Cắt đứt 'vòi bạch tuộc' tín dụng đen

Phạm Bằng 23/07/2019 10:41

(Baonghean) - Hoạt động tín dụng đen như vòi bạch tuộc, len lỏi khắp mọi nơi khiến tình hình an ninh, trật tự diễn biến phức tạp; sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân bị xâm hại.

Tín dụng đen len vào trường học

Hơn 3 tháng trôi qua kể từ ngày bị chủ nợ bắt giữ, giam lỏng để đòi tiền, chị Trần Thị C.L. (trú phường Hà Huy Tập, TP. Vinh) vẫn chưa hết lo sợ. Người đứng ra chỉ đạo bắt giữ chị L. là đối tượng Trần Thị Hồng (SN 1977), trú xóm Yên Bình, xã Hưng Đông (TP. Vinh).

Ngày 7/4/2019, chị L. nhận được điện từ Hồng gọi điện nói đến nhà để bàn chuyện trả món nợ 346 triệu đồng đã vay. Khi vừa đến nhà Hồng, chị L. bị đối tượng bắt giữ, giam lỏng trong nhà và đe dọa, yêu cầu người nhà đưa tiền đến mới thả người.

Đối tượng Trần Thị Hồng. Ảnh: A.Q
Đối tượng Trần Thị Hồng. Ảnh: A.Q

Nhận được thông tin từ người nhà chị L. trình báo, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh đã tiến hành bao vây căn nhà của Hồng để giải cứu con tin. Qua khám xét nơi ở của đối tượng, cảnh sát đã thu giữ 1 điện thoại di động, 10 giấy vay tiền.

Thực tế, đối tượng Hồng đã vào tầm ngắm của Phòng Cảnh sát hình sự lâu nay khi được xác định là chủ đường dây tín dụng đen trên địa bàn TP. Vinh và các huyện lân cận. Công an xác định, đường dây tín dụng đen của Hồng hoạt động từ cuối năm 2017.

Với hình thức vay tín chấp, Hồng đã đứng ra tổ chức cho nhiều người vay tiền với lãi suất cao, từ 3.000 - 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày nhằm thu lợi bất chính. Khách vay chỉ cần ghi thông tin cá nhân trong giấy tờ mà Hồng đưa, nhưng không ghi tiền lãi suất và thống nhất nửa tháng khách phải đóng lãi một lần.

Với những khách hàng đến hạn không trả, Hồng gọi điện đe dọa, uy hiếp về tinh thần thậm chí đến cơ quan, nơi ở để bêu xấu. Chưa dừng lại ở đó, Hồng còn thuê xã hội đen để “xử đẹp” con nợ, bắt giữ người để xiết nợ, uy hiếp người nhà mang tiền đến trả.

Có thể nói, hoạt động tín dụng đen như vòi bạch tuộc len lỏi khắp nơi từ thành phố đến đồng bằng, từ miền xuôi lên miền ngược. Không chỉ vậy, nạn nhân mà các đối tượng cho vay nhắm tới cũng rất phong phú, kể cả học sinh.

Tại huyện Yên Thành, nhiều gia đình hoang mang, lo lắng khi con em của họ dính vào các đường dây tín dụng đen khi đang ngồi trên ghế nhà trường. Nhiều học sinh chơi bời nên đã vay mượn tiền của các đối tượng hoạt động tín dụng đen. Khi không có tiền trả, các em bị khống chế, đánh đập, bắt giữ, không cho đi học hoặc đến tận nhà để siết nợ từ bố mẹ. Nhiều em lo sợ nên đã bỏ học, bỏ trốn khỏi gia đình vì sợ chủ nợ đánh.

Điển hình như gia đình em Nguyễn Đức Anh (SN 2002), học sinh một trường THPT trên địa bàn huyện Yên Thành. Tháng 1/2019, do muốn tổ chức sinh nhật nhưng bố mẹ không có tiền, Đức Anh hỏi vay của Lê Xuân Hải (SN 1992), trú xã Xuân Thành (Yên Thành) 5 triệu đồng và có viết giấy vay nợ. Hai bên thỏa thuận lãi suất vay là 10.000 đồng/1 triệu đồng/ngày, thời hạn vay trong vòng 1 tháng nhưng đến hạn Đức Anh không có tiền trả.

Các đối tượng bị cơ quan công an bắt giữ vì có hành vi cho vay nặng lãi. 2 đối tượng dưới là . Ảnh: CTV
Các đối tượng bị cơ quan công an bắt giữ vì có hành vi cho vay nặng lãi. Ảnh: C.T.V

Ngày 26/3/2019, Lê Xuân Hải gọi điện cho Nguyễn Cảnh Quảng (SN 1997, trú cùng xóm) đến trường “bắt” Đức Anh đưa về nhà Hải. Tại đây, 2 đối tượng đã đe dọa, đánh đập khiến vùng mặt Đức Anh chảy nhiều máu. Lúc này, 2 đối tượng ép Đức Anh gọi điện thoại về cho gia đình để trả nợ và sau đó thả cho Đức Anh đi bộ ra về.

Trước sự manh động của các đối tượng trên, Công an huyện Yên Thành đã xác lập chuyên án và sau đó bắt giữ, khởi tố 2 đối tượng Lê Xuân Hải và Nguyễn Cảnh Quảng để điều tra về tội Bắt, giữ người trái pháp luật. Riêng đối tượng Hải còn bị điều tra về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự".

Quá trình điều tra, cơ quan CSĐT đã làm rõ, trong khoảng thời gian từ tháng 8/2018 cho đến nay, Lê Xuân Hải đã thực hiện 25 giao dịch cho vay nợ để lấy lãi, làm rõ số tiền cho vay nặng lãi hơn 200 triệu đồng, số tiền thu lợi bất chính hơn 50 triệu đồng. Mức lãi suất các đối tượng này thu từ 182,5%/năm đến 365%/năm, cao gấp từ 9,125 lần đến 18,25 lần mức lãi suất quy định.

Hành động quyết liệt hơn nữa

Theo đánh giá của tỉnh Nghệ An, thời gian qua, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen có chiều hướng diễn biến phức tạp, nổi lên là tình trạng một số cơ sở núp bóng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, dịch vụ hỗ trợ tài chính có hoạt động tín dụng đen, cho vay nặng lãi gắn liền với hành vi xiết nợ, đòi nợ thuế, đe dọa, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng... ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen. Tỉnh cũng đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra liên ngành kiểm tra các cơ sở hoạt động kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự, hoạt động ngân hàng tín dụng.

Hiện nhiều đối tượng lợi dụng mạng viễn thông, Internet, núp bóng các doanh nghiệp có chức năng tài chính, dịch vụ đòi nợ, kinh doanh cầm đồ để tạo vỏ bọc, đối phó với cơ quan chức năng. Các cơ sở này thường cho vay không thế chấp, huy động vốn, kinh doanh tài chính với lãi suất rất cao (từ 100% đến hơn 300% đối với khoản tiền ở thời điểm vay) nhằm thu lợi bất chính.

Trên tinh thần chỉ đạo đó, Công an tỉnh Nghệ An cũng xác định, đấu tranh với tội phạm tín dụng đen là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công an các đơn vị, địa phương. Từ đầu năm 2019 đến nay, công an các đơn vị, địa phương đã phát hiện, bắt giữ, khởi tố 9 vụ, 17 bị can về tội "Cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự"; xử lý hành chính 40 đối tượng về hành vi cho vay lãi nặng.

Bên cạnh đó, công an tỉnh đã tập trung điều tra, làm rõ hành vi vi phạm pháp luật như xiết nợ, đòi nợ thuê, cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản, gây rối trật tự công cộng liên quan đến tín dụng đen. Kết quả đã điều tra làm rõ, khởi tố 6 vụ, 23 bị can và xử lý hành chính 5 đối tượng về các hành vi trên.

3 đối tượng bị Công an TX Thái Hòa bắt giữ vì hành vi cho vay nặng lãi. Ảnh: Q. T
3 đối tượng bị Công an TX. Thái Hòa bắt giữ vì hành vi cho vay nặng lãi. Ảnh: Q. T

Không chỉ ở cấp tỉnh, các huyện cũng đã thành lập được các đoàn liên ngành ra quân đồng loạt kiểm tra các cơ sở dịch vụ cầm đồ, dịch vụ hỗ trợ tài chính trên địa bàn để chủ động phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật có liên quan. Qua kiểm tra đã phát hiện, lập biên bản xử lý hành chính 48 cơ sở, thu nộp ngân sách nhà nước số tiền 145 triệu đồng.

Trước diễn biến phức tạp của loại tội phạm này, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương phải có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm và có những hành động quyết liệt hơn nữa trong tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến tín dụng đen.

Đoàn thanh tra liên nghành do tỉnh thành lập kiểm tra các cơ sở cầm đồ, dịch vụ tài chính trên địa bàn TP. Vinh. Ảnh M.T

Trong đó, triển khai đồng bộ các giải pháp đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen. Tập trung rà soát, nắm tình hình về các tổ chức, cá nhân, cơ sở hoạt động kinh doanh tài chính, cầm đồ, huy động vốn với lãi suất cao bất thường, tham gia hụi, họ, biêu, phường có dấu hiệu lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Tổ chức điều tra, truy tố, xét xử đối với các vụ án có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, đảm bảo xử lý nghiêm minh, không bỏ lọt tội phạm... Từ đây, không để phát sinh phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự trên địa bàn, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân.

Mới nhất
x
Cắt đứt 'vòi bạch tuộc' tín dụng đen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO