Cảnh báo dịch chân tay miệng ở Nghệ An

09/10/2017 19:41

(Baonghean.vn) - Hơn 1 tháng qua, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận điều trị cho 809 trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng  ở Nghệ An đang ngày càng gia tăng. Ảnh: Khánh Huyền
Số trẻ mắc bệnh tay chân miệng ở Nghệ An đang ngày càng gia tăng. Ảnh: Khánh Huyền

Thống kê của Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An: Từ ngày 1/9-9/10/2017, Khoa Bệnh nhiệt đới tiếp nhận 809 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 199 bệnh nhân phải điều trị nội trú, nhiều trường hợp bệnh nặng nhiễm trùng khó điều trị. Hiện nay, số bệnh nhân mắc tay chân miệng vẫn đang có xu hướng gia tăng.

Xu hướng gia tăng bắt nguồn từ việc khí hậu chuyển mùa, từ nóng sang mưa, nhiệt độ trong ngày chênh lệch cao, nắng mưa thất thường. Trong thời tiết này, trẻ em với hệ miễn dịch yếu, khả năng chống chọi kém nên dễ nhiễm các loại vi khuẩn, vi rút.

Bệnh tay chân miệng do vi trùng đường ruột Enterovirus và Coxcakieruses gây nên. Đây là bệnh lây chủ yếu qua đường tiêu hóa, từ người sang người nên khả năng lây nhiễm do không may tiếp xúc với người bệnh là rất cao và rất nhanh.

Trẻ bị bệnh tay chân miệng thường có triệu chứng sốt nhẹ ban đầu, kèm theo đau họng, đau miệng, chảy nước miếng và biếng ăn hơn. Trong miệng trẻ có thể có những vết loét đỏ như lở miệng (chủ yếu vòm miệng, trong môi, lưỡi). Những vết phát ban dạng phỏng nước còn xuất hiện ở lòng bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông của trẻ. Trường hợp trẻ bị nặng có thể dẫn đến lừ đừ, run các chi, rung giật cơ, nhịp tim mạch nhanh, thở nhanh...

Khi trẻ mắc tay chân miềng cần được đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Ảnh: Khánh Huyền
Khi trẻ mắc tay chân miềng cần được đưa đến cơ sở y tế để khám, điều trị. Ảnh: Khánh Huyền

Hiện nay, thời tiết có những diễn biến khó lường và năm học mới bắt đầu, bệnh tay chân miệng lại chưa có Vacxin đặc hiệu phòng bệnh nên việc ngăn chặn sự lây lan bệnh tay chân miệng càng khó thực hiện.

Nhà trường, các bậc phụ huynh cần chủ động trong việc phòng bệnh,chăm sóc sức khỏe cho các em. Khi thấy trẻ có một trong những triệu chứng như mệt mỏi, sốt cao, li bì, mất tỉnh táo...cần đưa ngay đến bệnh viện khám, cần rửa tay bằng xà phòng nhiều lần trong ngày, thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh vật dụng ăn uống sạch sẽ trước khi sử dụng, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ bệnh. Đối với trẻ đi mẫu giáo, phải cách ly nếu trẻ bị bệnh, đồ chơi nên rửa thường xuyên, lau chùi sàn sạch sẽ.

Các bác sĩ khuyến cáo: Hầu hết các ca bệnh đều diễn biến nhẹ, tuy nhiên ở một số trường hợp, bệnh có thể diễn biến nặng, gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi, dẫn đến tử vong. Vì vây, mọi người, mọi nhà cần tăng cường công tác phòng, chống nhằm chủ động ngăn chặn sự lây lan, hạn chế mức thấp nhất số ca mắc bệnh.

Bệnh tay chân miệng do virut đường ruột nên không thể điều trị bằng thuốc kháng sinh thông thường. Cha mẹ cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi điều trị. Nên đưa trẻ đi khám và điều trị nội trú khi dấu hiệu bệnh tay chân miệng nặng./.

Khánh Hiền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cảnh báo dịch chân tay miệng ở Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO