Cảnh báo đuổi học 1.000 sinh viên: Việc cần làm ngay!

03/11/2015 08:10

Đuổi học những sinh viên yếu kém, vô kỷ luật sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, sàng lọc nguồn nhân lực.

Sự việc 1.041 sinh viên thuộc 8 khoa của Đại học Tây Nguyên có nguy cơ bị buộc thôi học là việc làm hiếm thấy từ xưa tới nay ở một trường Đại học nước ta bởi trong lúc nhiều trường phải vật lộn, tìm đủ mọi cách để tuyển sinh, lôi kéo người học về trường mình. Thế nhưng, đây là việc nên làm, khuyến khích làm vì nó góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng đào tạo, sàng lọc nguồn nhân lực của nước nhà.

Lý do mà Hội đồng kỷ luật nhà trường đưa ra do các sinh viên này phần lớn tự ý bỏ học hoặc có điểm trung bình chung học kỳ dưới 1,0 (tính theo thang điểm 4,0). Sau khi cảnh báo quá 2 lần mà sinh viên không khắc phục được, thì sẽ bị trường buộc thôi học.

Sinh viên đóng học phí tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM Ảnh: Tấn Thạnh
Sinh viên đóng học phí tại Trường ĐH Công nghiệp TP HCM. (Ảnh minh họa).

Chỉ cách đây vài năm, học sinh thi đỗ vào trường đại học dù có “dính” kỷ luật, bỏ học triền miên cũng khó xử lý, ít trường hợp bị đuổi học. Mọi người thường nói đùa “vào trường đại học thì khó chứ kiểu gì mà chả ra trường được”. Thế mới có chuyện, có sinh viên học tới 6 - 7 năm mới có được tấm bằng tốt nghiệp. Việc thải loại sinh viên yếu kém không phải bây giờ mới có, nhưng trong điều kiện và tình hình mới thì yêu cầu này đặt ra phải được thực hiện ráo riết, kỹ càng hơn.

Để nâng cao chất lượng đào tạo, siết kỷ luật đối với sinh viên, Thông tư 57/2012/TT - BGDĐT sửa đổi Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ ra đời. Theo đó, từ ngày 10/2/2013, sau mỗi học kỳ, sinh viên bị buộc thôi học nếu bị cảnh báo kết quả học tập kém trên 2 lần liên tiếp… Việc cảnh báo kết quả học tập được thực hiện theo từng học kỳ, nhằm giúp cho sinh viên có kết quả học tập kém biết và lập phương án học tập thích hợp để có thể tốt nghiệp trong thời hạn tối đa được phép theo học chương trình.

Việt Nam muốn tiến đến một nền giáo dục chất lượng cao thì ngay từ bây giờ việc đuổi 1 nghìn, 2 nghìn, thậm chí nhiều hơn nữa những sinh viên yếu kém là điều cần thiết. Ở Mỹ, một nền giáo dục mang tính thị trường cao nhưng chất lượng luôn được đặt lên hàng đầu.

Hồi đầu năm nay, Sách Trắng về vấn đề đuổi học sinh viên Trung Quốc do WholeRen Education, tổ chức chuyên cung cấp dịch vụ cho sinh viên Trung Quốc có trụ sở tại Mỹ phát hành cho biết: Có tới hàng nghìn sinh viên Trung Quốc bị đuổi học. Qua phân tích 1.657 sinh viên trong số bị đuổi học, thì có khoảng 57% bị sa thải vì học tập kém cỏi, số còn lại là do thái độ học tập chểnh mảng, triệu chứng tâm thần và một số vấn đề thể chất khác.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trở lại với câu chuyện của nước mình, những năm gần đây, chất lượng nguồn nhân lực ở trình độ đại học, cao đẳng ra trường được đánh giá không cao, chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, kể cả với những sinh viên tốt nghiệp ở các trường đại học top đầu. Thực trạng này xuất phát từ đâu? Đầu vào được tuyển lựa khá kỹ càng, nhưng quá trình học tập ở trường đại học lại "thả lỏng" hơn khi học phổ thông nên nhiều bạn đã không chú tâm vào học tập khiến họ bị tụt dần so với mặt bằng chung. Hoặc vì lý do nào đó, như năng lực, hoàn cảnh… mà họ bị “văng” khỏi guồng máy học tập.

Siết chặt kỷ luật đào tạo cũng là cách để có nguồn lao động chất lượng cao. Ở bất kỳ môi trường nào cũng cần có sự sàng lọc. Học kém, kỷ luật kém, tự ý bỏ học… thì đương nhiên phải nhận án “đuổi học”. Đã một thời gian dài, giáo dục đại học quá nhân nhượng với sinh viên, tạo sự bất bình đẳng trong sinh viên và gây hệ lụy lâu dài. Người học tốt, chăm ngoan cũng như kẻ biếng lười, phá phách, cuối cùng cũng được công nhận tốt nghiệp. Khi ra trường lại tận dụng "quan hệ, tiền tệ" là vào được những chỗ thơm ngon. Và thế mới có chuyện, bộ máy hành chính cồng kềnh, không hiệu quả. Đến giờ muốn tinh giản không làm được vì không biết giảm ai.

Siết chặt đào tạo cũng là cách để phân bổ lại nguồn lực, không thể để kiểu đào tạo “dàn hàng ngang”, người người, nhà nhà học đại học trong khi năng lực, trình độ lại không đáp ứng được yêu cầu, chỉ gây tốn kém, lãng phí cho gia đình, xã hội. Càng nhiều lưới sàng lọc càng tốt. Có thể “lưới” thi tuyển đầu vào đại học chưa chọn được đúng người thì khi vào trường lại thêm một lần “lọc” nữa trong quá trình đào tạo và thi tốt nghiệp. Cuối cùng là khâu tuyển dụng vào hệ thống các cơ quan công quyền, các doanh nghiệp… được thực hiện bình đẳng, công khai thì chắc chắn khi đó hiệu quả, hiệu suất hoạt động của bộ máy công quyền sẽ cao hơn rất nhiều so với hiện nay./.

Theo VOV.VN

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cảnh báo đuổi học 1.000 sinh viên: Việc cần làm ngay!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO