Cậu bé mồ côi và nghị lực vượt qua số phận

gôi nhà sàn của anh em Mạnh và Hiếu nằm chênh vênh một nửa bên sông, nửa tựa bên đường ở bản Minh Tiến, xã Châu Tiến (Quỳ Châu). Bước chân vào nhà, từng tấm ván lót oằn xuống như sắp rơi xuống sông. Ngồi trên ngôi nhà trống hoác nhìn xuống dòng nước đục ngầu, từng mảng rác trôi lượn về xuôi.

Hai anh em Mạnh đi học chưa về, chị hàng xóm bảo chúng tôi cứ vào nhà ngồi đợi, nhà không có cửa, góc bên trái làm bếp và đặt chiếc giường ngủ của hai anh em, trên tường dán kín giấy khen thành tích học tập. Bộ bàn ghế cũ giữa nhà, góc bên phải trong cùng là bàn thờ mẹ, kế đó là chiếc giường đã cũ, nơi ngủ của bà nội. Ngoài ra không còn tài sản nào khác.

Gần 12 giờ trưa, anh em Mạnh mới từ trường trở về nhà, mặt chín đỏ ửng nắng, mồ hôi nhễ nhại, cất vội chiếc cặp đã sờn rách vào góc giường, người anh tên Hiếu vào phía bếp lấy gạo vo gạo thổi cơm.Duong van manh va nghi luc cuoc song Mạnh cầm bó rau ra giữa nhà ngồi nhặt rồi phân trần: cô ơi, tiết học cuối, cháu nghe cô Hiệu trưởng bảo cho cháu nghỉ về trước vì nhà có khách chờ, nhưng cháu tiếc giờ học nên cứ nán lại, bây giờ cháu đói bụng quá. Rồi vừa nhặt rau, Mạnh vừa thủ thỉ: “Nhiều buổi sáng hai anh em nhịn đói đi học, buổi tối nào cũng nấu cơm nhiều để mai ăn cơm nguội đi học, nhưng có bữa đêm học khuya đói bụng ăn mất, có bữa sáng ra lấy cơm để ăn thì bà nội đã đổ xuống sông rồi. Khi mẹ còn sống, anh em cháu không bữa mô phải nhịn đói tới trường cả, nhà cháu còn nghèo nhưng mẹ cháu luôn lo cho anh em cháu áo quần tươm tất và luôn được ăn uống đầy đủ”.

Chỉ mới 12 tuổi, nhưng Mạnh trông già dặn, khôn ngoan trước tuổi, đã phải chứng kiến bao biến cố của gia đình. Bà nội bị bệnh tâm thần từ hơn 30 năm nay, trong nhà không có lúc nào được yên ổn. Mặc dù là trụ cột chính nhưng bố không thể đi làm, cả ngày phải luôn theo sát bên chăm sóc bà nội. Chỉ xểnh mắt là bà bỏ đi, lại lo lắng cất công đi tìm. Trong nhà, có vật dụng gì cũng không giữ được, lúc phát bệnh nặng, có cái gì tiện tay bà đều đập phá. Lâu lâu phải đưa bà đi bệnh viện để khám, điều trị và lấy thuốc.

Mọi việc lớn nhỏ trong nhà từ kiếm tiền nuôi sống cả gia đình 6 miệng ăn, thuốc men cho bà nội đến việc học hành của các con đều dồn hết lên đôi vai bé nhỏ của mẹ. Công việc của mẹ chủ yếu đi thu mua phế liệu, nhặt ve chai, đồng nát, hay làm thuê. Còn ít tuổi, nhưng Mạnh sớm biết lo, lúc nào cũng thủ thỉ bên mẹ để động viên, giúp mẹ những việc vừa sức mình.Duong van manh va nghi luc cuoc song Mỗi đêm, xong việc nhà, dù mệt mỏi nhưng mẹ vẫn rót cho các con cốc nước, nấu bát mì tôm cho các con ăn khuya đỡ đói lòng, khen con khi được điểm tốt và bao bọc, che chở, an ủi khi bà nội “làm phiền”… Nghiệt ngã thay mẹ đột ngột ra đi khi Mạnh chưa đầy 10 tuổi (mẹ mất tháng 2/2015), Mạnh như con chim non bay chập chờn trong mưa gió. Trong nhà, trừ bà nội bị tâm thần còn lại toàn đàn ông, Mạnh từ nhỏ đã luôn bên mẹ, được mẹ chở che, chăm sóc vì vậy từ ngày mẹ mất, Mạnh dễ bị tổn thương hay tủi thân khóc.

Đến bây giờ anh em Mạnh cũng không biết vì sao mẹ chết, người nói mẹ bị xuất huyết não, người nói bị sốt rét không được cấp cứu kịp thời… Từ ngày mẹ mất, không còn trụ cột gia đình, bố phải đi làm để kiếm tiền nuôi các con. Bố phải ở lại trong lán giữa rừng làm rẫy thuê cách xa nhà 50 km, vì vậy 2 anh em có thêm nhiệm vụ canh giữ và chăm sóc bà. Lâu lâu bố về mua ít gạo, thức ăn rồi lại đi. Đã quen với khó khăn cực khổ cực nên việc có tiền, có thức ăn hay không với anh em Mạnh không quan trọng nữa. Buổi sáng, có cơm nguội thì anh em cùng ăn, không có nhịn đói đi học. Trưa về, vội vàng nấu cơm ba bà cháu ăn, thức ăn thì hôm có hôm không, chủ yếu ăn cơm với nước mắm. Có bữa mua thịt về bỏ trong tủ lạnh nhưng ở nhà bà lấy vứt mất, vậy là trưa đó lại ăn cơm rau, có hỏi thì bà cũng chỉ cười. Nhiều bữa nấu cơm xong không thấy bà đâu, hai anh em lại bỏ đó để đi tìm bà về. Cạnh bên có gia đình bác Phan Thị Dung làm nghề ủ thịt chua, thi thoảng ngoài giờ học, khi bà nội đã ngủ, anh em Mạnh lại sang cùng giúp bác. Thương hai cháu côi cút, ngoan hiền và chăm chỉ học hành, bác Dung vẫn hay mua thức ăn mang sang cho. Lâu lâu thiếu tiền, bác cho vay nhưng không khi nào đòi lại.

Mặc dù không có ai chăm sóc và kèm cặp việc học hành nhưng cả ba anh em đều học rất giỏi. Anh cả Dương Văn Thành (SN 1999) là học sinh giỏi môn Tin học cấp huyện nhiều năm liền, hiện đang là học sinh trường PTTH nội trú Quỳ Châu mỗi tuần về nhà một lần. Anh hai là Dương Văn Hiếu, năm lớp 8 là học sinh giỏi huyện môn Vật lý. Còn Mạnh năm nay lớp 6 là học sinh giỏi huyện 3 môn: Tiếng Anh, Vật lý và Toán.

Cô giáo Lê Thúy Mùi - giáo viên chủ nhiệm lớp 6A1 cho biết, Mạnh là lớp phó phụ trách học tập. Do dạy ở hai điểm trường nên cô ít đến lớp, giao mọi việc quản lý lớp cho Mạnh nhưng cô rất yên tâm. Mặc dù ít nói nhưng mỗi khi gặp cô chủ nhiệm, Mạnh thường kể cho cô nghe nhiều chuyện.Ví như bà nội hôm nay không ăn cơm, bà nội hôm nay suýt gây ra hỏa hoạn khi lấy bật lửa đốt sách vở của hai anh em, bà nội hôm trước đi lạc hai anh em phải nhờ cả hàng xóm đi tìm về…v.v... Mỗi lần kể chuyện với cô, Mạnh thường được cô ôm và thơm lên trán, lên má, cứ vậy Mạnh lại cảm động và khóc. Biết Mạnh thiếu thốn tình cảm của mẹ, nên cô thường hỏi chuyện, những lúc Mạnh buồn, cô thường an ủi và ôm Mạnh vào lòng động viên.

Ở trường, với nhiệm vụ quản lý lớp và chuyên tâm vào việc học hành nên Mạnh thường quên đi nỗi buồn của mình. Nhưng khi về nhà, đối mặt với bao khó khăn, tấm ảnh sau lư hương và đôi mắt hiền từ của mẹ, những cơn bệnh trở nặng của bà nội và đêm đêm trong căn nhà trống, ánh đèn đường soi rõ mọi ngóc ngách khiến cho nỗi nhớ mẹ ngày càng nhiều hơn, và lời mẹ dặn rằng nhà mình nghèo, con cố gắng học hành để sau này lớn lên có thể kiếm được làm việc, hỗ trợ bố nuôi bà càng thôi thúc Mạnh cố gắng nhiều hơn. Năm nay, anh Hiếu học lớp 9, cuối cấp học cần nhiều thời gian, còn Mạnh đã là học sinh lớp 7A1, bài tập cũng nhiều hơn, vì vậy bố đã đưa bà nội đi theo vào ở trong lán để chăm sóc. Thương bà, thương bố Mạnh quyết sẽ học giỏi hơn.

Bài: Hà Linh

Thiết kế: Hà Giang

Kỹ thuật: Ngọc Quý