Cảnh giác với các video độc hại trên mạng xã hội
(Baonghean.vn) - Những năm gần đây, mạng xã hội ở Việt Nam phát triển bùng nổ. Những cái tên như Facebook, Zalo, Tiktok, Youtube đã trở nên quen thuộc trong đời sống. Thế nhưng, nhiều người đã lâm vào tình trạng "nghiện" mạng xã hội mà không biết. Thậm chí, một số trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng dẫn dắt thông tin, có hành động vi phạm pháp luật.
Theo thống kê mới nhất, trung bình hàng ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 tiếng 42 phút, tương đương với 1/4 ngày, để truy cập Internet trên tất cả các thiết bị. Trong đó, 2 tiếng 33 phút được dành để truy cập vào các mạng xã hội, cao hơn so với mức trung bình của thế giới là 2 tiếng 16 phút. Theo báo cáo, 76% người được khảo sát cho biết, họ sử dụng các nền tảng số để theo dõi và tương tác với bạn bè và người thân. Tiếp đến là các hoạt động cập nhật tin tức về các sự kiện đang diễn ra hoặc các tin tức giải trí, lần lượt chiếm 48% và 39% các hoạt động trực tuyến của người dùng Việt.
Facebook. Ảnh minh họa |
Theo số liệu thống kê, tính tới tháng 6/2021 của NapoleonCat (công cụ thống kê giám sát những chỉ số mạng xã hội), tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người. Con số này chiếm hơn 70% dân số cả nước, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019 và vẫn đứng vị trí số 1 trong những mạng xã hội phổ cập tại Việt Nam.
Lợi dụng sự phổ cập của mạng xã hội Facebook, các thế lực thù địch và các phần tử cực đoan, chống đối đã tăng cường chống phá với hình thức và nội dung ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Đặc biệt, từ khi xuất hiện dịch Covid-19, người dân có xu hướng dùng mạng xã hội nhiều hơn, kéo theo đó, các thông tin độc hại xuất hiện ngày càng dày đặc.
Hiện nay, trên hệ thống video (Watch) của Facebook, xuất hiện hàng chục kênh thông tin thường xuyên đăng tải những video clip có nội dung nóng, nhạy cảm. Ẩn chứa sau những video đó là âm mưu chống phá, làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước, gây hại đến mối đoàn kết toàn dân tộc. Các kênh này triệt để khai thác những sự kiện chính trị, xã hội của đất nước để biên tập bài viết, dùng trí tuệ nhân tạo (AI) để chuyển thể văn bản thành giọng nói, rồi cắt ghép các hình ảnh từ internet để dàn dựng thành video clip. Những kênh như 'Nước Mỹ trở lại”, “Tiếng nói Hoa Kỳ”, “Sự thật 24”… thường xuyên dàn dựng và đăng tải các video clip về tình hình chính trị, xã hội của đất nước Việt Nam. Trong đó, chúng dùng nhiều từ ngữ, tiếng lóng thiếu tôn trọng, mang tính châm biếm đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Nhiều kênh video độc hại đang hoạt động trên mạng xã hội. |
Nguy hiểm hơn, chúng gắn những sự kiện không liên quan với nhau để xuyên tạc, bêu rếu, làm mất uy tín của tổ chức, cá nhân. Ví dụ như vụ án liên quan đến Vạn Thịnh Phát bị xuyên tạc với chuyến công tác của các đồng chí lãnh đạo cấp cao; vụ án liên quan đến các chuyến bay giải cứu với công tác tổ chức cán bộ… Cùng với đó, chúng triệt để lợi dụng các vụ kiện tụng, các vụ án kéo dài hoặc các trường hợp bất mãn để làm nội dung chống phá.
Tinh vi hơn, trong nhiều video, chúng không trực tiếp phê phán hay nêu quan điểm mà sử dụng "chiêu thức" khơi gợi, lôi kéo người xem. Ví dụ như: Sau khi xuyên tạc việc một vụ án về đất đai, chúng đặt câu hỏi cuối clip: “Theo bạn, chính quyền như thế có đúng không?”, “Pháp luật sai hay người dân sai” hoặc “Pháp luật như thế có bảo vệ người dân được không?”... Đây là thủ đoạn rất nguy hiểm, nó khiến người xem có thái độ không thiện cảm với cách xử lý của cơ quan chức năng trong từng vụ việc. “Mưa dầm thấm lâu”, nhiều clip như thế khiến người xem nảy sinh tâm lý nghi ngờ, mất niềm tin vào hệ thống pháp luật; từ đó làm mai một niềm tin đối với Đảng…
Để chống phá, các thế lực thù địch không trừ một thủ đoạn nào. Chúng triệt để cắt ghép các hình ảnh không liên quan để xuyên tạc sự việc; sẵn sàng xâm phạm bản quyền hình ảnh và nội dụng các tờ báo, tạp chí của Việt Nam để chỉnh sửa nội dung nhằm bôi đen, vấy bẩn hình ảnh đất nước ta. Đặc biệt, nguy hiểm là thời gian gần đây, chúng xây dựng các video clip theo dạng có vẻ ca tụng chế độ, ca ngợi Đảng nhưng chèn giữa các đoạn là nhiều nội dung bóp méo sự thật, hạ thấp uy tín của Đảng và Nhà nước ta. Đây là thủ đoạn nham hiểm nhằm tránh né lực lượng an ninh mạng Việt Nam nhưng vẫn lôi kéo được người xem.
Mỗi người dân cần tự sàng lọc thông tin trên mạng xã hội để đào thải các video độc hại. Ảnh minh hoạ |
Phải thừa nhận rằng, các đối tượng này rất am hiểu trong việc dàn dựng video clip để thu hút người xem. Các hình thức đồ hoạ, kỹ xảo được sử dụng phong phú để tạo cảm giác luôn mới mẻ. Tốc độ sản xuất video của chúng cũng rất nhanh. Ngay khi báo chí trong nước đăng bài về một sự kiện, thì chỉ sau vài chục phút, các video xuyên tạc và bình luận trái chiều đã xuất hiện trên mạng xã hội. Từ đó, chúng chia sẻ và phát tán qua các hội, nhóm với mật độ ngày càng dày đặc.
Hiện nay, các thế lực thù địch đang có xu hướng liên kết các mạng xã hội để chống phá với cường độ cao. Các video độc hại trên hệ thống Watch của Facebook được tải lên hệ thống Tiktok, Youtube, Instagram,… để tiếp cận nhiều người xem hơn. Vì vậy, mỗi người cần cảnh giác cao với các video clip kiểu này, cần có sự tỉnh táo để sàng lọc thông tin khi xem và chia sẻ. Cơ quan chức năng cần có thêm các biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn việc phát tán video độc hại trên mạng xã hội.