thị lớn, cửa hàng, tiểu thương tại chợ truyền thống mở cửa kinh doanh trở lại...

Nguồn cung đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng

Theo Sở Công Thương, dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thị trường tiêu dùng hàng hóa, nhất là hàng hóa thiết yếu không có nhiều biến động, tương đối ổn định.

Trước đó, các đơn vị, doanh nghiệp kinh doanh, phân phối hàng hóa trên địa bàn tỉnh đã chủ động nghiên cứu thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất, dự trữ hàng hóa hợp lý, triển khai đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2024, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá hoặc tồn đọng hàng hóa sau Tết. Các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại đã triển khai nhiều giải pháp nhằm giữ vững ổn định thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu dịp cuối năm, Tết Nguyên đán và trong trường hợp dịch bệnh xảy ra.

bna-kiem-tra-thi-truong-hang-hao-3527.jpeg
Lãnh đạo tỉnh, Sở Công Thương, Quản lý thị trường kiểm tra tình hình thị trường thời điểm áp Tết Nguyên đán. Ảnh: Thu Huyền

Các đơn vị phân phối như Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Nông sản Thực phẩm Nghệ An, Công ty TNHH thương mại Nam Long, hệ thống các siêu thị: Go! Vinh, MM Mega Market, Winmart,... các cửa hàng tiện ích như Winmart+, Bibigreen,… và trung tâm thương mại, các nhà phân phối hàng hóa và các chợ trên địa bàn tỉnh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết với tổng lượng hàng hóa dự trữ ước đạt trên 10.050 tỷ đồng, bao gồm: Công ty cổ phần Thương Mại Nam Long chuẩn bị nguồn hàng dầu ăn phục vụ Tết có tổng giá trị khoảng 50 tỷ; Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh: gạo khoảng 3,2 tỷ đồng; Siêu thị Go! Vinh: hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị hơn 86 tỷ đồng; Trung tâm MM Mega Market: hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị khoảng 15 tỷ đồng; Siêu thị Mường Thanh Phủ Diễn: hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị gần 2 tỷ đồng; Siêu thị Winmart Bến Thủy: hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị gần 7 tỷ đồng; Siêu thị Lotte: hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị hơn 33 tỷ đồng; Siêu thị The city Đô Lương: hàng hóa thiết yếu với tổng giá trị hơn 10,5 tỷ đồng. Các hệ thống siêu thị, chợ và chuỗi cửa hàng tiện lợi khác hơn 9.843 tỷ đồng,...

bna-gia-ca-6538.jpeg
Ngày mồng 4 Tết, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi hoạt động trở lại, nguồn hàng phong phú đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ảnh: Thu Huyền

Một số doanh nghiệp phân phối trên địa bàn tỉnh mở rộng hệ thống phân phối, thực hiện đăng ký phối hợp với các đơn vị bán lẻ mở các điểm bán hàng thiết yếu phục vụ Tết nguyên đán, như: Công ty cổ phần Lương thực Thanh Nghệ Tĩnh, Công ty TNHH Thương mại Nam Long với các điểm bán tại các huyện Diễn Châu, Đô Lương, TX. Thái Hòa và các huyện miền núi...

Giá cả hầu hết các mặt hàng tương đối ổn định, một số mặt hàng có nhu cầu tăng cao vào những ngày giáp Tết, hoa quả, cây cảnh phục vụ Tết... giá bán tăng khoảng 5-15% so với ngày thường. Các nhóm hàng thực phẩm cơ bản không có biến động nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngày 10/02/2024 (tức ngày mùng 1 Tết), tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh, các chợ, cửa hàng bán lẻ trên địa bàn đều tạm ngừng hoạt động. Ngày 11/02/2024 (tức ngày mùng 2 Tết), nhiều chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị... bắt đầu mở cửa trở lại, hàng hóa dồi dào, đầy đủ nhưng giá bán giữ mức ổn định, không tăng. Ngày 13/02/2024 (tức ngày mùng 4 Tết), hầu hết các cơ sở kinh doanh đã hoạt động trở lại.

bna-cho-dan-sinh-866.jpeg
Nhiều chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Vinh hoạt động trở lại. Ảnh: Thu Huyền

Nhìn chung giá cả các mặt hàng thiết yếu không tăng nhiều so với Tết năm 2023, một số mặt hàng giữ nguyên giá để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân, chưa có hiện tượng mặt hàng sốt giá hay tăng giá đột biến.

Diễn biến giá cả một số mặt hàng chính

Nhóm hàng lương thực: Giá bán lẻ một số mặt hàng gạo tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, cụ thể: Các loại gạo ngon sản xuất trên địa bàn tỉnh giá bán lẻ dao động từ 18.000-21.000 đồng/kg (tại các huyện, thị) và tại Thành phố Vinh, giá bán loại gạo thái, gạo thơm lài sữa khoảng từ 20.000-23.000 đồng/kg, nếp Hà Nội 27.000-32.000 đồng/kg, nếp Thái 30.000- 35.000 đồng/kg… Các loại nông sản có giá bán lẻ tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023.

Thực phẩm tươi sống: Các loại thịt gia súc, gia cầm cơ bản không có biến động giá so với cùng kỳ năm ngoái, cụ thể: thịt bò thăn giá dao động từ 240.000-270.000 đồng/kg, thịt bò bắp 260.000-280.000 đồng/kg; thịt lợn mông sấn giá dao động từ 110.000-150.000 đồng/kg; thịt gà ta sống giá bán tại các huyện, thị đồng bằng có giá khoảng 110.000-130.000 đồng/kg; tại các chợ trên địa bàn thành phố Vinh giá dao động từ 130.000-150.000 đồng/kg.

bna-cho-6615.jpeg
Các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả. Ảnh: Thu Huyền

Thủy hải sản: Các loại hải sản nguồn cung dồi dào, giá bán lẻ vẫn giữ mức ổn định so với cùng kỳ năm 2023, cụ thể: Cá thu loại 1 giá bán lẻ dao động từ 270.000-310.000 đồng/kg; Cá trắm to loại 5kg-7kg/con giá bán từ 80.000-100.000 đồng/kg, tôm sông loại vừa khoảng 180.000-200.000 đồng/kg...

Rau, củ, quả: Nhờ thời tiết khô ráo, nguồn cung rau dồi dào, giá rau củ quả trên địa bàn tỉnh giữ mức ổn định, có loại giảm nhẹ so với cùng kỳ Tết năm trước, cụ thể: rau muống 7.000 đồng/bó; rau cải 10.000 đồng/bó; bí xanh, cà rốt bắp cải 10.000 đồng/kg…

Nhóm hàng công nghệ phẩm: Giá bán lẻ các loại bia tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, cụ thể giá bán các loại: Bia lon Hà Nội có giá khoảng 255.000 đồng/thùng, Bia lon Huda có giá khoảng 240.000 đồng/thùng, Heiniken 450.000 đồng/thùng. Đường có mức giá bán lẻ tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, dao động từ 28.000-32.000 đồng/kg.

Dầu ăn và các mặt hàng như bột nêm, muối giữ mức bán lẻ tương đối ổn định.

bna-cua-hang-tien-loi-7988.jpeg
Hệ thống cửa hàng tiện ích như Winmart+ đã hoạt động trở lại nhưng lượng khách hàng không nhiều, nhất là nhóm hàng hoá mỹ phẩm. Ảnh: Thu Huyền

Tết năm nay, các loại chậu cây cảnh rất đa dạng, phong phú, từ nhỏ đến vừa và đến to với nhiều mức giá khác nhau, giá bán lẻ các mặt hàng này vẫn giữ mức tương đương so với cùng kỳ năm trước, từ 220.000-550.000 đồng/chậu (nhỏ để bàn), đến 700.000-900.000 đồng/chậu cho đến hàng triệu đồng. Từ chiều ngày 08/02/2024 (tức ngày 29/12/2023 âm lịch) đến ngày 09/02/2024 (tức ngày 30/12/2023 âm lịch), giá cây cảnh ghi nhận mức giảm xuống còn từ 100.000-350.000 đồng/chậu (nhỏ để bàn), đến 500.000-700.000 đồng/chậu cho đến hàng triệu đồng. Giá bán các loại hoa, cây cảnh dịp Tết Nguyên đán cụ thể như sau: Hoa Cúc: 10.000đ/cành; hoa ly 70.000 – 80.000 đồng/cành, các loại hoa, cây quất để bàn có giá từ 300.000-800.000 đồng/chậu...

Hoa quả có tăng từ 20 – 30% so với cùng thời điểm năm ngoái.

Ông Cao Minh Tú - Phó giám đốc Sở Công Thương cho hay: Hôm nay, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống và cửa hàng tạp hóa bắt đầu mở hàng thêm, mặt hàng được bày bán cũng đa dạng hơn. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu dùng trên thị trường chưa tăng cao, các mặt hàng được tiêu thụ nhiều vẫn chủ yếu là thực phẩm, đặc biệt là rau củ quả, thịt bò, thủy hải sản.

Nguồn cung các mặt hàng thực phẩm đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng. Giá cả các hàng hóa trên thị trường ổn định, không tăng so với thời điểm trước Tết và tăng nhẹ so với ngày thường. Nhìn chung, thị trường diễn biến theo quy luật thông thường, không có hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, gây bất ổn thị trường.

Mới nhất
x
Nhiều siêu thị, chợ truyền thống mở cửa trở lại, thị trường giá cả bình ổn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO