Cảnh giác với thông báo giả mạo thanh tra gửi đối tượng chính sách
(Baonghean.vn) - Thời gian gần đây, đã có trường hợp đối tượng chính sách bị gửi thông báo giả mạo cơ quan Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc cắt chế độ. Điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý xã hội, nhất là đối với những người có công đang được hưởng chế độ chính sách.
THÔNG BÁO GIẢ
Theo thông tin chúng tôi nhận được, vào cuối tháng 1/2024, một đối tượng chính sách trên địa bàn huyện Diễn Châu đã nhận được một tờ thông báo của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội qua đường bưu điện. Tờ thông báo này đề ngày 18/1/2024, nhưng không có số; nội dung nêu: “Theo chỉ thị Thủ tướng Chính phủ - Liên bộ Lao động - Thương binh và Xã hội BQP - BCA. Kiểm tra rà soát các hồ sơ người hưởng chế độ, người có công với cách mạng, các thời kỳ chiến tranh, kháng chiến, Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo thanh tra tổng thể, dùng máy bắn tia laze soi chuẩn, phát hiện nhiều hồ sơ tự khai cùng hai người làm chứng sai lệch vận dụng sửa chữa để cho trùng khớp đơn vị C, D. Đó là sai với Thông tư 16 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quy định”.
Để tăng tính xác thực, thông báo này còn nêu: “Qua kiểm tra bắn tia laze soi hồ sơ hai người làm chứng sửa hồ sơ để khớp đơn vị C, D hợp lý hóa quá trình công tác, sai với chủ trương và thông tư Chính phủ và liên Bộ quy định. Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ cắt chế độ của ông P.X.L (người nhận được thông báo)”.
Sau khi nhận được thông báo này, bản thân đối tượng chính sách thực sự hoang mang, bởi việc nhận được thông báo cắt chế độ mình đã hưởng từ lâu là điều bất ngờ. Chưa kể, thông báo này lại được gửi qua đường bưu điện, đến tận địa chỉ nhà và biết rõ chế độ chính sách mà đối tượng chính sách đang được hưởng. Dù động cơ, mục đích của việc làm giả thông báo này chưa rõ ràng, nhưng điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý xã hội, nhất là đối với những người có công đang được hưởng chế độ chính sách.
Từ tờ thông báo đáng ngờ nói trên, chúng tôi đã tìm đến ông Hoàng Ngọc Châu - Trưởng phòng Người có công, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An. Sau khi xem xét tờ thông báo, ông Châu khẳng định rằng, chỉ nhìn bằng mắt thường đã biết văn bản này là giả, bởi thể thức trình bày văn bản đã sai với quy định, hơn nữa văn bản này không có số. Chưa kể, nếu có thông báo của đoàn thanh tra thì cũng sẽ gửi về sở chứ không phải gửi về trực tiếp cho đối tượng như trên. Ông Châu nhận định, có thể đối tượng lừa đảo dùng thông báo giả mạo để đe dọa, sau đó ép người dân chuyển tiền vào tài khoản. Nếu người dân không tỉnh táo thì chắc chắn sẽ rơi vào bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Thực tế trong thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, việc người dân bị các đối tượng mạo danh cơ quan Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án, cơ quan thanh tra hay người quen lãnh đạo cấp cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản đã xảy ra nhiều lần. Trong đó, các đối tượng lừa đảo đã làm giả các thông báo xử phạt, thông báo truy thu nợ, thông báo thu hồi chế độ chính sách… để gửi cho người dân, sau đó thì gọi điện thoại yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để xử lý êm đẹp mà không cần phải phiền đến cơ quan chức năng. Điều này đã khiến dư luận bức xúc, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và đời sống nhân dân.
CẢNH BÁO
Làm việc với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Diễn Châu, chúng tôi được biết, cơ quan này cũng đã nhận được thông tin về việc đối tượng chính sách trên địa bàn nhận được thông báo giả mạo của cơ quan chức năng trong việc cắt chế độ chính sách. Đồng thời đã kiểm tra, rà soát và thông báo tới chính quyền các xã, thị trấn nhằm cảnh báo người dân.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Diễn Châu, cho biết: Trên thực tế vào năm 2023, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có đoàn thanh tra về việc thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; quản lý, sử dụng kinh phí ưu đãi người có công với cách mạng và kinh phí hỗ trợ công tác mộ liệt sĩ, công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn Nghệ An. Trong đó, tại huyện Diễn Châu có hơn 1.000 đối tượng chính sách cũng được rà soát hồ sơ. Ngay sau đó, thực hiện Kết luận thanh tra số 266/KL-TTr ngày 30/11/2023 của Thanh tra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, vào ngày 22/1/2024 UBND huyện cũng đã tổ chức buổi làm việc công khai với các đối tượng có Quyết định chấm dứt chế độ, do hồ sơ vùng miền còn thiếu, và những đối tượng vắng mặt không tham dự thực chứng theo Kết luận của Thanh tra Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, sau đó đã hướng dẫn các đối tượng bổ sung các hồ sơ còn thiếu. Ngoài ra, không có bất cứ văn bản hay thông báo nào khác.
Trước thực trạng xuất hiện văn bản của Bộ Quốc phòng và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để lừa đảo các đối tượng chính sách và có thể nhằm trục lợi bất chính, ngày 2/2/2024, UBND huyện Diễn Châu đã ban hành Văn bản số 314/UBND-LĐTBXH yêu cầu các xã, thị trấn thực hiện một số nội dung, như: công khai tuyên truyền chế độ chính sách, tập trung tuyên truyền về các thủ đoạn giả mạo giấy tờ để người dân nắm bắt và tránh bị đối tượng lừa đảo trục lợi.
UBND huyện Diễn Châu cũng lưu ý, các đối tượng chính sách nếu có nộp hồ sơ bổ sung, chỉ nộp về công chức Văn hóa - Xã hội phụ trách chính sách hoặc trực tiếp nộp về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài ra không nộp hồ sơ cho bất kỳ cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào. Tránh việc bị các đối tượng là “cò” chế độ chính sách lừa đảo.
Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Diễn Châu cho biết thêm, sau khi nắm bắt thông tin và kịp thời tuyên truyền, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện không thấy có phản ánh nào thêm về việc bị các đối tượng lừa đảo đe dọa trục lợi nào khác.