Pháp luật

Cảnh sát giao thông Nghệ An hướng dẫn cách tham gia giao thông đúng với vạch kẻ liền sát vỉa hè

Đặng Cường 04/04/2025 15:45

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Nghệ An, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện có thể vượt qua vạch kẻ đường 3.1 nếu cần thiết, nhưng phải đảm bảo nhường đường cho các phương tiện thô sơ.

Hiện nay, nhiều tuyến đường trên địa bàn thành phố Vinh đã được nâng cấp và sửa chữa, đồng thời hệ thống biển báo và vạch kẻ đường cũng được điều chỉnh lại. Tuy nhiên, một bộ phận người tham gia giao thông vẫn chưa nắm rõ đầy đủ ý nghĩa của các biển báo và vạch kẻ đường, dẫn đến khó khăn trong việc tuân thủ quy định khi tham gia giao thông, đặc biệt là với vạch kẻ liền chạy dọc ở làn đường sát vỉa hè (Vạch 3.1).

1.ảnh pv
Vạch 3.1 (Ảnh chụp tại Đại lộ Lê Nin). Ảnh: Phòng CSGT

Theo Thiếu tá Hoàng Mạnh Hùng, Phó trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh Nghệ An), căn cứ theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2024/BGTVT, được ban hành kèm theo Thông tư 51/2024/TT-BGTVT ngày 15/11/2024 của Bộ Giao thông vận tải, quy định:

Vạch 3.1 : Vạch giới hạn mép ngoài phần đường xe chạy hoặc vạch phân cách làn xe cơ giới và làn xe thô sơ

Ý nghĩa sử dụng: để xác định mép ngoài phần đường xe chạy; hoặc phân cách làn xe cơ giới và xe thô sơ, xe chạy được phép đè lên vạch khi cần thiết và phải nhường đường cho xe thô sơ.

0.ảnh pv
Minh họa sử dụng vạch 3.1. Ảnh: Phòng CSGT

Qui cách:

- Khi sử dụng vạch 3.1 (a, b) để xác định mép ngoài phần xe chạy (phần lề gia cố có kết cấu tương đương với kết cấu mặt đường được coi là phần xe chạy) thì mép ngoài cùng của vạch cách mép ngoài cùng phần xe chạy từ 15 đến 30 cm đối với đường thông thường và phân chia làn dừng khẩn cấp với phần đường xe chạy đối với đường ô tô cao tốc. Chỉ kẻ vạch giới hạn mép phần đường xe chạy trên đường cao tốc, đường có bề rộng phần đường xe chạy từ 7,0 m trở lên và các trường hợp cần thiết khác.

- Khi sử dụng vạch 3.1 (a, b) để phân chia giữa làn đường xe cơ giới và làn đường xe thô sơ, phải sử dụng biển báo hoặc sơn chữ “XE ĐẠP”, hoặc biểu tượng xe đạp trên làn xe thô sơ.

- Chỉ bố trí làn đường dành riêng cho xe thô sơ khi mật độ xe thô sơ lớn trên đường có mỗi chiều xe chạy từ 2 làn xe cơ giới trở lên hoặc trong trường hợp cần thiết khác và bề rộng phần đường dành cho xe thô sơ phải đảm bảo tối thiểu 1,5 m. Khi không bố trí làn xe thô sơ riêng thì có thể bố trí vạch phân chia các làn xe cùng chiều 2.1 hoặc 2.1 kết hợp 2.2.

Quy cách vạch như sau: Vạch 3.1a là vạch đơn, liền nét, bề rộng vạch b = 15 cm - 20 cm. Vạch 3.1b là vạch đơn, nét đứt, bề rộng vạch b = (15 cm - 20 cm); khoảng cách nét liền L1 = 0,6 m; khoảng cách nét đứt L2 = 0,6 m. Tỷ lệ L1/L2 = 1:1.

Như vậy, khi tham gia giao thông và gặp vạch kẻ đường 3.1, người điều khiển phương tiện có thể vượt qua vạch này nếu cần thiết, nhưng phải đảm bảo nhường đường cho xe thô sơ.

Tuy nhiên, khi chuyển hướng hoặc thay đổi làn đường, người lái xe phải thực hiện tín hiệu báo trước và đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các phương tiện và người tham gia giao thông khác theo đúng quy định.

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
Cảnh sát giao thông Nghệ An hướng dẫn cách tham gia giao thông đúng với vạch kẻ liền sát vỉa hè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO