Cảnh báo muôn kiểu lừa đảo qua mạng và dấu hiệu nhận biết
(Baonghean.vn) - Mặc dù các ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Tuy nhiên, tình hình hoạt động của loại tội phạm này vẫn diễn biến phức tạp. Đáng chú ý, là hành vi lừa đảo tình cảm qua mạng xã hội...
Những pha lừa đảo khó tin
Mới đây, dư luận xôn xao trước thông tin một người đàn ông ở thành phố Vinh mất khoản tiền lớn (12 tỷ đồng) do bị người yêu qua mạng lừa. Theo kết quả điều tra của lực lượng chức năng, tháng 8/2019, Đào Thị Mộng Thường (SN 1978), trú tại tỉnh Đồng Tháp (đã có 1 tiền án về tội đánh bạc) tạo và sử dụng tài khoản Facebook “Đào Ngọc Minh” đăng các hình ảnh thiếu nữ trẻ đẹp, sau đó kết bạn làm quen, nhắn tin với một người đàn ông trú tại thành phố Vinh. Quá trình nói chuyện thấy bị hại là người có nhiều tiền nên Thường nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nạn nhân bằng hình thức lừa tình.
Thường giới thiệu mình là Đào Ngọc Minh (SN 1994), có bố, mẹ là Việt kiều hiện làm doanh nghiệp về vận tải tàu biển đang sinh sống tại Canada, do tính chất công việc nên Ngọc Minh thường xuyên đi lại giữa Canada và Việt Nam. Để thêm tin tưởng, Thường còn tạo nhiều tài khoản mạng xã hội đóng vai là người thân của Đào Ngọc Minh để nói chuyện, trao đổi với nạn nhân nhằm tạo sự tin tưởng. Khi bị hại đã tin tưởng và có tình cảm yêu đương với nhân vật mà mình dựng lên, Thường đưa ra nhiều thông tin không có thật về việc Ngọc Minh cần tiền để lo công việc, làm thủ tục thừa kế, làm giấy tờ cá nhân… từ đó, nhiều lần lừa đảo nạn nhân chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền hơn 12 tỷ đồng.
Ngày 2/9, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An phối hợp các đơn vị liên quan phá thành công chuyên án bắt, khám xét khẩn cấp chỗ ở của Đào Thị Mộng Thường về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, thu giữ 2 điện thoại di động, phong tỏa 1 hợp đồng đầu tư trái phiếu trị giá 4 tỷ đồng.
Thực tế thủ đoạn này không mới và ngành chức năng đã thường xuyên cảnh báo người dân cảnh giác khi trò chuyện, trao đổi thông tin trên mạng xã hội với những mối quan hệ mới quen biết. Kiểm tra và xác minh kỹ thông tin trước khi thực hiện bất kỳ hành động nào liên quan đến tài chính hoặc gửi thông tin cá nhân. Thế nhưng, vẫn có nhiều người “sập bẫy” của các đối tượng lừa đảo.
Đơn cử như trong tháng 9 năm 2023, Công an tỉnh Nghệ An nhận được trình báo của một người phụ nữ 59 tuổi, trú huyện Tân Kỳ về việc bị người “bạn trai” quen trên mạng lừa đảo chiếm đoạt hơn 3,3 tỷ đồng.
Theo trình báo của người phụ nữ này, vào đầu tháng 7, thông qua mạng xã hội, bà quen một người đàn ông tên Nam, cùng tuổi, trú tại Hà Nội. Sau một thời gian ngắn nhắn tin qua lại, người đàn ông tên Nam rủ rê người phụ nữ quê huyện Tân Kỳ góp vốn đầu tư chứng khoán, tin “bạn trai” nên mặc dù không biết chứng khoán là gì, người phụ nữ gần 60 tuổi vẫn gửi căn cước công dân cho Nam mở tài khoản để đầu tư thử với khoản tiền 10 triệu đồng.
Mấy lần đầu thấy tiền bỏ ra ít mà tài khoản ngân hàng liên tục báo tiền lãi về, đặc biệt là sau khi bạn trai cam kết mua lại cổ phiếu với giá gấp 10 lần, người phụ nữ bán hết tài sản, mượn sổ đỏ người thân cầm cố, vay mượn bạn bè được 3,3 tỷ đồng đưa cho người đàn ông tên Nam đầu tư.
Chờ mãi không thấy tiền về tài khoản như thông báo trước đó, người phụ nữ hỏi thì người đàn ông tên Nam thông báo tổng lợi nhuận từ khoản đầu tư đã lên... 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau đó mọi liên lạc qua tài khoản Facebook mang tên Nguyễn Hoàng Nam đã bị chặn. Người phụ nữ kiểm tra tài khoản trên sàn chứng khoán thì thấy không còn tiền nên đã làm đơn trình báo cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh.
Các dấu hiệu nhận biết
Theo Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, đối với thủ đoạn lừa đảo tình cảm, kẻ lừa đảo thường tìm và tiếp cận mục tiêu thông qua các kênh trực tuyến như mạng xã hội, trang web hẹn hò... Theo đó, chúng tạo một hồ sơ giả mạo, hoặc sử dụng hình ảnh đánh cắp của người khác với ngoại hình đẹp và lôi cuốn, sau đó, tạo một mối quan hệ tình cảm giả với nạn nhân bằng cách sử dụng các chiêu trò như tán tỉnh, chia sẻ câu chuyện cảm động hoặc đưa ra lời hứa, rồi dẫn dụ nạn nhân gửi hình ảnh, video nhạy cảm và dùng những hình ảnh này để đe dọa, tống tiền nạn nhân.
Như trường hợp đối tượng Bùi Duy Hòa (SN 2002), trú tại xã Tân Sơn (Quỳnh Lưu) đã sử dụng tài khoản Zalo mang tên “Bạch Mã Hoàng Tử” làm quen và kết bạn với các tài khoản nữ. Sau vài ngày, Hòa gọi video trên Zalo và tự quay cảnh mình đang khỏa thân cho đối tác xem, đồng thời, ghi lại video màn hình cuộc gọi rồi khống chế các quý cô bằng cách ép họ phải quay video khỏa thân cho Hòa xem rồi sử dụng hình ảnh đó để thực hiện hành vi đe doạ tống tình, tống tiền. Bùi Duy Hòa sau đó đã bị Tòa án nhân dân huyện Tân Kỳ tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Tinh vi hơn, khi đã nắm bắt được tâm lý và tình hình tài chính của nạn nhân, một số đối tượng còn sử dụng nhiều cách khác nhau để thuyết phục nạn nhân tham gia đầu tư vào thị trường tài chính Forex, thông qua một sàn giao dịch giả mạo mà kẻ lừa đảo kiểm soát. Nạn nhân sẽ bị dẫn dụ thắng vài lần để tạo niềm tin và lòng tham, sau đó, khi thắng số tiền lớn hơn, nạn nhân sẽ không rút ra được, bắt phải đóng phí giao dịch, đóng thuế hoặc bảo là tài khoản bị sai thông tin, phải đóng tiền để xác minh chứng thực...
Cứ thế, cho đến khi nạn nhân hết sạch tiền, phá sản. Một số đối tượng lừa đảo còn gửi hàng bưu kiện có giá trị và bắt nạn nhân đóng tiền thuế bằng cách gửi tiền vào tài khoản kẻ lừa đảo. Ở Nghệ An đã từng xảy ra vụ việc nạn nhân tên V.T.H, trú ở bản Na Cày, xã Tiền Phong (Quế Phong) bị đối tượng lừa đảo lấy ảnh đại diện trai Tây kết bạn qua mạng, buông lời đường mật. Sau gần 1 tháng trao đổi yêu đương qua tin nhắn, "người yêu trên mạng" tỏ ý gửi quà cho cô gái. Muốn nhận quà "khủng" thì phải mất 12 triệu đồng tiền cước phí khai báo bên hải quan. Tin lời người yêu qua mạng, V.H.T đã chuyển 12 triệu đồng cho tài khoản thụ hưởng mang tên Lê Văn Thanh, số tài khoản 1018913492, Ngân hàng SAB Thành phố Hồ Chí Minh.
Sau đó, nhóm đối tượng lừa đảo lại tiếp tục yêu cầu T. nạp thêm 105 triệu đồng mới cho nhận hàng, lý do là kiện hàng có nhiều tiền mặt nên phí cao. Do không có tiền nạn nhân đã lên ngân hàng vay tiền để chuyển, thấy dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, phía ngân hàng vận động nạn nhân báo công an để điều tra xử lý.
Khuyến cáo của ngành chức năng
Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền Thông khuyến cáo người dân giữ cảnh giác, khi gặp một người mới trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến, hãy xác minh danh tính của họ bằng cách tìm hiểu về họ, yêu cầu thông tin địa chỉ, số điện thoại liên hệ hoặc thậm chí gặp gỡ trực tiếp nếu có thể. Bên cạnh đó, không chia sẻ thông tin cá nhân của bản thân một cách quá nhanh chóng. Đặc biệt, cẩn trọng với những yêu cầu gửi tiền, đầu tư vào Forex hoặc tham gia các giao dịch tài chính không rõ nguồn gốc.
Trước khi nhận hàng bưu kiện của người mình không quen biết, hãy kiểm tra và xác minh thông tin về địa chỉ, tên và các chi tiết khác. Ngành chức năng cũng khuyến cáo, nếu nhận được một cuộc gọi thông báo trúng thưởng một giải thưởng lớn, hãy cẩn thận và xác minh thông tin từ nguồn tin cậy.
Đồng thời, tránh chia sẻ hình ảnh hoặc video nhạy cảm của mình với người chưa biết rõ nhân thân và lai lịch hoặc không tin tưởng, tránh để bị những kẻ lừa đảo sử dụng các hình ảnh và video nhạy cảm này để tống tiền.
Bên cạnh đó, mỗi người cần tìm hiểu, nắm vững kiến thức về các hình thức lừa đảo phổ biến và cách nhận diện các dấu hiệu đáng ngờ, để có thể nhận biết được khi gặp một tình huống có thể là một hình thức lừa đảo và cảnh báo kịp thời.
Bên cạnh đó, mỗi người hãy bảo vệ thông tin cá nhân bằng cách không chia sẻ quá nhiều trên mạng xã hội hoặc các nền tảng trực tuyến. Đặc biệt, cẩn trọng với việc cung cấp số điện thoại, địa chỉ nhà, tài khoản ngân hàng hoặc bất kỳ thông tin nhạy cảm nào cho người mà mình không biết rõ, tránh rơi vào tình trạng “ tiền mất, tật mang”.