Cảnh giác với chiêu trò hạ uy tín của Việt Nam

Trần Lâm 13/10/2022 10:19

(Baonghean.vn) - Mục tiêu của chiến lược diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch là nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, các thế lực thù địch không trừ thủ đoạn nào, đặc biệt, chúng lợi dụng sự phát triển của Internet, thường xuyên vu khống, xuyên tạc, bôi đen nhiều sự kiện của Việt Nam trên mạng xã hội.

Thủ đoạn đê hèn

Một nguyên tắc "bất di bất dịch" của chủ nghĩa đế quốc là phải xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa trên toàn thế giới. Vì thế, chiến lược diễn biến hòa bình của chúng là chưa và không dừng lại. Nhất là hiện nay, chúng đang tấn công mạnh mẽ vào các "thành trì" chủ nghĩa xã hội như Việt Nam, Trung Quốc, Cu ba… Và chúng chỉ kết thúc chiến lược diễn biến hòa bình khi thủ tiêu chủ nghĩa xã hội hiện thực, xóa bỏ các nước xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Thủ đoạn để thực hiện mục tiêu trên rất đa dạng, vừa trắng trợn, vừa tinh vi, vừa công khai, vừa lén lút. Chủ nghĩa đế quốc và các thế lực thù địch thường dùng các thủ đoạn như xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ Đảng Cộng sản, bôi nhọ chủ nghĩa xã hội, tuyên truyền tư tưởng tư sản và tô hồng, ca tụng xã hội tư sản hiện đại; bao vây, cô lập về kinh tế; đồng thời, sử dụng viện trợ để gây sức ép, thao túng, làm chuyển hóa nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo con đường tư bản chủ nghĩa. Chúng đặc biệt lợi dụng các chiêu bài tự do, dân chủ, nhân quyền, các vấn đề dân tộc, tôn giáo để kích động, gây mâu thuẫn nội bộ, lôi kéo, mua chuộc các phần tử thoái hóa, biến chất, bất mãn, bất đồng quan điểm để chống phá chủ nghĩa xã hội, xây dựng và cài cắm lực lượng chống chủ nghĩa xã hội từ trong lòng các nước xã hội chủ nghĩa...

Những năm gần đây, lợi dụng sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là Internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch thường xuyên sử dụng chiêu bài xuyên tạc, vu khống để hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Các trang tin như RFA, VOA tiếng Việt, BBC tiếng Việt liên tục đăng tải các bài viết rất phiến diện, chủ quan, thiếu căn cứ về tình hình Việt Nam.

Nhiều vụ việc nhỏ lẻ bị các thế lực phản động quy chụp thành bản chất chế độ. Ảnh chụp màn hình

Tất cả các lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại đều bị các thế lực phản động tuyên truyền với cách nhìn xám xịt, đen tối. Đặc biệt, chúng dựa vào những vụ việc đơn lẻ để quy kết thành bản chất của chế độ. Mỗi khi có một cán bộ bị xử lý kỷ luật, chúng lại rêu rao rằng đặc trưng của Nhà nước xã hội chủ nghĩa là tham ô, tham nhũng, khiến người dân mất quyền con người.

Hoặc trong các vụ án về kinh tế, chúng đăng tải hàng loạt bài bình luận dạng “bên lề” để xuyên tạc rằng nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa là sai lầm, khiến các doanh nghiệp không có điều kiện phát triển… Khi Việt Nam ứng cử làm thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, nhiệm kỳ 2023-2025, chúng lại tập trung bêu rếu, vu khống, xuyên tạc về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Từ các vụ việc nhỏ lẻ như Cấn Thị Thêu, Phạm Thị Đoan Trang, Nguyễn Thuý Hạnh, chúng quy chụp rằng xã hội Việt Nam đang ngày càng mất nhân quyền…

Thực tiễn Việt Nam đập tan luận điệu xuyên tạc

Tất cả những sự xuyên tạc kệch cỡm của các thế lực thù địch đều không nằm ngoài mục đích hạ uy tín của Việt Nam. Từ những lời nói dối, bịa đặt, chúng vẽ lên bức tranh chế độ xã hội chủ nghĩa xám xịt, bi quan; từ đó, tác động vào các tầng lớp, thành phần xã hội để gây nên “tự diễn biến” từ từ, thầm lặng, làm mục ruỗng chế độ xã hội chủ nghĩa từ bên trong, dẫn tới “tự chuyển hóa”, làm sụp đổ chế độ xã hội chủ nghĩa.

Tuy nhiên, những âm mưu thâm độc của chúng đã bị bác bỏ bằng hiện thực ở Việt Nam. Hình ảnh và uy tín của Việt Nam đã được nâng cao trên trường quốc tế. Bạn bè quốc tế từng biết đến Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, nhưng cũng là một dân tộc bất khuất trong cuộc chiến giành độc lập. Giờ đây, Việt Nam còn được nhận diện là một quốc gia có nhiều thành tựu trong quá trình đổi mới đặc biệt là phát triển mạnh mẽ kinh tế xã hội, trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, là đối tác thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới.

Việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc đã đập tan mọi luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Sau 8 năm cử các lực lượng tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, Việt Nam đã lan tỏa được thông điệp về một đất nước yêu chuộng hòa bình, năng động, luôn sẵn sàng đóng góp nhiều hơn nữa cho công việc chung của Liên hợp quốc vì hòa bình, an ninh và phát triển. Hình ảnh đất nước cờ đỏ sao vàng đã trở thành sứ giả của hòa bình ở vùng đất châu Phi. Họ biết về đất nước Việt Nam thân thiện, yêu chuộng hòa bình, nhân văn, sẵn sàng chung tay giải quyết các vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt... Từ đó, Việt Nam đã được cộng đồng quốc tế đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao. Uy tín của Việt Nam được khẳng định qua cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 7/6/2022. Các quốc gia đã đồng thuận bầu Việt Nam trở thành một trong những Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77 đại diện cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Việt Nam đảm nhiệm vị trí này trong 1 năm kể từ ngày 13/9/2022.

Gần đây nhất, ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đây là lần thứ 2, Việt Nam trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Kết quả đó cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.

Cảnh giác cao với thủ đoạn mới

Hiện nay, khi biết không thể phủ nhận những điều tốt đẹp mà chế độ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam đang mang lại, các trang web phản động chuyển hướng, thành lập các chuyên mục như “chuyện thâm cung bí sử”, “góc khuất Việt Nam”, “hồ sơ chưa công bố”, “chuyện bên lề”.. để lôi kéo người đọc.

Nhiều chuyên mục có nội dung tò mò được các trang tin phản động xây dựng nhằm lôi kéo người xem. Ảnh chụp màn hình

Nội dung các bài viết này được chúng bịa đặt về thân thế, gia đình của các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhằm hạ uy tín, từ đó bêu xấu chế độ chính trị ở Việt Nam, khiến người đọc dần dần mất niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Nguy hiểm hơn, chúng còn cắt ghép các hình ảnh rồi chuyển thể các bài viết thành video clip để đăng tải tràn lan trên Youtube, Facebook Watch, Tiktok, Dailymotion… Rất nhiều clip độc hại có giọng đọc của trí tuệ nhân tạo (AI) đã thâm nhập vào các hội nhóm trên facebook để tác động đến tâm lý người xem, nhất là lớp trẻ. Đây là thủ đoạn khá tinh vi, rất cần mỗi người dân nâng cao cảnh giác và các đơn vị chức năng kịp thời ngăn chặn.

Cảnh giác với chiêu trò hạ uy tín của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO