Căng thẳng thương mại Mỹ - Pháp: 'Vì sao nên nỗi'?
(Baonghean.vn) - Căng thẳng trong quan hệ đồng minh Mỹ - Pháp cuối tuần qua lại bắt đầu tăng nhiệt, khi Tổng thống Donald Trump cảnh báo sẽ đánh thuế vào rượu vang Pháp - mặt hàng xuất khẩu chính của Paris.
Động thái này được cho là nhằm đáp lại việc Pháp hồi đầu tháng đã áp thuế nhằm vào loạt tập đoàn và công ty công nghệ đang hoạt động tại nước này, trong đó có nhiều công ty lớn của Mỹ như Google, Apple, Facebook hay Amazon. Dư luận đặt câu hỏi, từ thuế công nghệ số và nay có thể là thuế rượu vang, căng thẳng thương mại Mỹ - Pháp “vì sao nên nỗi”?
Quan hệ đồng minh Mỹ - Pháp đang gặp nhiều trắc trở. Ảnh: AP |
Macron khơi mào - Trump quyết đấu!
Chẳng hề khó hiểu với động thái mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi tuyên bố sẽ đáp trả Pháp bằng một lệnh áp thuế nhằm vào mặt hàng rượu vang của Paris. Chính sách “Nước Mỹ trên hết”, đòi hỏi sự công bằng với mọi đối tác dù đó có là đồng minh thân thiết hay không, Tổng thống Trump đang chứng minh cho thế giới thấy rằng, nước Mỹ chẳng “chừa” bất kỳ ai.
Và Pháp cũng vậy! Trong tuyên bố của mình, ông Trump nhấn mạnh sẽ có những hành động đáp trả xứng đáng. Trước đó, Phó Thư ký báo chí Nhà Trắng Judd Deere cũng cho hay, chính quyền Mỹ đang xem xét lựa chọn các biện pháp đối với Paris, và rằng, Pháp đang tiến hành các biện pháp thuế “không công bằng”, “phân biệt đối xử” với các công ty Mỹ.
Nếu chính quyền Tổng thống Trump lựa chọn rượu vang để áp thuế, đây sẽ là đòn giáng mạnh vào xuất khẩu của Pháp, khi đến nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu rượu vang lớn nhất của Pháp. Nhìn lại năm 2018, lượng rượu vang Pháp xuất khẩu sang Mỹ chiếm tới khoảng 1/4 tổng lượng rượu vang xuất khẩu của nước này, tương đương khoảng 3,6 tỷ USD.
Về phía Pháp, theo tính toán, luật thuế mới mà nước này áp dụng sẽ đánh thuế 3% đối với các dịch vụ kỹ thuật số của các công ty, tập đoàn có doanh thu ít nhất 750 triệu euro mỗi năm. Bước đi này dự đoán sẽ bổ sung khoảng 560 triệu USD/năm cho nguồn thu ngân sách của nước này.
Nhưng có lẽ không chỉ đơn giản là nhằm thu lợi nhuận, Pháp cũng đã có những tính toán nhất định khi “mạo hiểm” khơi mào căng thẳng thương mại với đồng minh Mỹ.
Giới quan sát cho rằng, chính quyền Pháp nhiều năm qua dường như chưa thể có biện pháp khả thi để đối phó với việc nhiều công ty Mỹ có doanh thu khổng lồ nhưng luôn né tránh việc trả thuế tại châu Âu, chứ không riêng gì Pháp.
Loạt công ty, tập đoàn công nghệ lớn của Mỹ chịu ảnh hưởng của lệnh áp thuế của Pháp. Ảnh: The Week |
Trong khi đó, các cuộc đàm phán về việc áp đặt một mức thuế công nghệ chung trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng tiến triển rất chậm chạp.
Dễ lý giải khi Mỹ cũng là một thành viên chủ chốt của tổ chức này, và rằng, việc thống nhất cho ra đời một cơ chế chung về áp thuế công nghệ toàn cầu sẽ chẳng mang lại lợi ích gì cho Washington!
Vì thế, bất chấp chính quyền Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từng khẳng định sẽ rút thuế công nghệ, nếu một thỏa thuận quốc tế về cơ chế thuế chung đạt được bởi tất cả các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) vào cuối năm 2020, cho đến nay, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào khởi sắc trong các cuộc đàm phán.
Thậm chí, việc Pháp khơi mào áp thuế dường như đang “phản tác dụng” khi chính quyền Mỹ đang phản ứng mạnh mẽ, coi đây là một động thái gây căng thẳng thương mại song phương.
Ai thắng - ai thua?
Dư luận chắc hẳn đang đặt câu hỏi, vì sao trong khi một số nước châu Âu như Italy, Anh, Áo hay Tây Ban Nha cũng đã có những động thái áp thuế về dịch vụ công nghệ, thế nhưng chỉ có Pháp là vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ phía Mỹ.
Có thể lý giải rằng, trong bối cảnh Đức còn đang bận rộn trong công cuộc chuyển giao quyền lực thì Pháp - một trong hai đầu tàu còn lại của châu Âu chắc chắn sẽ khó có thể tìm kiếm đối tác hợp lực vào lúc này.
Trong bối cảnh, quan hệ Mỹ - Liên minh châu Âu cũng đang rơi vào căng thẳng khi Mỹ hồi đầu tháng dọa áp thuế thêm 4 tỷ USD hàng hóa từ châu Âu, lời cảnh cáo đối với Pháp cũng là một “đòn tâm lý” nữa đối với cả khu vực.
Rằng, châu Âu không nên “mạo hiểm” trong cuộc đối đầu thương mại với Washington, và Mỹ cũng sẽ không nhượng bộ trong tiến trình đàm phán một thỏa thuận thương mại giữa hai bên.
Đòn tâm lý của Tổng thống Trump dường như bắt đầu có hiệu quả khi trong tuyên bố mới nhất, phía Pháp đã có những tuyên bố “xoa dịu” Mỹ. Theo đó, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp Bruno Le Maire khẳng định, nước này hoàn toàn không nhắm vào các công ty Mỹ mà chỉ muốn đạt thỏa thuận với Washington về việc đánh thuế các đại gia công nghệ tại Hội nghị G7 cuối tháng 8 tới đây mà thôi!
Đó là chưa kể, với tuyên bố của mình, ông Trump dường như còn ghi thêm điểm trong mắt giới cử tri công nghệ trong nước vốn cũng đang có nhiều “ác cảm” với người đứng đầu nước Mỹ. Bởi thời gian qua, người ta vẫn thấy một Tổng thống Trump với nhiều tuyên bố chỉ trích thậm chí đe dọa kiện các tập đoàn như Google hay Facebook.
Vì thế, việc thay đổi tông giọng, bảo vệ “người nhà” trước các đối tác bên ngoài cho thấy, ông Trump có hành động như thế nào cũng không quên mục tiêu ghi điểm, chạy đua vào vị trí Tổng thống vào năm tới.
Tuy nhiên về phía Pháp, không phải nước này hoàn toàn chịu lép vế khi thông tin mới đây cho thấy, Tổng thống Macron đã có lời mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin thăm Pháp và có cuộc hội đàm cấp cao vào ngày 19/8 tới đây.
Cuộc gặp dự kiến sẽ được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng mùa hè của Tổng thống bên bờ Địa Trung Hải, chỉ ít ngày trước khi Pháp tổ chức Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7).
Rượu vang Pháp - mặt hàng mà Tổng thống Donald Trump đang nhắm tới để gây sức ép với chính quyền Tổng thống Emmanuel Macron. Ảnh: AP |
Còn trước đó mới cuối tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng đã đón tiếp và có cuộc hội đàm với người đồng cấp Nga Dmitry Medvedev.
Đây là nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Nga sang thăm Pháp kể từ sau chuyến công du của Tổng thống Nga Putin đến Versailles, ngoại ô Paris vào cuối tháng 5/2017.
Rõ ràng, không chỉ muốn “tái khởi động mối quan hệ năng động và tiếp tục các cuộc đối thoại chiến lược với Nga” như Tổng thống Macron tuyên bố trên cương vị Chủ tịch G7, chính quyền Paris có lẽ còn muốn gửi thông điệp đến Tổng thống Donald Trump rằng, nước này vẫn còn những mối quan hệ tốt đẹp ngoài đồng minh Mỹ.
Đến nay, chưa rõ lời cảnh báo của chính quyền Mỹ về việc áp thuế rượu vang với Pháp có trở thành hiện thực hay không, chỉ biết rằng, cho đến khi Hội nghị G7 diễn ra tại Pháp vào cuối tháng 8 tới đây, các bên vẫn sẽ còn có nhiều động thái giằng co, gây sức ép lẫn nhau.
Bởi chắc chắn, loạt vấn đề như thuế dịch vụ công nghệ toàn cầu hay các lệnh áp thuế của Mỹ dành cho hàng loạt mặt hàng nông sản châu Âu... sẽ là tiếp tục là những chủ đề nóng bỏng sẽ được đặt lên bàn đàm phán. Và bên nào buộc phải nhượng bộ cũng chưa thể có câu trả lời xác đáng!