“Canh bạc” đầu tư của Trump tại Triều Tiên
(Baonghean.vn) - Tổng thống Mỹ Donald Trump đang có khoản đầu tư khổng lồ ở Triều Tiên.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể muốn kể câu chuyện sau đây: Nếu bạn đến ngân hàng và vay 3 triệu USD, nếu bạn không hoàn trả nợ, bạn sẽ là người gặp vấn đề. Nhưng nếu bạn đến ngân hàng và vay 300 triệu USD, nếu bạn không hoàn trả được, thì khi đó cả bạn và ngân hàng đều gặp vấn đề.
Nói theo cách khác, ngân hàng đã đầu tư một khoản lớn ở bạn và không thể để bạn vỡ nợ. Thành công của bạn trở thành thành công của ngân hàng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đang có khoản đầu tư tương tự ở Triều Tiên.
Tuy nhiên, khoản đầu tư đó không phải bằng tiền tệ. Thay vào đó, ông Trump đầu tư vốn liếng chính trị lớn vào Triều Tiên.
Ông đã phớt lờ lời khuyên của toàn bộ giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ để gặp gỡ nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ở Singapore. Ông đang đặt cược rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên đang thực sự sẵn sàng tiến hành phi hạt nhân hóa.
Sự lắng dịu căng thẳng mới đây giữa Mỹ và Triều Tiên là thành công ngoại giao duy nhất của ông Trump. Ảnh: AP |
Giờ đây, bởi khoản đầu tư khổng lồ này, ông Trump không muốn sáng kiến mới của ông với Triều Tiên sụp đổ. Bởi nếu điều đó xảy ra, đó không chỉ là vấn đề của Triều Tiên, mà còn là vấn đề của chính nhà lãnh đạo Mỹ.
Triều Tiên là thành công ngoại giao duy nhất của ông Trump
Sau tất cả, sự lắng dịu căng thẳng mới đây giữa Mỹ và Triều Tiên là thành công ngoại giao duy nhất của ông Trump tính đến nay. Ông đã gây rối loạn quan hệ với Mexico và Canada. Việc ông đưa ra các biện pháp thuế quan đã đẩy Mỹ đối đầu với châu Âu và Trung Quốc.
Kế hoạch hòa bình Trung Đông cũng khó có thể được đưa ra. Cuộc chiến ở Afghanistan và Syria vẫn đang tiếp diễn. Trong khi đó, cuộc chiến với Iran đang chuẩn bị bùng nổ.
Dấu hiệu hy vọng duy nhất là trên bán đảo Triều Tiên. Hội nghị thượng đỉnh với ông Kim Jong-un là bằng chứng duy nhất cho thấy ông Trump là nhà đàm phán giỏi. Quan hệ mới với Triều Tiên của ông Trump có thể được trao giải Nobel Hòa bình.
Ông Trump đã đưa ra một số khoản “trả trước” trong kế hoạch đầu tư này. Tại cuộc họp báo sau hội nghị thượng đỉnh ở Singapore, ông đã ca ngợi ông Kim Jong-un là người “tài năng” và “vô cùng thông minh” cũng như là “nhà đàm phán giỏi”.
Đây là một món quà lớn về mặt tuyên truyền đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Thứ hai, ông Trump đã đơn phương hủy bỏ cuộc tập trận quân sự lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc. Tổng thống Mỹ đã đưa ra quyết định này mà không tham vấn các cố vấn quân sự của ông hay Chính phủ Hàn Quốc (dù cả 2 bên đều đồng ý với quyết định này).
Thứ ba, theo Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, chính quyền Trump không yêu cầu một lộ trình khắt khe cho việc giải giáp hạt nhân.
Đảng Dân chủ, giới truyền thông và các chuyên gia chính sách đối ngoại đều tin rằng ông Trump đã tiến hành hoạt động đầu tư tồi tệ. Họ đã đánh giá thấp sự thể hiện của ông Trump tại Singapore. Họ lập luận rằng Triều Tiên đã “đánh lừa” ông Trump và rằng thỏa thuận được ký kết tại hội nghị chỉ là “sự trình diễn” và không hề thực chất. Hiện có nhiều hoài nghi rằng Triều Tiên sẽ tiến hành các biện pháp cụ thể để hướng tới phi hạt nhân hóa.
Tuy nhiên, giới hoạch định chính sách đối ngoại Mỹ đã sai. Sự đầu tư của ông Trump đã mang về các lợi ích quan trọng.
Hai miền Triều Tiên đang thảo luận một số biện pháp quan trọng để cải thiện quan hệ liên Triều. Họ đang cân nhắc di chuyển các nòng pháo gần Khu vực phi quân sự khỏi biên giới như cơ chế xây dựng lòng tin. Họ đang thảo luận về việc tái mở cửa Khu công nghiệp chung Kaesong - cơ sở được đặt ở phía Bắc DMZ được Hàn Quốc tài trợ vốn và tuyển dụng lao động Triều Tiên - cũng như tiến hành một số công việc tại khu vực đã ngừng hoạt động để chuẩn bị xây dựng văn phòng liên lạc chung.
Các cuộc đàm phán để nối lại chương trình đoàn tụ gia đình ly tán trong mùa Hè này cũng đang được tiến hành.
Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là ông Trump không cản trở tiến bộ trong công cuộc hòa hợp liên Triều.
Với việc mong muốn thể hiện rằng hội nghị thượng đỉnh với Kim Jong-un là một thành công, ông Trump đã giúp thiết lập một môi trường thuận lợi để Triều Tiên và Hàn Quốc tiến hành các kế hoạch cụ thể.
Trump không muốn “canh bạc” Triều Tiên thất bại
Trở ngại chính ở đây là các lệnh trừng phạt kinh tế vẫn tồn tại. Trên thực tế, chính quyền Trump mới đây đã nối lại các lệnh trừng phạt của Mỹ với Triều Tiên thêm 1 năm nữa.
Trong khi đó, các lệnh trừng phạt do Liên Hợp quốc áp đặt sẽ khiến 2 miền Triều Tiên khó khăn hơn trong việc thúc đẩy hợp tác kinh tế.
Tuy nhiên, tất cả các cơ chế trừng phạt đều đi kèm ngoại lệ. Trong lúc quan hệ liên Triều tiến triển, hai bên nên tìm cách đưa các “ngoại lệ” vào các lệnh trừng phạt quốc tế chống lại Triều Tiên (như mô hình Khu công nghiệp chung Kaesong).
Khu công nghiệp chung Kaesong. Ảnh: Getty |
Điều quan trọng ở đây là ông Trump đã đầu tư cho thành công của cuộc mạo hiểm này, bởi nếu vụ đầu tư này thất bại, thì ông cũng thất bại. Và ông Donald Trump không hề muốn thất bại.
Một điều không kém phần quan trọng là ông Kim Jong-un phải hiểu rằng việc đối phó với ông Trump dễ dàng hơn nhiều so với việc đàm phán với bất kể người kế nhiệm nào sau đó. Nếu ông Kim muốn thay đổi quan hệ Mỹ-Triều, ông có cơ hội trong 2 năm tới. Người kế nhiệm ông Trump có thể thay đổi chính sách của ông một cách nhanh chóng như ông Trump hủy bỏ các thỏa thuận của ông Obama với Iran và Cuba.
Trong khi đó, hai miền Triều Tiên sẽ có cơ hội để tiến hành các biện pháp cụ thể để hướng tới một nền hòa bình đầy đủ, có thể xác minh và không thể đảo ngược. Họ sẽ biến hội nghị thượng đỉnh ở Singapore thành điều gì đó thực chất.
Nói cách khác, họ có thể tạo ra một dự án kinh doanh liên Triều - là nơi đặt hy vọng và giấc mơ của nhiều người - lớn đến mức không thể sụp đổ./.