Cấp tỉnh không được dùng đất sạch thanh toán dự án BT khi Thủ tướng chưa đồng ý
Dùng đất sạch thanh toán cho dự án BT phải được Thủ tướng đồng ý thay vì giao quyền cho UBND tỉnh như trước gây thất thoát lớn cho ngân sách.
Ông La Văn Thịnh, Cục trưởng cục Quản lý tài sản công đã thông tin như vậy, tại họp báo chuyên đề chiều 16/8 về Nghị định 69 (ban hành ngày 15/8/2019) quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư, xây dựng công trình theo thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Ông Thịnh cho biết: Theo Nghị định, việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện Dự án BT được thực hiện theo nguyên tắc ngang giá, giá trị Dự án BT phải tương đương với giá trị tài sản công thanh toán.
Ví dụ, khi địa phương cần xây dựng một cây cầu có giá trị 200 tỷ đồng thì mảnh đất được mang ra đổi cũng phải có giá trị tương đương. Trong trường hợp giá trị mảnh đất cao hơn giá trị công trình thì nhà đầu tư phải trả phần chênh lệch (bằng tiền mặt) cho ngân sách. Còn trường hợp giá trị mảnh đất thấp hơn giá trị công trình thì ngân sách sẽ bù tiền cho nhà đầu tư.
Đường nối Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên là 1 trong 5 dự án BT của Hà Nội được yêu cầu dừng dùng tài sản công để thanh toán cho chủ đầu tư hồi tháng 3/2018 |
Nghị định cũng quy định, giá trị tài sản công dùng để thanh toán cho nhà đầu tư được xác định theo giá thị trường, còn giá trị Dự án BT được xác định theo kết quả đấu thầu rộng rãi. Với quy định này, ông Thịnh cho rằng sẽ xử lý dứt điểm các lo ngại trước đây như chỉ định thầu công trình hay thanh toán cho nhà đầu tư tài sản công vượt quá giá trị của công trình.
Trả lời câu hỏi của PV: "Giá thị trường là giá nào, ai xác định giá thị trường?", ông Thịnh cho biết: Có nhiều cách xác lập giá thị trường, đấu giá chỉ là một phương thức. “Hiện giá thị trường của đất đai được xác định theo Nghị định 44 của Chính phủ do Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng bằng 4 phương pháp. Chúng tôi cũng có câu hỏi tương tự và sẽ đồng hành với Bộ Tài nguyên và Môi trường khi Luật Đất đai được sửa đổi”, ông Thịnh nói.
Về thời điểm thanh toán - vấn đề gây ra rất nhiều tranh cãi trước đây, nay quy định: Thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng quỹ đất hoặc trụ sở làm việc (tức đất sạch) là thời gian Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyệt định giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư. Còn thời điểm thanh toán Dự án BT đối với trường hợp thanh toán bằng tài sản kết cấu hạ tầng và các loại tài sản công khác là thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao tài sản cho nhà đầu tư.
Thông tin được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra trong cuộc họp chiều 23/4.Hàng loạt dự án BT, BOT giảm 20% tổng mức đầu tư sau rà soát
Trên cơ sở đó, nhà nước sẽ giao tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư sau khi dự án BT đã hoàn thành hoặc giao đồng thời theo tiến độ công trình được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định theo quy định của pháp luật.
Đối với tài sản công dùng để thanh toán, có 4 loại gồm: Quỹ đất; đất, nhà và tài sản khác gắn với đất (trụ sở làm việc); tài sản là kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích người dân, quốc gia; cuối cùng là các tài sản khác.
Ở đây cần lưu ý, riêng với đất sạch (đã giải phóng mặt bằng, đền bù) và trụ sở làm việc của cơ quan nếu được dùng để thanh toán cho nhà đầu tư BT thì phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bởi theo ông Thịnh, các trụ sở của các cơ quan nhà nước vốn nằm ở vùng đô thị lớn nên lợi thế thương mại đất cao.
“Chủ tịch tỉnh không được tự quyết nếu không được Thủ tướng chấp thuận. Đây là nội dung cần được thống nhất với nhau về thẩm quyền bởi trước đây giao quyền này cho UBND tỉnh”, ông Thịnh nhấn mạnh.
Nghị định cũng quy định, khoản lãi vay trong phương án tài chính của hợp đồng BT đối với phần giá trị công trình Dự án BT hoàn thành theo tiến độ chấm dứt kể từ thời điểm cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất, giao tài sản cho nhà đầu tư.
Một điểm mới, ông Thịnh lưu ý, là việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện Dự án BT phải được tổng hợp, phản ánh vào ngân sách nhà nước. Điều này có nghĩa là nguồn lực để thực hiện dự án BT cũng được coi là nguồn từ ngân sách, chỉ là không phải bằng tiền mặt mà là bằng các tài sản khác.
Nghị định 69 sẽ áp dụng từ 1/10/2019 và thay thế cho các quy định về việc dùng tài sản công thanh toán cho các nhà đầu tư công trình BT trước đây.