Pháp luật

Cảnh giác với tình trạng mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả

Gia Huy 27/10/2024 10:35

Thời gian qua, tình trạng làm, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả diễn biến phức tạp, đặc biệt là hành vi sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, gây ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự.

Sử dụng chứng chỉ giả để xin việc

Dù các cơ quan chức năng đã xử phạt, đồng thời lên tiếng cảnh báo nhưng tình trạng sử dụng giấy tờ giả nhằm đạt được những mục đích cá nhân vẫn diễn ra.

Mới đây, ngày 18/10/2024, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh đã ký các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các ông N.V.Đ (SN 1981) trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên; N.C.T (SN 1994) trú tại xóm 1, xã Xuân Lâm, huyện Nam Đàn vì sử dụng chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ giả.

nghiep-vu-bao-ve-mn-1-.jpg
Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ. Ảnh tư liệu minh hoạ

Theo đó, mỗi người bị phạt tiền với mức phạt 30 triệu đồng theo quy định tại điểm e khoản 5 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình và khoản 4 điều 23 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 (được sửa đổi năm 2020).

Hình thức xử phạt bổ sung, tịch thu tang vật vi phạm hành chính (gồm chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ giả mang tên N.V.Đ và N.C.T đang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hưng Nguyên tạm giữ); quy định tại điểm d khoản 6 Điều 12 Nghị định số 144/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ.

Công ty thuê ông N.V.Đ và ông N.C.T làm việc cũng bị phạt 15 triệu đồng vì sử dụng nhân viên dịch vụ bảo vệ chưa được cấp Chứng chỉ nghiệp vụ bảo vệ.

uploaded-khanhlybna-2023_08_01-_bna-tang-vat-7068-9407-3221.jpeg
Các chứng minh nhân dân giả (tang vật một vụ án). Ảnh tư liệu: Hồ Hưng

Theo ngành chức năng, hiện nay các đối tượng làm giả giấy tờ sử dụng thiết bị máy móc, công nghệ hiện đại nên các "sản phẩm" giả được làm hết sức tinh vi, từ dấu giáp lai, dấu nổi cho đến dấu chìm trên giấy đều rất giống con dấu thật.

Các loại giấy tờ được làm giả ngày càng đa dạng như căn cước công dân, giấy khám sức khoẻ, giấy phép lái xe, các loại văn bằng, chứng chỉ, thậm chí có cả Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ công chứng, vi bằng của cơ quan chức năng…

Sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo

Nhiều đối tượng đã sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, nhất là trên lĩnh vực đất đai.

Điển hình ngày 10/9/2024, TAND tỉnh Nghệ An mở phiên tòa sơ thẩm xét xử và tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Hưng (SN 1991), trú xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu 16 năm tù về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và 6 năm tù về tội “Làm giả tài liệu của cơ quan tổ chức; Sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.

Theo kết quả điều tra, Lê Thanh Hưng tự nhận có khả năng giải quyết thủ tục "trọn gói" về đất đai như: Làm hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thay đổi thông tin trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, làm hồ sơ xin tách thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

images1887288_z4776183386906_972e17d40aeccbacc2ff672e16fea6f1.jpg
Cơ quan chức năng làm việc với đối tượng Lê Thanh Hưng trú tại xã Diễn Kỷ, huyện Diễn Châu về hành vi sử dụng con dấu, tài liệu giả lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Ảnh tư liệu: Phạm Thuỷ

Để bị hại tin tưởng, sau khi nhận tiền, Hưng làm giả giấy biên nhận hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, sử dụng con dấu giả của ngành chức năng đóng dấu để đưa cho bị hại. Bên cạnh đó, lên mạng xã hội đặt làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất rồi đưa cho các nạn nhân.

Bằng thủ đoạn trên, Hưng đã lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của 6 bị hại với tổng số tiền hơn 2,7 tỷ đồng.

Trước đó, Công an huyện Diễn Châu cũng đã phá chuyên án, bắt giữ một “nữ nhà báo rởm” là Nguyễn Thị Vân Anh (SN 1976, trú trên địa bàn xã) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; thu giữ 53 sổ đỏ và 2 điện thoại di động.

doi-tuong-nguyen-thi-van-anh(1).jpg
Đối tượng Nguyễn Thị Vân Anh. Ảnh tư liệu: CTV

Theo đó, Vân Anh đã giả danh phóng viên của một tờ báo lớn, đưa ra thông tin gian dối có mối quan hệ quen biết với nhiều cán bộ là lãnh đạo ở Trung ương và tỉnh Nghệ An để nhận làm thủ tục chuyển đổi đất nông nghiệp trái phép sang đất ở lâu dài cho 5 bị hại, trú tại địa bàn huyện Diễn Châu và một số địa phương khác; trong đó, các bị hại đã chuyển cho đối tượng hơn 9 tỷ đồng.

Điều đáng nói là các bị hại sử dụng sổ đỏ giả do Nguyễn Thị Vân Anh làm ra để xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và đối phó với chính quyền địa phương gây ra nhiều hệ lụy phức tạp.

giay-chung-nhan-quyen-su-dung-dat-nguyen-thi-van-anh-nhan-lam-cho-cac-bi-hai.(1).jpg
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Nguyễn Thị Vân Anh nhận làm cho các bị hại. Ảnh tư liệu: CTV

Bên cạnh đất đai, thời gian gần đây còn xảy ra một số vụ việc sử dụng giấy tờ giả lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến xe ô tô. Điển hình như vụ việc Trần Thị Lan Anh (SN 1994), trú xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu- nhân viên quản lý của một cửa hàng thu mua xe cũ và cho thuê xe trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu, trong quá trình tiếp nhận hồ sơ bán xe và thuê lại xe của khách đã gian dối, làm giả giấy đăng ký xe của 260 bộ hồ sơ để chiếm đoạt của cửa hàng này hơn 3 tỷ đồng.

lan-anh(1).jpg
Đối tượng Trần Thị Lan Anh. Ảnh tư liệu: Quỳnh Trang

Đầu năm 2024, Cơ quan CSĐT Công an huyện Quỳnh Lưu đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Trần Thị Lan Anh về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.

giay-to-gia-bi-thu-giu(1).jpg
Giấy tờ giả bị cơ quan chức năng thu giữ. Ảnh tư liệu: Quỳnh Trang

Trước đó, Công an huyện Quỳnh Lưu đã triệt phá đường dây thuê xe ô tô, làm giả giấy tờ để cầm cố, chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng hoạt động tại nhiều địa bàn thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa…

Cầm đầu đường dây trên là Đậu Đức Bằng (SN 1991), trú tại xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu và Nguyễn Ngọc Tĩnh (SN 1991), trú tại phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai.

images1759524_z3739428080398_604d7e769d1d0fb2c1a8c8be44791a85(1).jpg
Công an huyện Quỳnh Lưu làm việc với đối tượng Bằng về quá trình sử dụng giấy tờ giả mua bán xe ô tô của các cơ sở cho thuê xe. Ảnh tư liệu minh hoạ Văn Hậu

Để tạo niềm tin cho bị hại, các đối tượng đóng vai những doanh nhân trẻ thành đạt, chuyên làm các dự án lớn. Đồng thời, lên mạng tìm kiếm những công ty, cửa hàng kinh doanh chuyên cho thuê ô tô tự lái ở nhiều tỉnh, thành để thuê xe.

Sau khi thuê được, bọn chúng đưa về Nghệ An rồi làm giả các loại giấy tờ như giấy mua bán xe, chuyển nhượng xe, giấy uỷ quyền về việc mua bán xe, sau đó bán cho Hồ Trọng Tâm (SN 1989), trú tại xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu để lấy tiền chia nhau.

Sản xuất giấy tờ giả để trục lợi

Hiện nay, nắm bắt nhu cầu và lợi dụng công nghệ 4.0, các đối tượng thường thông qua mạng xã hội ngang nhiên rao bán, mời chào dịch vụ làm giấy tờ giả với nhiều thủ đoạn tinh vi.

Người thuê làm giấy tờ giả chỉ cần liên hệ qua tin nhắn Zalo, Facebook là có giấy tờ, tài liệu giả giống hệt như giấy tờ, tài liệu thật, bằng mắt thường khó phát hiện được.

3ddc201b5811e04fb900.jpg
Một trang rao dịch vụ làm bằng cấp trên mạng.

Một số trường hợp, do sự lỏng lẻo của cơ quan, tổ chức trong việc quản lý con dấu, giấy tờ, tài liệu nên một số lượng lớn giấy tờ bị làm giả tuồn ra ngoài (chữ ký, con dấu thật nhưng nội dung giả).

Khi có được các tài liệu giả này, các đối tượng đã sử dụng vào các mục đích trái pháp luật khác nhau như: Thông qua các giao dịch dân sự, các giao dịch khác liên quan đến các tổ chức tín dụng, văn phòng công chứng (chủ yếu là các giao dịch liên quan đến đất đai) và thậm chí là các cơ quan Nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc để thực hiện một số lợi ích trái pháp luật khác.

uploaded-khanhlybna-2023_08_01-_co-quan-cong-an-lam-viec-voi-thai-thanh-minh-doi-tuong-cam-dau-o-nhom-lam-gia-con-dau-tai-lieu-cua-co-quan-to-chuc-voi-so-luong-lon-anh-van-hau-9572(1).jpeg
Cơ quan Công an làm việc với Thái Thanh Minh - đối tượng cầm đầu ổ nhóm làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức với số lượng lớn. Ảnh tư liệu Văn Hậu

Việc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả gây thiệt hại rất lớn. Nhiều người dân đã mất tiền oan vì tin vào những Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Hợp đồng tuyển dụng lao động giả...

Vì vậy, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều giải pháp đấu tranh với loại tội phạm này. Điển hình năm 2023, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an Nghệ An) đã bắt giữ 3 đối tượng cùng trú tại thành phố Vinh về hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức gồm: Thái Thanh Minh (SN 1963); Hồ Văn Hòa (SN 1970) và Nguyễn Hồng Lĩnh (SN 1970).

Cơ quan Công an xác định, Minh đã mua máy tính, máy in màu, sau đó tải các loại giấy tờ, bằng, con dấu của cơ quan, tổ chức và sử dụng phần mềm thiết kế đồ họa để chỉnh sửa, in màu theo đúng yêu cầu của người có nhu cầu đặt làm giả. Để tránh bị phát hiện, Minh không trực tiếp nhận làm giả con dấu, tài liệu từ người có nhu cầu mà đều qua trung gian, “chân rết” Hòa và Lĩnh.

Tất cả liên lạc, giao dịch với Minh đều thực hiện qua mạng xã hội Zalo, Facebook... đã ẩn danh thông tin người liên lạc. Cơ quan Công an đã thu giữ tang vật gồm 1 bộ máy vi tính, 2 máy in, 36 tem 7 màu có khắc logo của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cùng nhiều giấy tờ, bằng cấp giả như Bằng tốt nghiệp đại học, Bằng tốt nghiệp nấu ăn, tem kiểm định, phôi Giấy khai sinh, Đăng ký kết hôn…

Nâng cao cảnh giác

Theo ngành chức năng, một trong những nguyên nhân để tội phạm làm giả giấy tờ có “đất sống” là do một số người dân vì muốn hợp thức hóa các thủ tục, bằng cấp mà dù biết trái pháp luật vẫn cố tình mua văn bằng, chứng chỉ giả. Mọi hành vi làm giả con dấu, tài liệu hay sử dụng giấy tờ giả đều vi phạm pháp luật.

uploaded-khanhlybna-2023_08_01-_tang-vat-mot-vu-an-lam-gia-giay-to-tai-lieu-anh-tu-lieu-van-hau-8668-1-.jpeg
6/6 tang vật một vụ án làm giả giấy tờ, tài liệu. Ảnh tư liệu Văn Hậu

Điều 341, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu, giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật có thể bị phạt tiền từ 30-100 triệu đồng hoặc có thể bị phạt tù lên đến 7 năm tù giam. Bên cạnh việc xử lý về mặt pháp luật hình sự, người vi phạm còn có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo những quy định khác như: Nghị định 138/2013/NĐ-CP, Nghị định 167/2013/NĐ-CP, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP...

Do vậy, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao ý thức, không mua bán, sử dụng các loại giấy tờ, bằng cấp giả. Mặt khác, đề cao cảnh giác trong các giao dịch liên quan đến các loại giấy tờ, tài liệu để tránh trở thành “con mồi” của những vụ dùng giấy tờ giả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Khi thực hiện các giao dịch, người dân cần xác minh thông tin, tính thật - giả của các loại giấy tờ liên quan tại cơ quan có thẩm quyền.

Mới nhất

x
Cảnh giác với tình trạng mua bán, sử dụng các loại giấy tờ giả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO