Cảnh giác khi mua hàng qua internet

13/12/2012 19:46

(Baonghean.vn) - Cùng với sự phát triển nhanh chóng của internet, mấy năm gần đây, việc giao dịch buôn bán trên mạng cũng trở nên phổ biến với hàng trăm mặt hàng phong phú, đa dạng.

Nói về các trang giao dịch thương mại điện tử, ngoài một số trang web có phạm vi hoạt động cả nước như rôngbay, vật giá... thì ở Nghệ An hai trang web có giao dịch nhiều nhất đó là chovinh.com và vinhtoday.vn. Vào hai trang web này người mua có thể tìm thấy đủ các loại hàng hoá như máy điện thoại, vi tính, thời trang, mỹ phẩm, giày dép, thực phẩm, bất động sản, ô tô, xe máy... Tuy nhiên, ở hai trang web này chỉ có chức năng đăng tải thông tin, còn muốn mua thì người mua trực tiếp giao dịch với người bán thông qua các thông tin mà người bán giới thiệu trên mạng. Ngoài hai trang web trên thì với tốc độ phát triển nhanh của mạng xã hội facebook, nhiều bạn trẻ thông qua đó để trao đổi mua bán trực tuyến; những người kinh doanh với quy mô nhỏ, không cần phải lập trang web, không phải mất phí đăng kí vẫn có thể chào hàng. Riêng với các doanh nghiệp, bán hàng trực tuyến thông qua các trang web vừa là một cách để giới thiệu sản phẩm hàng hoá, vừa là một cách giúp người ở xa có điều kiện mua được hàng thông qua giao dịch trên mạng.

Nhanh, tiện lợi, dễ giao dịch, bán hàng trực tuyến đang ngày càng khẳng định những lợi thế. Tuy nhiên, ở Việt Nam do hình thức này chưa phổ biến rộng rãi và chưa tổ chức chuyên nghiệp, nên nhiều khách hàng còn e ngại. Rất nhiều khách hàng phản ánh khi xem hàng qua mạng, thường bị hấp dẫn bởi những lời mời chào, hình ảnh bóng bẩy, thế nhưng đến khi giao dịch thành công, tiền đã chuyển đến, hàng về thì mới "ngã ngửa" bởi chất lượng thực và hình ảnh trên mạng khác nhau "một trời một vực". Tình trạng này, dễ xảy ra ở hàng thời trang. Bởi khi giới thiệu trên mạng, người bán thường thông qua các mẫu thời trang nước ngoài, nhưng sau đó lại bán hàng nhái, hàng kém chất lượng với kiểu dáng tương tự.

Mới đây, chị Thành ở Thị trấn Diễn Châu, sau khi tìm được một địa chỉ trên mạng giới thiệu nhiều mẫu áo quần mùa đông. Do đang chuẩn bị sang làm việc tại Anh nên chị đã đặt một lúc 7 bộ và đặt cược tiền. Thế nhưng, đến khi xem hàng thì lấy cũng không được, trả cũng không xong do hàng quá xấu. Vào các diễn đàn trên mạng cũng không khó tìm thấy những ý kiến bình luận, đa phần trong đó là khen nhiều hơn chê. Khách mua hàng điện tử, điện máy, ô tô cũng cần cẩn thận vì ngoài chất lượng hàng hóa còn cần phải kiểm tra hình thức giao, nhận hàng, thủ tục giấy tờ...

Một trong những nguyên nhân khiến các giao dịch mua bán trên mạng chưa có độ tin cậy cao, bởi hiện nay việc quản lý các trang web này còn khá lỏng lẻo. Trước đó, mặc dù theo quy định của Nhà nước: để được công nhận là website thương mại điện tử phải đăng kí với Bộ Công thương thông qua Hệ thống quản lý website thương mại điện tử Việt Nam, nhưng đến nay một số trang web hoạt động về lĩnh vực này tại Nghệ An vẫn chưa chấp hành. Do chưa được quản lý nên hiện nhiều trang hoạt động còn khá lộn xộn, nhiều trang tổ chức thu phí quảng cáo, phí giao dịch nhưng không chấp hành các quy định về Luật Quảng cáo và không thực hiện các nghĩa vụ của Nhà nước về thuế. Về phía người tiêu dùng khi chẳng may mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng cũng khó biết kêu ai.

Do có quá nhiều vấn đề xung quanh việc mua bán trực tuyến nên mới đây khi Sàn giao dịch Thương mại điện tử Nghệ An (ecna.vn) do Sở Công thương quản lý đi vào hoạt động đã thắt chặt vấn đề “chất lượng hàng hóa” nhằm bảo đảm tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ của mình chào bán trên sàn giao dịch TMĐT. Theo đó, để được đăng tải thông tin trên sàn các doanh nghiệp, cá nhân phải cung cấp đầy đủ các thông tin của đơn vị như: giấy phép kinh doanh, mã số thuế, đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật về cung cấp thông tin và giao kết hợp đồng trên webs thương mại điện tử, tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại.

Thực tế, qua gần 1 tháng hoạt động cho thấy, trong khoảng 200 yêu cầu xin được giao dịch thì chỉ có khoảng 70 đơn vị đáp ứng đủ các tiêu chí. Riêng về quyền lợi khách hàng, ông Nguyễn Xuân Thanh, Phó Ban quản trị Sàn Giao dịch Thương mại điện tử, cho biết: Tất cả các đơn vị tham gia sàn phải công bố trên mục thông tin của mình về cơ chế, quy trình cụ thể để giải quyết khiếu nại của khách hàng liên quan đến hợp đồng được giao kết trên sàn. Trường hợp có khiếu nại, khách hàng có thể trực tiếp thông tin đến doanh nghiệp theo địa chỉ doanh nghiệp đã đăng ký trên sàn hoặc liên hệ đến ban quản trị. Ban quản trị và doanh nghiệp bán hàng sẽ có trách nhiệm giải quyết khiếu nại của khách hàng theo quy định pháp luật hiện hành.


Mỹ Hà

Mới nhất
x
Cảnh giác khi mua hàng qua internet
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO