Cảnh báo 'ma trận' sâm Ngọc Linh giả

07/09/2017 16:30

Theo các chuyên gia cảnh báo, trên thị trường đang xuất hiện sâm Ngọc Linh giả dưới các hình thức vi phạm về sở hữu trí tuệ, vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, chỉ dẫn địa lý.

Việc mua bán chủ yếu núp bóng qua các trang mạng xã hội (MXH), mua bán trực tiếp trao tay, giao hàng tận nơi. Không những gây nhiều khó khăn cho lực lượng quản lý thị trường, ảnh hưởng đến người trồng, bán sâm thật, trong khi người mua thì hoang mang.

Ngày càng khó kiểm soát

Theo UBND tỉnh Quảng Nam, Kon Tum cùng các đơn vị có liên quan tại địa phương, hiện tượng giả sâm Ngọc Linh đang ngày càng phổ biến và khó kiểm soát. Việc lưu thông phân phối sâm trên thị trường đang diễn ra phức tạp. Theo ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - sâm Ngọc Linh là sản phẩm quý, hiếm. Giá sâm hiện đang tăng lên gấp 4-5 lần (so với cách đây 2 năm), do vậy có hiện tượng giả sâm Ngọc Linh để bán với giá sâm Ngọc Linh thật khiến người dân hoang mang. Điều này đã ảnh hưởng đến hình ảnh chất lượng sâm núi Ngọc Linh, ảnh hưởng trực tiếp đến người trồng sâm cũng như người tiêu dùng.

Hiện tượng giả sâm Ngọc Linh đang ngày càng phổ biến và khó kiểm soát.
Hiện tượng giả sâm Ngọc Linh đang ngày càng phổ biến và khó kiểm soát.

Ông Vương Văn Mười - Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông (Kon Tum) cũng khẳng định có tình trạng kinh doanh sâm Ngọc Linh giả trên thị trường. Hiện nay huyện đang trồng hơn 300ha nhưng chủ yếu đang trong giai đoạn trồng và bảo tồn chứ chưa đưa vào kinh doanh, nhưng trên địa bàn huyện đang diễn ra tình trạng buôn bán Tam thất hoang, Tam thất Vũ Diệp giả sâm Ngọc Linh.

Bên cạnh những hình thức mua bán công khai, hoạt động mua bán sâm Ngọc Linh giả còn được thực hiện dưới hình thức sử dụng các trang web, mạng xã hội (MXH) để rao bán. Đại diện của Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cho biết: Trên địa bàn vẫn đang tồn tại hoạt động giới thiệu, mua bán sản phẩm sâm Ngọc Linh củ và các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc xuất xứ và chưa được kiểm định chất lượng. Đặc biệt có hành vi gian lận thương mại, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng.

Tăng cường kiểm soát và xử lý sâm Ngọc Linh giả

Theo ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KHCN tỉnh Quảng Nam: “Mặc dù các ngành, địa phương trong tỉnh đã có nhiều cố gắng trong việc phát triển sản lượng, bảo vệ chất lượng, thương hiệu sâm Ngọc Linh; nhưng tình trạng sử dụng thương hiệu Ngọc Linh trên các sản phẩm sâm củ và các sản phẩm sâm khác từ sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam và các tỉnh thành trong cả nước vẫn đang diễn ra tràn lan và ngày càng phổ biến. Nguy cơ báo động ảnh hưởng trực tiếp tới thương hiệu sâm núi Ngọc Linh”.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng chưa có nhiều kinh nghiệm trong công tác quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý nói chung; đặc biệt chỉ dẫn địa lý “Ngọc Linh” cho sản phẩm sâm củ là chỉ dẫn địa lý đầu tiên ở Việt Nam có liên quan đến hai tỉnh (Quảng Nam, Kon Tum) nên công tác phát triển, quản lý còn nhiều lúng túng trong sự phối hợp giữa hai tỉnh.

Ông Đoàn Ngọc Sơn - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Quảng Nam - cho rằng, việc phát hiện và xử lý vấn đề sâm giả đang gặp nhiều khó khăn. Bởi khi phát hiện vụ việc nghi là sâm giả thì rất khó phân biệt bằng mắt thường mà phải có cơ sở, xác nhận từ cơ quan kiểm định trong khi chi phí rất lớn và mất nhiều thời gian.

Bên cạnh những hình thức mua bán công khai, hoạt động mua bán sâm Ngọc Linh giả còn được thực hiện dưới hình thức sử dụng các trang web, mạng xã hội (MXH) để rao bán.
Khi phát hiện vụ việc nghi là sâm giả thì rất khó phân biệt bằng mắt thường, phải có cơ sở, xác nhận từ cơ quan kiểm định trong khi chi phí rất lớn và mất nhiều thời gian.

Trong thời gian qua, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường mở đợt cao điểm truy quét, chấn chỉnh hoạt động buôn bán sâm củ giả mạo sâm Ngọc Linh. Qua kiểm tra, phát hiện 3 cơ sở kinh doanh là CTCP Rượu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Cty Danaco Quảng Nam, Cơ sở Dược liệu Nhật Quang có hành vi buôn bán sản phẩm sâm Ngọc Linh không rõ nguồn gốc; xử phạt vi phạm hành chính hơn 96 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ xử lý về những hành vi vi phạm an toàn thực phẩm, kinh doanh hàng hóa chưa rõ nguồn gốc, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh… chứ chưa có căn cứ pháp lý, chế tài xử lý dẫn đến việc quản lý gặp nhiều khó khăn.

Trước thông tin về sâm Ngọc Linh giả xuất hiện trên thị trường, Bộ KHCN đã thành lập Đoàn công tác tới các địa phương để khảo sát, xác minh. Bộ trưởng Bộ KHCN Chu Ngọc Anh đã giao cho Thanh tra Bộ KHCN làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị liên quan đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết những vướng mắc hiện nay trong quản lý, kiểm soát và xử lý sâm Ngọc Linh giả. Đồng thời đề nghị hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam tăng cường phối hợp, nâng cao uy tín, thương hiệu sản phẩm sâm củ Ngọc Linh, sớm ban hành bộ công cụ, quy chế quản lý sử dụng và thành lập hội sản xuất, kinh doanh sâm Ngọc Linh cho đến ban hành tem nhãn sản phẩm sâm Ngọc Linh.

Theo Báo Lao động

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Cảnh báo 'ma trận' sâm Ngọc Linh giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO