Cậu bé nghèo côi cút hiếu học ở bản Thái
(Baonghean.vn) - Nhìn gương mặt sáng cùng nụ cười hiền của cậu học trò lớp 4, ít ai ngờ Lim Văn Hòa đã trải qua quá nhiều nỗi đau khi mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Ông bà nội, chỗ dựa duy nhất của em nay cũng không còn vì đã mất vì bệnh tật. Vượt lên những bất hạnh ấy, Lim Văn Hòa vẫn lạc quan, say mê với việc học và trở thành niềm tự hào của bà con bản Kẻ Nính ( xã Châu Hạnh, Qùy Châu).
Tuổi thơ dữ dội
Căn nhà sàn đơn sơ nằm ven bản Kẻ Nính đã từng là mái ấm hạnh phúc của cậu bé Lim Văn Hòa khi em chính là niềm hy vọng và tình yêu duy nhất của bố mẹ sau bao năm mòn mỏi chờ đợi vì hiếm muộn.
Vậy nhưng, hạnh phúc chẳng tày gang khi bố em, anh Lim Văn Vinh (sinh năm 1982) từ một thanh niên khỏe mạnh, xông xáo, tuổi đời chưa đến 35 đã mang trong mình căn bệnh ung thư quái ác. Chỉ sau một thời gian ngắn, anh phải nằm liệt giường, mọi công việc đều đổ dồn lên vai vợ là chị Vi Thị Vân.
Cú sốc nghiệt ngã đổ dồn lên đôi vai chị Vân khi vừa phải kiếm tiền chạy chữa cho chồng vừa phải lo cho con nhỏ. Những khoản nợ ngày càng chồng chất nhưng bệnh tật của anh Vinh chẳng hề thuyên giảm. Và rồi bố em đã vĩnh viễn ra đi khi em mới tròn 1 tuổi.
Công việc cấy hái của mẹ em không đủ trang trải những khoản nợ, vậy nên mỗi ngày chủ nợ lại qua nhà đòi tiền lãi. Hôm nào không trả kịp, hai mẹ con phải nghe biết bao lời mắng nhiếc, tủi hổ của người ta. Hoàn cảnh ngặt nghèo, khốn khó chị Vân đành phải bán căn nhà nhỏ là tài sản chắt góp của hai vợ chồng bao năm rồi gửi em cho ông bà nội để đi làm công nhân trong miền Nam.
Dù hoàn cảnh khó khăn nhưng nhiều năm liền cậu bé Lim Văn Hòa đều là học sinh khá, giỏi. Ảnh: Lương Nga |
Những tháng ngày lặn lội nơi đất khách quê người để chắt góp từng đồng gửi về quê cùng nỗi nhớ con đã khiến cho người phụ nữ xuân sắc ngày nào trở nên khô héo. Rồi chị Vân lâm bệnh. Và rồi Lim Văn Hòa tiếp tục phải chịu nỗi đau ghê gớm khi mẹ em cũng qua đời. Ngày ông bà đưa mẹ về mai táng, ai nấy đều không cầm nổi nước mắt khi chứng kiến đứa bé 2 tuổi ngơ ngác òa khóc bên lĩnh cữu của mẹ.
Thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố mẹ, em hoàn toàn sống dựa vào ông bà nội. Do ám ảnh nỗi đau mất đi những đứa con ruột thịt và thấu hiểu được sự thiếu vắng tình thương cha mẹ của cháu nên ông bà nội giành hết tình yêu thương cho em. Nhưng tuổi cao, sức yếu, những chuyến đi rừng của ông hay làm rẫy của bà chẳng còn đủ lo bữa cơm bữa cháo. Nhiều khi nhìn em ốm yếu xanh xao nhưng ông bà chỉ biết ngậm ngùi bất lực. Chỉ sợ khi mình mất đi cháu sẽ trở thành đứa trẻ lang thang không nơi nương tựa.
Chẳng bao lâu, số phận lại trút nỗi bất hạnh lên gia đình nhỏ, khi em tròn 6 tuổi, ông nội cũng qua đời. Từ đó, mọi gánh nặng đều đặt lên đôi vai gầy yếu của bà.
Hằng ngày bà đi mò cua bắt ốc, hái rau rừng về để bán lấy tiền nuôi em. Vì tuổi cao, lại phải sớm tối lo toan vất vả nên cách đây 6 tháng, trong một chuyến đi rừng để hái rau về lo bữa tối, bà em cũng đã trút hơi thở cuối cùng. Bà ra đi bỏ lại mình em với căn nhà lụp xụp, không có một thứ gì đáng giá ngoài chiếc giường hằng đêm em vẫn được nghe bà kể chuyện.
Vượt qua nỗi đau
Nếu như người khác lấy tình yêu thương của mẹ cha, ông bà để làm bước đệm tiến lên trong cuộc sống, thì với cậu học trò nhỏ Lim Văn Hòa lại biến những mất mát, đau thương là động lực để em phấn đấu vươn lên trong cuộc sống đầy éo le của mình. Những đau buồn trong cuộc sống không làm cho cậu bé chùn bước, ngược lại cậu mạnh mẽ để vượt qua tất cả.
Tuổi thơ côi cút là thế nhưng em luôn nỗ lực vươn lên trong học tập và sớm trưởng thành hơn so với tuổi của mình. Lên 9 tuổi, khi những đứa bé cùng trang lứa chỉ biết học và chơi vô tư, hồn nhiên thì em phải làm đủ những việc mà những người lao động chính nơi bản nhỏ phải làm, từ việc mò cua bắt ốc đến nhặt ve chai đem bán để kiếm tiền mưu sinh. Đêm về, em vùi mình vào sách vở để quên đi nỗi buồn tủi và để thực hiện ước mơ thay đổi số phận mình. Dù còn bé nhưng em đã ước mơ trở thành bác sỹ, bởi em nhìn thấy cả cha cả mẹ mình đều gặp phải những căn bệnh hiểm nghèo và rất cần được chữa trị. Đó cũng chính là động lực luôn thôi thúc em trở thành một bác sỹ giỏi để chữa bệnh cho những người nghèo.
Căn nhà tồi tàn, nơi Lim Văn Hòa đang sống. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Không có góc học tập riêng nên Hòa thường nằm ra sàn nhà để học bài. Em viết chữ rất đẹp. Để làm được điều đó, tối nào Hòa cũng nằm ra sàn tập viết đi viết lại những đoạn văn mẫu mà mình yêu thích khi học ở lớp và nhờ cô giáo chỉnh sửa sau khi hoàn thành. Nhìn cách cậu bé nắn nót từng chữ trên tập vở trắng, ai cũng cảm phục trước nghị lực, sự hồn nhiên của em.
Hằng ngày, trên chiếc xe đạp cũ kỹ còn giữ được sau khi mẹ mất, Lim Văn Hòa vẫn đều đặn đến trường. Quãng đường hơn 3 cây số có hôm thật dài mỗi khi xe hỏng khiến em phải dắt bộ qua những con khe hay những đoạn đường đồi đất đất dốc. Những ngày mưa lũ nước dâng cao, em buộc phải đứng ven đường để xin người lớn đi nhờ từng quãng.
Chứng kiến hoàn cảnh của em, cô giáo chủ nhiệm Trương Thị Châu không giấu nổi nỗi bùi ngùi cho biết: “Từ ngày bà mất em trở nên trầm hơn. Tuy không phải đi xin ăn nhưng cuộc sống của em rất vất vả, thiếu thốn đủ bề. Mặc dù còn có nhà bác ngay bên cạnh đón em về ở nhưng em chỉ xin về ăn cơm còn hằng đêm vẫn về lại nhà cũ ngủ vì nhớ mẹ, nhớ ông bà. Có lẽ vì lòng tự trọng khi thấy gia đình bác cũng có hoàn cảnh khó khăn, lại phải nuôi các em nhỏ nên em không muốn mình trở thành gánh nặng cho hai bác.
Cô giáo Trương Thị Châu còn cho hay, dù vượt cả quãng đường xa để đi học nhưng em hiếm khi có được một bữa sáng, nhiều hôm không có gì ăn, đến lớp trong trạng thái mệt lả đến ngất đi nhưng Hòa vẫn không bỏ học. Thương cho hoàn cảnh của em, các thầy cô trong trường và những người hàng xóm tốt bụng đã động viên và tổ chức quyên góp, ủng hộ để Hòa có thêm tiền mua sách vở và trang trải cuộc sống, chỉ mong em không dang dở ước mơ đến trường.
Vất vả là vậy nhưng trong lớp, em luôn ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập và luôn là học sinh đứng tốp đầu. Những thành tích ấy khiến các thầy cô và bạn bè trong lớp hết sức cảm phục.
Năm học mới đến, Lim Văn Hòa lại vượt qua những đoạn đường đèo dốc để đến trường. Trong đôi mắt của cậu học trò ấy vẫn ánh lên niềm hy vọng về một tương lai tốt đẹp hơn, một tương lai được theo đuổi đam mê học tập và hiện thực hóa ước mơ của mình./.
Lương Nga - Thanh Quỳnh
TIN LIÊN QUAN |
---|