Cảnh giác với những luận điệu sai lệch, chống phá công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực
(Baonghean.vn) - Một trong những ‘kịch bản’ của chiến lược diễn biến hòa bình là lợi dụng các sự kiện chính trị quan trọng của Đảng, Nhà nước Việt Nam để tạo cớ xuyên tạc, chống phá.
Liên quan đến Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, trước và sau Hội nghị, các thế lực thù địch, phản động, chống đối cũng tạo ra các luận điệu sai lệch, xuyên tạc để chống phá, nhất là trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Vì vậy, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân cần hết sức cảnh giác.
Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII (từ ngày 04 đến 10/5/2022), đã thông qua nhiều nội dung quan trọng, có ý nghĩa trước mắt và lâu dài đối với sự phát triển của đất nước như: Vấn đề quản lý và sử dụng đất đai; nông nghiệp, nông dân, nông thôn; phát triển kinh tế tập thể; xây dựng tổ chức cơ sở đảng và đảng viên kết quả kiểm điểm, tự phê bình và phê bình của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2021; bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Ảnh: Internet |
Nhiều hãng truyền thông chính thống quốc tế đánh giá cao những nội dung mà Hội nghị Trung ương 5 thông qua. Kết quả của hội nghị Trung ương lần này đã thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng "nói đi đôi với làm", cụ thể hóa quan điểm, định hướng trên 06 vấn đề quan trọng. Tuy nhiên, một số kênh truyền thông có cái nhìn thiếu thiện cảm với Việt Nam như Đài Á châu tự do- RFA, BBC Tiếng Việt, Đài VOA… cùng các trang mạng của tổ chức phản động lưu vong như Việt Tân, Chân trời mới media đã đăng tải nhiều bài viết, thông tin, đánh giá mang tính chất xuyên tạc, hướng lái tiêu cực trong dư luận.
Trên các hội, nhóm, các mạng xã hội, những phần tử cực đoan thường tung ra những thông tin mang tính suy diễn, quy chụp để gây hoang mang dư luận. Từ đó, chúng tạo lập các luồng bình luận nhằm nhiễu loạn thông tin, biến sai thành đúng, đổi trắng thay đen. Các đối tượng phản động triệt để lợi dụng vấn đề phòng chống tham nhũng, tiêu cực để xuyên tạc, tạo cớ chống phá.
Chúng rêu rao rằng công cuộc chống tham nhũng không hiệu quả, rằng “việc đốt lò không như ý” hoặc “Phòng chống tham nhũng vẫn theo cách cũ thì hiệu quả không thể bền vững”. Trang RFA thực hiện hàng loạt bài viết mang tính quy chụp, thiếu thực tế về tình hình đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực tại Việt Nam; cho rằng việc chống tham nhũng chỉ là “triết lý giáo điều”, là “tỉa nhánh cho cây sum suê hơn”…
Nhiều phần tử cực đoan và đối tượng cơ hội chính trị liên tục đưa ra các bình luận trái chiều nhằm phủ nhận sạch trơn công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam như: “tham nhũng tại Việt Nam như một con virus ăn sâu vào tế bào của Đảng Cộng sản, từ trên xuống dưới”; “Việt Nam chống tham nhũng loay hoay như con kiến cành đa”. Chúng dựng lên các chuyên gia rồi đăng tải một số bài viết cho rằng việc thành lập ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là “thất bại” của Việt Nam, là bước “thụt lùi” trong đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Rõ ràng, những luận điệu nói trên là hết sức phi lý, suy diễn vô căn cứ nhằm bôi nhọ Đảng Cộng sản và Nhà nước Việt Nam.
Trang RFA và các trang web phản động có nhiều bài viết quy chụp xuyên tạc về công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực ở VN. |
Thực tế chứng minh rằng, tham nhũng không phải là “sản phẩm riêng” của Việt Nam mà nó diễn ra ở tất cả các quốc gia trên thế giới, là một vấn nạn mang tính chất toàn cầu. Điều này đã được nhìn nhận rõ trong Công ước quốc tế về chống tham nhũng năm 2003: “Không còn là một vấn đề, tham nhũng là hiện tượng hiện đang vượt qua các biên giới quốc gia và ảnh hưởng đến mọi xã hội và nền kinh tế, nên hợp tác quốc tế nhằm ngăn ngừa và kiểm soát tham nhũng là yêu cầu cấp thiết”.
Theo một số nghiên cứu mới đây, vấn nạn tham nhũng ở gần một nửa số quốc gia trên thế giới không được cải thiện nhiều. Thậm chí ở nhiều quốc gia, nạn tham nhũng đang ngày càng tăng lên, gây ảnh hưởng đến hầu hết mọi khía cạnh của cuộc sống giữa các dân tộc ở mọi châu lục.
Thời gian qua, công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam đã được thực hiện một cách quyết liệt, đúng hướng, mang lại hiệu quả tích cực. Từ đầu năm 2022 đến nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã theo dõi, chỉ đạo khởi tố mới 4 vụ án với 23 bị can, khởi tố mới 7 bị can trong 3 vụ án, khởi tố bổ sung tội danh 4 bị can trong 2 vụ án; kết thúc điều tra, điều tra bổ sung 5 vụ án/134 bị can; truy tố 3 vụ án/34 bị can; xét xử sơ thẩm 2 vụ án/14 bị cáo, xét xử phúc thẩm 1 vụ án/4 bị cáo. Trong đó, có 8 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý.
Về vấn đề này, sau khi nghiên cứu, đánh giá, thảo luận, cân nhắc một cách kỹ lưỡng, 63/63 tỉnh, thành ủy, Ban Chấp hành Trung ương đã bàn và thống nhất rất cao về chủ trương thành lập Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đây là tiền đề để cả nước phát huy mạnh mẽ hơn nữa những kết quả đã đạt được, đưa công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực vừa lan tỏa về chiều rộng, vừa đi vào chiều sâu.
Việc Trung ương quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là thể hiện quyết tâm không khoan nhượng, bao che với tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực được thực hiện thông suốt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, giúp cho “trên dưới đồng lòng, dọc ngang sáng suốt”, đẩy lùi tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.
Chưa bao giờ công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực lại được chỉ đạo mạnh mẽ, đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả như thời gian vừa qua; để lại dấu ấn nổi bật trong cộng đồng quốc tế, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội và củng cố, tăng cường niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Đây là một công cuộc bền bỉ, lâu dài, đòi hỏi nỗ lực không mệt mỏi của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Tham nhũng nhất định sẽ bị ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân.