Căng thẳng Trung Đông: Nhìn vào Iran, Triều Tiên rút ra bài học gì?

Hoàng Bách 08/01/2020 08:25

(Baonghean) - Cùng nằm trong danh sách quốc gia bảo trợ khủng bố của Mỹ, cùng trong tình trạng căng thẳng hạt nhân với xứ cờ hoa... là những điểm chung của Iran và Triều Tiên. Sau cái chết của tướng lĩnh Iran trong cuộc không kích của Washington, liệu rằng giờ đây Bình Nhưỡng có rút ra được điều gì trong mối quan hệ với siêu cường số 1 thế giới?

Thông điệp ẩn chứa

Bài viết trên trang CNN nhắc lại rằng, trong những ngày “nóng” nhất năm 2017, khi tưởng chừng Triều Tiên và Mỹ sắp sửa bước vào chiến tranh, một cuộc tranh luận dấy lên trong những hội trường ở Nhà Trắng. Người ta đặt dấu hỏi rằng, nếu quân đội Mỹ tiến hành một vài cuộc tấn công nhằm vào Triều Tiên, liệu có đủ khiến nhà lãnh đạo Kim Jong-un sợ hãi, ngừng theo đuổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo?

Khi ấy, câu trả lời của Triều Tiên, chí ít là trên phương tiện truyền thông nhà nước, là một tiếng “không” dõng dạc. Bình Nhưỡng đã cảnh báo rằng họ sẽ đáp trả bất kỳ động thái quân sự nào nhằm vào chủ quyền lãnh thổ bằng chính vũ lực của mình. “Đế quốc Mỹ sẽ phải xuống địa ngục và lịch sử ngắn ngủi của nước Mỹ sẽ chấm dứt mãi mãi, vào thời điểm ông ta phá hủy thậm chí chỉ một ngọn cỏ trên mảnh đất này” là nội dung trong một bình luận đăng trên truyền thông nhà nước Triều Tiên hồi tháng 2/2018, chỉ vài tháng trước cuộc gặp Kim-Trump đầu tiên.

2 nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump cùng sải bước tại khu DMZ phân chia 2 miền Triều Tiên hồi tháng 6/2019. Ảnh: Getty
2 nhà lãnh đạo Kim Jong-un và Donald Trump cùng sải bước tại khu DMZ phân chia 2 miền Triều Tiên hồi tháng 6/2019. Ảnh: Getty

Dư luận sẽ không thể biết được liệu lời tuyên bố đó của Triều Tiên có thực sự nghiêm túc hay không. Bởi lẽ, rốt cuộc Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa từng ra lệnh tấn công, công lớn là nhờ những nỗ lực ngoại giao đã dẫn tới cuộc gặp lịch sử của ông với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore năm 2018.

Nhưng, đằng sau những mối đe dọa có phần gây sốc của Triều Tiên luôn ẩn chứa một thông điệp quan trọng: Bình Nhưỡng đang phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo đủ sức vươn tới Mỹ, vì thế, giới ra quyết định tại Washington sẽ phải suy đi tính lại về việc liệu có nên tiến hành cái gọi là cuộc tấn công gây thương vong, hay chẳng hạn như tiêu diệt một tướng lĩnh mà họ xem là phần tử khủng bố và mối đe dọa hiện hữu hay chăng.

Washington không cần phải lo sợ về khả năng trả đũa hạt nhân với trường hợp Iran. Nhưng với Triều Tiên tình hình lại khác.

Đây có lẽ là lăng kính mà thông qua đó Triều Tiên nhìn nhận quyết định tiêu diệt chỉ huy Iran Qasem Soleimani của chính quyền Trump trong cuộc không kích bằng máy bay không người lái cuối tuần trước, một vụ tấn công mà giới phân tích đánh giá là đã “ném” Trung Đông vào khủng hoảng và “thêm dầu” vào những căng thẳng giữa Tehran và Washington. Washington không cần phải lo sợ về khả năng trả đũa hạt nhân với trường hợp Iran. Nhưng với Triều Tiên tình hình lại khác.

Chuyên gia Adam Mount tại Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ phát biểu: “Triều Tiên nằm ngay cạnh Iran trong danh sách các nước bảo trợ khủng bố. Và chính quyền Mỹ hiện đang biện minh cho việc ám sát Soleimani bằng cách gọi ông ta là một phần tử khủng bố”. Theo Mount, cái chết của Soleimani sẽ có khả năng củng cố thêm quyết tâm mở rộng năng lực hạt nhân của Triều Tiên, và trong trường hợp có điều gì bất trắc xảy đến với ban lãnh đạo của họ, thì họ có cơ sở để đe dọa bắt đối phương trả giá.

Việc Mỹ ám sát Soleimani
Việc Mỹ ám sát Soleimani sẽ có khả năng củng cố thêm quyết tâm mở rộng năng lực hạt nhân của Triều Tiên.

Từ “Trục ma quỷ” đến “Hỏa lực và thịnh nộ”

Khi Tổng thống Mỹ George W. Bush bước vào tòa nhà Quốc hội để có bài diễn văn Thông điệp Liên bang sau loạt vụ khủng bố 11/9, có lẽ hầu như không một ai trên Bán đảo Triều Tiên biết rằng chính quyền Kim Jong-il sắp sửa bị đưa vào danh sách bộ ba “Trục ma quỷ” khét tiếng. Quyết định đến sau đó rằng Triều Tiên được “xếp cùng” hàng với Iran và Iraq, kèm cuộc xâm lược và lật đổ ông Saddam Husein có khả năng đã thuyết phục chính quyền Bình Nhưỡng tin rằng họ cần đến vũ khí hạt nhân để bảo đảm sự sống còn.

Bình Nhưỡng đã xem các nhà lãnh đạo như Hussein và Moammar Gadhafi của Libya là những ví dụ biết nói, cho thấy nguyên do họ cần phải sở hữu vũ khí hạt nhân, và vì sao họ lưỡng lự không chịu từ bỏ chúng trong các cuộc đàm phán. Gadhafi đã đồng ý từ bỏ những tham vọng hạt nhân của ông để đổi lấy xoa dịu các đòn trừng phạt vào những năm 2000. Chỉ vài năm sau đó, ông bị lật đổ và bị các phần tử nổi dậy do Washington hậu thuẫn giết hại. Van Jackson - một cựu quan chức trong Bộ Quốc phòng Mỹ dưới thời Obama cho biết: “Triều Tiên hiện đã cho rằng không thể tin tưởng Mỹ. Họ đã tin rằng vũ khí hạt nhân của mình mới là thứ duy nhất khiến số phận của họ khác với Iraq hay Libya”.

Ông Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên sẵn sàng sống trong tình cảnh bị trừng phạt bủa vây để bảo vệ năng lực hạt nhân. Ảnh: KCNA
Ông Kim Jong-un khẳng định Triều Tiên sẵn sàng sống trong tình cảnh bị trừng phạt bủa vây để bảo vệ năng lực hạt nhân. Ảnh: KCNA

Các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng sau 3 hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim không tạo ra bất kỳ tiến triển nào, một phần vì vấn đề thiếu hụt lòng tin.

Trump luôn hy vọng rằng, cách tiếp cận từ cao xuống thấp với các cuộc đàm phán hạt nhân có thể giúp ông thành công trong khi những người tiền nhiệm đã thất bại. Nhưng các cuộc đàm phán ngoại giao giữa Washington và Bình Nhưỡng sau 3 hội nghị thượng đỉnh Trump - Kim không tạo ra bất kỳ tiến triển nào, một phần vì vấn đề thiếu hụt lòng tin. Cả 2 phía đều đã cáo buộc đối phương thiếu linh hoạt trong các nỗ lực nhằm đạt thỏa thuận, theo đó vẽ ra viễn cảnh Bình Nhưỡng đổi vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo lấy việc giảm nhẹ các đòn trừng phạt đã siết chặt nền kinh tế Triều Tiên bấy nay.

Trong bài diễn văn quan trọng dịp năm mới vừa qua, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã khẳng định đất nước của ông “sẽ không bao giờ” từ bỏ vũ khí hạt nhân nếu Mỹ “khăng khăng duy trì chính sách thù địch”. Báo chí Triều Tiên dẫn lời ông Kim: “Nước Mỹ đã gán cho đất nước của chúng tôi cái danh là kẻ thù của họ, “trục ma quỷ” và mục tiêu cho “cuộc tấn công hạt nhân phủ đầu” của họ và áp dụng những biện pháp trừng phạt thô bạo cùng phi nhân đạo nhất với chúng tôi, đặt ra mối đe dọa hạt nhân dai dẳng suốt 7 thập niên qua”.

Trong bối cảnh hiện tại, Triều Tiên chỉ có khả năng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân nếu có một mối quan hệ đáng tin cậy và ổn định với Mỹ. Còn Mỹ sẽ chỉ phát triển mối quan hệ bình thường với Triều Tiên, dỡ bỏ trừng phạt, và giúp Bình Nhưỡng phát triển kinh tế nếu đối phương từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.

Mỹ đã áp đặt nhiều đòn trừng phạt với Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA
Mỹ đã áp đặt nhiều đòn trừng phạt với Bình Nhưỡng. Ảnh: KCNA

Nhưng quyết định ám sát Soleimani của chính quyền Mỹ đã khiến tình hình có chút khác biệt. Nó cho thấy rằng, những lời hăm dọa của Trump không phải lúc nào cũng chỉ “nói suông”, và điều này có thể là lý do khiến Triều Tiên phải tạm dừng nếu họ đang cân nhắc có hành động nào đó mang tính khiêu khích, đơn cử thử tên lửa đạn đạo tầm xa hay vũ khí hạt nhân.

Bên cạnh đó, diễn biến vừa qua cũng có thể khiến mọi chuyện trở nên nguy hiểm hơn. Nếu Kim cho rằng Trump sẽ lệnh tấn công Triều Tiên bằng thiết bị không người lái, vậy thì như giới chuyên gia dự đoán, khi đó ông có thể cảm thấy sức ép gia tăng buộc phải giữ lại vũ khí hạt nhân. Tóm lại, đến lúc này, vẫn còn vô vàn câu hỏi liên quan đến vấn đề hạt nhân Triều Tiên mà chúng ta vẫn chưa tìm ra câu trả lời, và chừng nào vẫn vậy, thì nhất thiết các bên liên quan không nên có quyết sách đối ngoại nào làm tăng thêm nguy cơ gây bất ổn hạt nhân, tạo ra những điểm nóng ngùn ngụt trên thế giới.

Mới nhất
x
Căng thẳng Trung Đông: Nhìn vào Iran, Triều Tiên rút ra bài học gì?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO