Câu cá ở xứ Nghệ - không chỉ là niềm đam mê
(Baonghean.vn) - Hiện nay câu cá không còn là “cần câu cơm” của người nông dân, hay thú vui tao nhã của các bậc trung niên, cao niên có thời gian rảnh rỗi, mà trở thành thú chơi của không ít tầng lớp cán bộ và dân chúng từ nông thôn đến thành thị ở xứ Nghệ. Nhiều người đã sắm đồ nghề hiện đại và học các “bí kíp” cấp tốc để đi săn cá.
Theo chia sẻ của anh Cao Đình Trung – Chủ nhiệm CLB Câu cá Thành Vinh thì không dừng lại ở thú chơi đơn thuần, từ năm 2010 nhiều người có chung niềm đam mê đã thành lập nên những câu lạc bộ với số lượng thành viên đông đảo. Hiện, chưa kể số CLB ở các huyện, trong đó tập trung chủ yếu ở TX Thái Hòa, Nghĩa Đàn, Yên Thành..., riêng thành phố Vinh đã có 3 câu lạc bộ, đó là: Câu lạc bộ câu cá Thành Vinh, CLB câu cá Xứ Nghệ và Diễn đàn câu cá Nghệ An, với tổng số thành viên lên đến hơn 1.000 người.
Các hồ đập lớn đang trở thành địa điểm câu lý tưởng cho những người đam mê "săn" cá. Ảnh Lê Thắng |
Chủ nhiệm CLB Câu cá xứ Nghệ, anh Nguyễn Thanh Hùng cũng cho hay: “CLB thành lập năm 2013 , nhằm kết nối những người cùng đam mê thú chơi câu cá thể thao, giải trí. Tính đến nay, chúng tôi đã tổ chức được 2 giải đấu câu cá CLB mở rộng, mỗi giải thu hút từ 60 – 100 cần thủ trên toàn quốc tham gia. CLB chúng tôi cũng đã tham gia một số giải câu cá thể thao ở các tỉnh thành trên cả nước, thành lập một trang web riêng để các thành viên kết nối, trao đổi kinh nghiệm…”
Ngoài việc đi câu trong buổi, trong ngày, hiện giờ có nhiều bạn trẻ thích khám phá những chuyến trải nghiệm “du câu” kéo dài từ 2 đến 3 ngày. Đối với các cần thủ, không niềm vui nào sánh bằng giây phút cá cắn câu. Nhưng cũng có ngày không câu được con cá nào thì với họ vẫn vô cùng ý nghĩa, bởi đi câu ngoài mong có cá đưa về thì cái được tiếp theo đó là có những giây phút tĩnh tại và rũ bỏ mọi âu lo trong cuộc sống.
Theo tìm hiểu của chúng tôi , thú chơi câu cá bằng cần máy, lưỡi câu lục (6 lưỡi), và lăng xê xuất hiện ở Nghệ An đã lâu, nhưng phát triển mạnh nhất vào khoảng 5 năm trở lại đây .
Cứ vào dịp cuối tuần trên các hồ đập ở xứ Nghệ nơi nào cũng thấy những cần thủ đang buông cần tĩnh lặng chờ cá.
Họ có thể là nhóm giáo viên, cán bộ rủ nhau tụ tập, xả hơi; hoặc là những doanh nhân chọn hồ câu làm nơi bàn chuyện làm ăn. Nhưng phải nói nhiều nhất vẫn chính là dân văn phòng đi xả hơi dịp cuối tuần. Đôi khi ta còn bắt gặp cả những cặp nam nữ thanh niên đi câu cá với nhau cùng hưởng cái thú đi câu và không khí lãng mạn bên hồ…
Một cần thủ săn cá . Ảnh: Sách Nguyễn |
Song song với thú chơi này là các đại lý, cửa hàng bán cần câu, đồ câu, mồi câu với đủ chủng loại cũng thi nhau mọc lên ở thành phố Vinh và các huyện thị.
“Đồ nghề" của những người được xem là "nghiện câu cá" mà chúng tôi có dịp thị sát ngày nay có rất nhiều phụ kiện hiện đại, với nhiều mức giá khác nhau. Để có một bộ đồ câu gọi là “tàm tạm” cũng phải chi trên dưới 1 triệu đồng, còn đối với những bộ đồ câu cao cấp, được gọi là “khủng” thì phải lên tới 60 triệu. Chưa nói, ngoài những dụng cụ như cần câu, máy câu, phao, lưỡi câu…thì đối với các “tay chơi”, họ còn trang bị thêm các dụng cụ khác như ca nô điều khiển từ xa để thả mồi, có giá từ 2,8 đến 3,2 triệu đồng hoặc máy báo cá (tầm ngư) có giá từ 3 đến 10 triệu đồng…
Dân câu chuyên nghiệp còn sử dụng ống nhòm để quan sát phao câu xa bờ. Ảnh: Thạch Giang |
Trong năm, mùa thu được xem là thời điểm được nhiều người chọn lựa để đi câu. Bởi đây là thời gian cá đi kiếm ăn nhiều nhất để tích trữ năng lượng trước kỳ nghỉ đông. Đặc biệt, các loài cá như cá rô, cá chép, cá trắm… là những loại cá nhiều nhất trong thời điểm này. Theo đó, địa điểm được chọn lựa nhiều ở TP Vinh không thể không kể đến hồ cá Cửa Nam, hồ Goong, hồ cá Tecco… Mở rộng ra ngoại thành, đó là Hưng Chính (Hưng Nguyên), Hồng Long (Nam Đàn), Nghi Thuận (Nghi Lộc)…
Với dân câu chuyên nghiệp xuồng cao su là phương tiện để đánh mồi xả xa bờ. Ảnh Thạch Giang |
Con trắm đen nặng 35,7 kg do anh Trần Quốc An (TP. Vinh) câu được ghi nhận lớn nhất cho đến thời điểm này. |
Chính vì thú câu cá phát triển, nhiều người tham gia nên có hàng trăm điểm câu kinh dịch vụ ở các huyện thị thi nhau mọc lên để phục vụ nhu cầu của những người đam mê câu cá. Điển hình như hồ hồ cá ông Chung ( Nghi Lộc), hồ cá anh Tuấn (Nam Đàn) ông Tân ( Yên Thành)… Những điểm câu này thu từ 20.000- 50.000/ giờ câu nhưng vẫn thu hút được nhiều người đến buông cần.Cũng theo các cần thủ, tại những địa điểm được ví như những “vựa cá” này, người có “duyên” có thể câu được trên 1 yến cá mỗi ngày.
Để tìm hiểu về những “kỹ nghệ” câu cá, những bộ đồ câu “khủng”, cách làm mồi hay những câu chuyện độc đáo xung quanh thú vui này, chúng tôi sẽ tiếp tục đề cập tới trong những bài viết tiếp theo.
Dũng - Quỳnh - Cường
TIN LIÊN QUAN |
---|