Cao su trồng mới giảm mạnh
(Baonghean) - Là huyện lấy cây cao su làm một trong những cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nhưng người dân ở đây...
(Baonghean) - Là huyện lấy cây cao su làm một trong những cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế, nhưng người dân ở đây đang gặp khó trong việc trồng mới, mở rộng diện tích. Năm nay, người dân Tân Kỳ chỉ trồng mới được 92,6 ha cây cao su, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước!
Nói đến cây cao su, lãnh đạo huyện Tân Kỳ không mấy phấn khởi, vì diện tích trồng mới năm nay giảm quá nhiều so với các năm trước. Nguyên nhân không phải do chủ trương lệch hướng, mà người nông dân đang gặp khó trước rất nhiều cản trở về kinh tế, tâm lý; bởi giá mủ cao su giảm khá mạnh. Gia đình chị Nguyễn Thị Hương (xóm Tân Lý, xã Tân Phú) có 1 ha đất trồng cao su, trong đó 2/3 diện tích đã trồng cao su từ cách đây 4 năm. Năm nay, gia đình quyết định trồng 6 sào đất còn lại. Thế nhưng khi bước vào vụ trồng thì giá mủ cao su giảm khá nhiều so với năm ngoái, cùng với đó là chính sách hỗ trợ của Nhà nước ít nên tâm lý không hào hứng. Trước mắt, gia đình chỉ trồng 3 sào cao su, phần đất còn lại dành để trồng các loại cây màu. 1 ha cao su trồng mới ít chi phí nhất 30 triệu đồng, với những gia đình nông dân không có điều kiện kinh tế, nếu là hộ nghèo thì không thể trồng được. Vì cao su trồng sau 5 – 6 năm mới cho thu hoạch, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn lấy gì để sống trong thời gian chăm sóc cao su? Nếu vay ngân hàng, cũng không thể được, vì phải lo trả tiền lãi suất. Ở Tân Kỳ, những gia đình đã có một số diện tích cao su đang cho khai thác mủ thì có điều kiện để đầu tư trồng mới, nếu không còn gặp rất nhiều khó khăn.
Cần có chính sánh hỗ trợ cho người dân dân trồng cây cao su ở Tân Kỳ
Phát triển cao su theo hình thức tiểu điền là chủ trương của Tân Kỳ những năm qua, nó đã thực sự gắn trách nhiệm của người lao động với cây cao su, nên năng suất, sản lượng đạt cao, phần lớn gia đình trồng cao su đều cho thu nhập cao, ổn định. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu của huyện đến năm 2015, Tân Kỳ cần có 3.500 ha cao su là rất khó. Đến thời điểm này toàn huyện mới trồng được hơn 2.000 ha, số còn lại hơn 1.000 ha nữa, nếu cứ đà phát triển chậm như thế này thì rất khó đạt được. Đây chính là trăn trở và cũng là vấn đề mà huyện đang tìm giải pháp tháo gỡ để cây cao su thực sự là mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương trong tương lai.
Ông Nguyễn Bá Thức – trưởng phòng Nông nghiệp huyện, băn khoăn: Những năm gần đây, UBND tỉnh cắt chính sách hỗ trợ đầu tư trồng cao su, nên người dân rất khó khăn khi trồng mới, vì mức đầu tư quá cao. Mặc dù UBND huyện cũng đã có chính sách hỗ trợ giá giống, hỗ trợ trồng tre trúc với những gia đình trồng 1 ha trở lên, mục đích cản gió, hạn chế thiệt hại khi có thiên tai. Năm nay, sở dĩ Tân Kỳ chỉ trồng được 92,6 ha, đạt rất thấp so với kế hoạch đặt ra trong năm là 240 ha, do điều kiện của người dân còn khó khăn, trong khi chính sách hỗ trợ của tỉnh không còn, giá mủ cao su giảm...
Xuân Hoàng