Căng thẳng với Nga, Mỹ và NATO vội vã thay đổi cấu trúc quân sự
Căng thẳng tăng cao với Nga đã khiến NATO và các thành viên liên minh quân sự này đang có nhiều thay đổi về cấu trúc quân sự ở châu Âu.
Trong khi đó, Mỹ quyết định tái lập Hạm đội 2 tuần tra phía bắc Đại Tây Dương.
Căng thẳng với Nga, Mỹ và NATO vội vã thay đổi cấu trúc quân sự. |
Sau 65 năm phục vụ, Hạm đội 2 đã dừng hoạt động vào tháng 9/2011 nhằm góp phần tiết kiệm chi phí và tái cơ cấu. Nhiều nhân sự và người có trách nhiệm được phân bổ cho Bộ Tư lệnh Các lực lượng Hạm đội Mỹ.
Hạm đội 2 "hồi sinh" là một phần của sự thay đổi mà Mỹ đang hướng tới nhằm chuẩn bị cho một cuộc xung đột lớn tiềm tàng.
"Chiến lược quốc phòng của chúng tôi nêu rõ rằng chúng ta đang trở lại một kỷ nguyên cạnh tranh quyền lực lớn, vì môi trường an ninh ngày càng nhiều thách thức và phức tạp hơn" - Đô đốc John Richardson - Chỉ huy Các chiến dịch Hải quân Mỹ nói.
"Hạm đội 2 sẽ thực thi các quyền hành chính và hoạt động đối với các lực lượng đổ bộ, máy bay và tàu được giao nhiệm vụ ở Bờ Đông và Đại Tây Dương" - ông Richardson cho biết thêm.
Hạm đội 2 cũng sẽ lên kế hoạch và tiến hành các hoạt động kết hợp, hoạt động chung trên biển, đồng thời đào tạo, đảm bảo và cung cấp các lực lượng trên biển nhằm đáp ứng trước các sự kiện xảy ra trên toàn thế giới.
Hạm đội sẽ được tái kích hoạt vào ngày 1/7 tới.
NATO cũng đang có nhiều thay đổi trong cấu trúc chỉ huy để chuẩn bị cho các chiến dịch quân sự tiềm tàng trên và xung quanh châu Âu.
Hồi tháng 3, Đức thông báo Bộ Tư lệnh hậu cần NATO được đề xuất sẽ đóng ở thành phố Ulm thuộc miền Nam nước này. Bộ này sẽ sắp xếp việc điều động nhân lực và vật lực xung quanh châu Âu.
Một bộ tư lệnh mới mà NATO muốn thành lập sẽ giám sát và bảo vệ Bắc Đại Tây Dương. Trong trường hợp xảy ra xung đột với Nga, lực lượng này sẽ chịu trách nhiệm đảm bảo các hải trình rộng mở cho quân tăng viện Mỹ tới châu Âu.