Pháp luật

Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng tâm linh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Khánh Ly 09/06/2024 07:08

Thời gian gần đây, lợi dụng các dịch vụ tâm linh, niềm tin tôn giáo và sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân, nhiều đối tượng đã sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn để lừa đảo chiếm đoạt tài sản với quy mô lớn.

Nhận diện các chiêu thức lừa đảo mới

Mới đây (ngày 30/5/2024), Công an huyện Nghi Lộc đã chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan phá thành công chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa bán các tượng cổ hình Thánh Giuse, Đức mẹ mân côi, Đức mẹ ban ơn… cho người dân, các chức sắc, chức việc tại các nhà thờ, giáo xứ trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, chiếm đoạt số tiền hàng tỷ đồng.

Tang vật chuyên án cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh tư liêu văn hâu
Tang vật chuyên án lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa bán các tượng cổ bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Đây là phương thức lừa đảo mới, thủ đoạn rất tinh vi, lợi dụng niềm tin tôn giáo của các bị hại để thực hiện hành vi phạm tội, ảnh hưởng tới tình hình an ninh trật tự, gây bức xúc trong nhân dân. Đối tượng bị bắt là Võ Văn Kiên, trú tại thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh; tang vật thu giữ gồm 9 pho tượng bằng đồng, 3 điện thoại di động và nhiều vật chứng có liên quan khác.

Trước đó, Công an huyện Nghi Lộc nhận được tin báo của một phụ nữ trú tại huyện Nghi Lộc về việc vào giữa tháng 4/2024, có 2 người đàn ông lạ mặt đã chủ động tiếp xúc và giới thiệu họ có đào được các tượng hình Thánh Giuse, Đức mẹ mân côi, Đức mẹ ban ơn, sau đó bán lại cho chị với số tiền 177 triệu đồng.

Quá trình xác minh, Ban chuyên án xác định 2 đối tượng lừa bán các tượng cổ trên là: Võ Văn Kiên, trú tại phường Gia Lộc, thị xã Trảng Bàng và Nguyễn Chí Tâm, trú tại xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh.

Đối tượng cầm đầu đường dây lừa bán tượng cổ Nguyễn Văn Kiên. anh tư liêu hồng hanh
Đối tượng cầm đầu đường dây lừa bán tượng cổVăn Kiên. Ảnh tư liệu: Hồng Hạnh

Ban chuyên án đã cử các tổ công tác vào tỉnh Tây Ninh để xác minh. Tuy nhiên, việc bắt giữ gặp rất nhiều khó khăn do các đối tượng di chuyển và lẩn trốn tại Campuchia, thường xuyên thay đổi số điện thoại, cách thức liên lạc về gia đình. Với quyết tâm tấn công tội phạm, ngày 30/5/2024, tại thị xã Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh, lực lượng chức năng đã bắt giữ thành công đối tượng Võ Văn Kiên về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tại cơ quan Công an, Kiên khai nhận từ đầu năm 2024 đến nay đã cùng với Nguyễn Chí Tâm bàn bạc, thống nhất tìm mua các pho tượng đồng với giá từ 1 đến 1,5 triệu đồng, tự chế tác thêm các chữ, số “24-12-1728”; “GOLD 14K” để ngụy tạo nguồn gốc tượng là “đồ cổ”, làm bằng vàng, bạc có giá thành cao. Sau đó, tìm đến các cơ sở giáo xứ, nhà thờ để lừa bán lại với giá từ 15 đến 20 triệu đồng/tượng.

Bằng phương thức, thủ đoạn lừa đảo như trên, các đối tượng đã đi đến nhiều tỉnh, thành như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Huế, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh... tìm đến các giáo xứ, giáo họ, trung tâm sinh hoạt tôn giáo của đạo Công giáo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều bị hại với số tiền khoảng 2 tỷ đồng.

Trong đó, có vụ lừa đảo chiếm đoạt 177 triệu đồng của người dân tại huyện Nghi Lộc vào giữa tháng 4/2024. Hiện, Công an huyện Nghi Lộc đang tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án.

Đáng chú ý, một số kẻ xấu còn lợi dụng các trang web, tài khoản mạng xã hội quảng cáo rầm rộ các "dịch vụ tâm linh”, qua đó lừa đảo tiền bạc từ trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan.

Điển hình ngày 19/5/2024, Công an thị xã Thái Hòa đã phá thành công chuyên án, triệt xóa ổ nhóm chuyên lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức rao bán các loại “bùa ngải” trên mạng xã hội với giá “cắt cổ”.

so-luong-bua-ngai-bi-thu-giu.-anh-phan-tuyet(1).jpeg
Số bùa ngải bị lực lượng chức năng thu giữ. Ảnh tư liệu: Phan Tuyết

Trong 6 năm, các đối tượng đã thực hiện việc bán “bùa” cho hàng nghìn người trên khắp cả nước với tổng số tiền thu lợi hơn 86 tỷ đồng. 4 đối tượng bị bắt gồm: Nguyễn Văn Kiên (SN 1987), Lê Thị Lan (SN 1985) - vợ Kiên, cùng trú tại xã Nghĩa Mỹ, thị xã Thái Hòa; Vy Thị Hường (SN 1963) - mẹ vợ của Kiên, trú tại xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp và Lê Đình Quý (SN 1991), trú tại phường Lê Lợi, thành phố Vinh.

Tang vật thu giữ gồm 1 máy tính xách tay, 10 điện thoại di động, các “bùa ngải”, vật dụng để làm “bùa ngải” và các sổ sách ghi bằng tiếng dân tộc…

Nguyễn Văn Kiên - đối tượng cầm đầu ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh Phan Tuyết
Nguyễn Văn Kiên - đối tượng cầm đầu ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu: Phan Tuyết

Tại cơ quan điều tra, các đối tượng khai nhận đã sử dụng nhiều số điện thoại, đăng ký nhiều nền tảng mạng xã hội (Telegram, Facebook, Zalo) để rao bán các loại “bùa ngải”, như: “bùa giữ người yêu”, “bùa giữ vợ, giữ chồng”, “bùa ghét”, “bùa nghe lời”, “bùa làm ăn”… với giá từ 9,9 đến 10,9 triệu đồng/“bùa”. Sau khi có người kết nối, đối tượng sẽ tiến hành làm “bùa” từ ngải cứu, gừng, muối, thảo mộc… và gửi cho bị hại.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định từ năm 2018 đến nay các đối tượng đã thực hiện việc bán “bùa ngải” cho hàng nghìn người trên khắp cả nước, tổng số tiền thu lợi hơn 86 tỷ đồng. Hiện chuyên án đang được điều tra, mở rộng.

3 trong 4 đối tượng trong đường dây lừa bán bùa ngải tại cơ quan điều tra. ảnh Hồ Hưng
3 trong 4 đối tượng trong đường dây lừa bán bùa ngải tại cơ quan điều tra. Ảnh tư liệu: Hồ Hưng

Những vụ việc tương tự diễn ra khá nhiều trong thời gian cho thấy, các đối tượng lừa đảo thường lợi dụng đức tin hoặc sự mê tín của người bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo.

Điển hình như đối tượng Trần Thị Soa (SN 1985), quê xã Tiến Thành, huyện Yên Thành. Do có mối quan hệ thân thiết với chị T.T.Q. trú tại thị xã Thái Hòa, bởi chị Q. là người rất tin vào chuyện tâm linh nên thường nhờ Soa xem bói, làm lễ... Nên vào tháng 5/2023, sau khi đầu tư chứng khoán thua lỗ Soa đã nảy sinh ý định lợi dụng chị Q. để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

doi-tuong-tran-thi-soa.-anh-tu-lieu-van-hau(1).jpeg
Đối tượng Trần Thị Soa. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Từ ngày 14 -16/5/2023, lấy lý do chị Q. và con trai chị gặp nạn, “phải đặt tiền làm lễ đáo cung, cắt vía âm, đổi vía dương”, Trần Thị Soa đã 03 lần lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của chị Q. với tổng số tiền 1,63 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền lừa đảo chiếm đoạt của nạn nhân được Soa đầu tư vào chứng khoán sau đó thua lỗ, mất trắng. Ngày 30/10/2023, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) bắt giữ Trần Thị Soa về hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Kết hợp xử lý nghiêm với tuyên truyền nâng cao cảnh giác

Tại khoản 5 Điều 5 Luật Tín ngưỡng tôn giáo năm 2016 quy định: Hành vi lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo để trục lợi là hành vi bị nghiêm cấm.

Theo đó, hành vi lợi dụng tâm linh, niềm tin tôn giáo để lừa đảo dưới bất kỳ hình thức nào cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Theo Tiến sĩ Luật sư Trọng Hải- Giám đốc Công ty Luật Trọng Hải và Cộng sự: Tùy theo mức độ vi phạm, hành vi lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản sẽ bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, về xử lý hành chính: Khoản 2, Điều 15 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định “Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi: Lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi”.

uploaded-myhabna-2023_04_18-_bna-luat-su-trong-hai-1047(1).jpeg
Tiến sĩ, luật sư Nguyễn Trọng Hải- Giám đốc Công ty Luật Trọng Hải và Cộng sự. Ảnh: MH

Về xử lý hình sự : Hành vi lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi, chiếm đoạt tài sản của người khác từ 02 triệu đồng trở lên hoặc dưới 02 triệu nhưng thuộc các trường hợp đặc biệt có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự mức xử phạt thấp nhất là cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm; mức phạt cao nhất lên đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Bên cạnh đó, người phạm tội còn có thể bị áp dụng một trong những hình phạt bổ sung là phạt tiền đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tịch thu tài sản.

Ngoài ra, hành vi lừa đảo tâm linh còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015.

co-quan-chuc-nang-lam-viec-voi-tran-thi-soa.-anh-tu-lieu-van-hau(1).jpeg
Cơ quan chức năng làm việc với Trần Thị Soa trú tại xã Tiến Thành, huyện Yên Thành về hành vi lợi dụng tâm linh lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu: Văn Hậu

Trước thực tế gia tăng các vụ việc lợi dụng tâm linh, niềm tin tôn giáo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, bên cạnh việc xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thời gian qua, ngành chức năng cũng đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân.

Tháng 4/2024, trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an đã cảnh báo người dân cảnh giác với thủ đoạn lừa đảo bằng hình thức tâm linh qua mạng xã hội. Theo Bộ Công an, thời gian gần đây, tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản có xu hướng diễn biến phức tạp, khó lường, gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, có chiêu trò lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng hình thức "dịch vụ tâm linh" (bói toán, xem tử vi, giải hạn, cầu tài lộc, tư vấn mua "lá bùa" cầu tài lộc...).

Cơ quan Công an khuyến cáo, người dân khi dùng mạng xã hội cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước những chiêu trò lợi dụng tâm linh, văn hóa bản sắc dân tộc… để trục lợi.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với loại tội phạm này, ngành chức năng cần tiếp tục định hướng hoạt động tín ngưỡng, tâm linh của người dân theo đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc và phù hợp với quy định của pháp luật.

Về phía người dân, khi phát hiện những trường hợp có dấu hiệu lừa đảo, cần kịp thời thông báo với cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý, tránh để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Mới nhất

x
Cảnh giác với thủ đoạn lợi dụng tâm linh để lừa đảo chiếm đoạt tài sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO