Cảnh giác để không 'sập bẫy' những cuộc gọi mạo danh cơ quan pháp luật
(Baonghean.vn) - Mặc dù đã được ngành chức năng thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo, thời gian qua, vẫn có nhiều trường hợp người dân “sập bẫy” các đối tượng gọi điện thoại mạo danh công an, viện kiểm sát, tòa án... lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
"Thao túng tâm lý" qua điện thoại
Theo ngành chức năng, kịch bản phổ biến của các đối tượng lừa đảo là sử dụng công nghệ cao, mạo danh cán bộ cơ quan công an, viện kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ có liên quan đến một vụ án, chuyên án buôn bán ma túy, rửa tiền, gây tai nạn bỏ trốn, vi phạm Luật Giao thông, lừa đảo xuyên quốc gia... mà cơ quan công an đang điều tra, xác minh hoặc đã có lệnh bắt của viện kiểm sát nhân dân.
Đồng thời, yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.
Các đối tượng thường yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích để nạn nhân không có đủ thời gian kiểm tra thông tin và trình báo cho cơ quan chức năng.
Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, “thao túng tâm lý”, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết bị lừa đảo.
Mới đây, ngày 08/12/2023, Công an huyện Nam Đàn tiếp nhận trình báo của anh T., trú tại xã Thượng Tân Lộc về việc bị một đối tượng giả danh cán bộ công an lừa số tiền 650 triệu đồng. Theo nội dung đơn, anh T. nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại tự xưng là cán bộ công an, thông báo anh T. có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền.
Sau khi tra hỏi, bắt anh T. kê khai tài sản hiện có, đối tượng yêu cầu anh chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản ngân hàng mà mình đang dùng sang tài khoản của đối tượng để phục vụ công tác sao kê và điều tra. Vì quá lo sợ nên anh T. đã chuyển số tiền hơn 650 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng.
Một số người may mắn hơn, đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời, như trường hợp của ông T.Đ.T. (62 tuổi) trú tại xóm Liên Sơn, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương. Ngày 30/10/2023, ông T. nhận được một cuộc điện thoại từ một số máy lạ thông báo số điện thoại của ông không chính chủ và sẽ bị chặn 2 chiều sau 2 giờ nữa.
Đối tượng yêu cầu kết bạn Zalo, cung cấp số CCCD để hướng dẫn và hỏi ông T. có tiền tiết kiệm không? Sau khi ông T. thật thà nói có 3 sổ tiết kiệm 290 triệu đồng thì ông nhận được cuộc gọi video qua Zalo của một người mặc trang phục công an, xưng là cán bộ điều tra Công an thành phố Đà Nẵng.
Người này nói qua kiểm tra thông tin, ông T. có liên quan đến một tài khoản ngân hàng ở Đà Nẵng đang bị nghi liên quan đến tội phạm ma túy. Sau đó vị “cán bộ công an này” kết nối đến đối tượng khác, xưng là kiểm sát viên của Viện Kiểm sát thành phố Đà Nẵng tiếp tục đe doạ, yêu cầu ông T. đến ngân hàng rút 290 triệu đồng chuyển vào số tài khoản chúng cung cấp và nói sẽ trả lại nếu ông T. không liên quan đến ma túy. Nếu không làm theo ông T. sẽ bị bắt.
Quá trình gọi video qua Zalo, chúng liên tục yêu cầu ông T. đóng kín cửa và không nói cho ai biết về cuộc nói chuyện này. Cuộc hội thoại của các đối tượng với ông T. diễn ra gần 2 giờ đồng hồ. Do lo sợ và cũng để chứng minh bản thân mình không liên quan đến đường dây ma túy, ông T. đã lặng lẽ lấy 3 sổ tiết kiệm của mình, sang ngân hàng để rút tiền chuyển cho chúng.
Rất may, vợ ông T. phát hiện có sự bất thường nên gặng hỏi, đồng thời báo cho lực lượng Công an xã Thanh Liên nhờ hỗ trợ. Công an xã đã kịp thời liên lạc, đề nghị ông T. quay về trụ sở công an xã để kiểm tra.
Khi ông T. có mặt ở trụ sở công an xã, đối tượng mặc trang phục công an vẫn tiếp tục gọi video vào số Zalo của ông T. giục chuyển tiền nhưng khi phát hiện Trưởng Công an xã Thanh Liên là người nghe máy thì bọn chúng ngắt liên lạc. Vợ chồng ông T. sau đó bày tỏ cảm ơn lực lượng công an xã đã kịp thời can thiệp, ngăn chặn, giúp gia đình không mất đi khoản tiền tiết kiệm tích góp nhiều năm qua.
Trên thực tế không phải ai cũng may mắn như ông T., nhiều trường hợp khi phát hiện ra mình bị thao túng tâm lý thì sự đã rồi, tiền đã chuyển vào tài khoản của các đối tượng lừa đảo và bị chiếm đoạt.
Làm thế nào để không “sập bẫy”?
Để tránh "sập bẫy" loại tội phạm này, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng công an các cấp, quan trọng nhất là người dân phải nâng cao cảnh giác, thận trọng, bình tĩnh trước những thông tin đe dọa, uy hiếp và dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại bởi như Bộ Công an đã nêu rõ: Cơ quan công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.
Bộ Công an cũng khuyến cáo, người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi nhận các cuộc điện thoại có dấu hiệu nêu trên, người dân cần bình tĩnh, không lo sợ, nhanh chóng liên hệ với người thân, bạn bè để được tư vấn. Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.
'Tại Nghệ An, thời gian qua, các lực lượng chức năng cũng đã tăng cường công tác tuyên truyền cảnh báo cho người dân cảnh giác trước thủ đoạn mạo danh công an, viện kiểm sát, tòa án... lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng nhiều hình thức, nhất là tuyên truyền qua báo chí và các kênh thông tin trên mạng xã hội.
Bên cạnh đó, trước diễn biến phức tạp của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông và mạng internet, ngày 24/8/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Công văn số 7102/UBND-NC về việc tăng cường tuyên truyền, phòng, chống tội phạm trên không gian mạng, theo đó, yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thành phố, thị xã: Tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 19/5/2021 của UBND tỉnh về việc tăng cường các giải pháp phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; triển khai Chiến dịch “hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến” do Bộ Công an và Bộ Thông tin - Truyền thông phát động.
Trọng tâm là tăng cường tuyên truyền trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, cơ quan, đơn vị và Nhân dân về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua mạng viễn thông và mạng internet, từ đó, chủ động cảnh giác, có ý thức tự phòng, tự bảo vệ và tố giác với cơ quan chức năng khi phát hiện nghi vấn.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực thông tin, truyền thông; đồng thời, đề nghị các nhà mạng thường xuyên nhắn tin thông báo phương thức, thủ đoạn của tội phạm đến các thuê bao điện thoại; có giải pháp quyết liệt hơn trong công tác quản lý số điện thoại chính danh, xóa bỏ các thuê bao “rác”; phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an triển khai các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh đối với thuê bao mạng có dấu hiệu nghi vấn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng.
Về phía công an tỉnh, UBND tỉnh đề nghị tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng; kịp thời phát hiện, xử lý các đường dây, ổ nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Thường xuyên thông báo phương thức, thủ đoạn (nhất là phương thức, thủ đoạn mới) của tội phạm trên không gian mạng để tuyên truyền nâng cao ý thức cảnh giác cho người dân.