Câu chuyện kinh hoàng về những ngày tử thần
Danh sách thuyền viên Việt Nam trong vụ nổ khí gas trên tàu Lai Chinh Đài Loan (Trung Quốc):
(Baonghean) - Nhận được thông tin những người thoát nạn trở về từ tay tử thần trên con tàu Lai Ching của Đài Loan (Trung Quốc) ngày 29/4, chúng tôi nhanh chóng tìm đến. Phải vòng vèo qua những dãy đường đất đỏ và vài lần hỏi đường thì chúng tôi mới tìm đến được gia đình anh Nguyễn Văn Linh (sinh năm 1990, xóm 1, xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An).
Những ngày kinh hoàng
Từ lúc tin anh vừa trở về từ con tàu xấu số, người làng trên xóm dưới đến động viên hỏi thăm chật kín nhà. Trong số những người này còn có một vị khách đặc biệt nữa đó là anh Lê Thanh Đại (sinh 1989, xóm 4, xã Văn Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) cũng là nạn nhân trên con tàu định mệnh đó. Tuy đang còn mệt vì vừa phải trải qua chuyến bay dài từ Nam Phi trở về nhưng Đại vẫn cố gắng đi xe xuống đây để thắp cho người cùng đồng hành với mình nén hương là nạn nhân Lưu Đình Tuấn (sinh 1991, xóm 10, xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc, Nghệ An), một trong hai thuyền viên của Việt Nam bị mất tích sau khi sự việc xảy ra.
Cả hai nạn nhân may mắn trở về đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn nên phải nghỉ học từ sớm. Quyết tâm làm giàu nên cả hai anh đều có định hướng đi xuất khẩu lao động nhưng do kinh tế eo hẹp không có điều kiện đi sang các ngành nghề khác nên đã chọn đi đánh bắt xa bờ để giảm bớt chi phí quá cảnh. Năm 2009, cả hai sang làm việc cho chủ tàu Lai Chinh của Đài Loan (Trung Quốc) với mức lương thỏa thuận 300USD/tháng.
Anh Linh nhớ lại, sau nhiều ngày lênh đênh đánh bắt trên biển, ngày hôm đó (29/4) con tàu trên đường quay trở về. Đến khoảng 20h tối (giờ Đài Loan) là ca trực của anh nên anh phải lên trên boong. Đến khoảng 21h bỗng anh nghe thấy một tiếng nổ lớn ở khoang lạnh của tàu, sau tiếng nổ, toàn bộ điện trên tàu tắt phụt, tàu ngừng chạy. Tiếp đó con tàu ngập trong mùi khí gas. Lúc đó thì mọi người trên tàu hầu hết đang ngủ, chỉ có thuyền trưởng, người quản lý đang thức và một vài người đang xem phim. Do không khí đậm đặc khí gas không thể thở được, anh và thuyền trưởng chỉ kịp hô hoán những người còn lại chạy lên boong, nhưng do tàu đã ngừng chạy nên ở đây cũng đậm đặc một mùi khí gas, mọi người lại kéo nhau lên tận mui tàu. Nhưng ngay cả lên đến mui tàu cũng không thể thở được, một số người do đã hít phải nhiều khí gas nên máu miệng, máu mũi đã ộc ra, ngất lịm không đi được nữa mà phải dìu.
May mắn cho họ là nhờ có gió biển thổi khí gas đi nên không khí đã có thể thở lại được. Lúc này mọi người mới dần tỉnh lại và nhận thấy còn thiếu nhiều thuyền viên khác nên quay vào tìm những người bạn đồng hành đang bị mắc kẹt do ngủ quên và đang làm việc trong phòng máy. Nhưng do không khí phía trong còn ngột ngạt khí gas nên họ chỉ kịp kéo ra một số người ở phía ngoài, còn những người mắc kẹt phía trong vẫn chưa thể tiếp cận. Phải chờ một lúc sau mới đưa thêm được những người còn lại ở khoang máy ra ngoài nhưng lúc đó hầu hết họ đều đã chết ngạt.
Lúc xảy ra tai nạn, trên tàu có 37 thuyền viên, nhưng sau khi đưa tất cả mọi người ra được thì phát hiện còn thiếu 4 người (trong đó có 2 người Việt Nam là Lưu Đình Tuấn và Nguyễn Châu Bảy) nên điều động những người còn đủ sức khỏe xuống bên dưới tàu kiểm tra lại. Đến lúc này mọi người thấy tàu bị thủng một lỗ lớn nước đã vào ngập khoang máy, tàu có thể bị chìm bất cứ lúc nào. Đến 1h ngày 30/4 thuyền trường ngừng tìm kiếm và cho anh em mặc áo phao nhảy xuống để đảm bảo tính mạng thuyền viên. Sau đó thuyền trưởng và một số anh em thay nhau chăm sóc những người bị thương nặng và canh chừng có tàu nào chạy qua thì bắn pháo hiệu cầu cứu. Mãi đến tờ mờ sáng mới có tàu đánh cá khác của Đài Loan đi qua mọi người mới được giải cứu.
Thế nhưng, sau khi được cứu, do hít phải quá nhiều khí độc nên sau khi được thuyền bạn cứu, liên tiếp những thuyền viên bị ngạt khí đã ra đi. Trước tình thế nguy cấp và lo sợ của mọi người thuyền trưởng tàu Lai Chinh và tàu bạn đã liên lạc với một hòn đảo gần đó đưa họ lên kiểm tra. Sau khi kiểm tra sức khỏe 11 thuyền viên bị nặng đã phải ở lại điều trị tại đảo còn lại tiếp tục lên tàu đi về cảng Nam Phi. Đến ngày 9/5 họ cập cảng, còn số điều trị tại đảo đến ngày 13/5 mới được một tàu của chính phủ Nam Phi đón về. Những người may mắn thoát nạn được hải quan Nam Phi cho đi cứu chữa, những thuyền viên xấu số được làm thủ tục đem đi hỏa thiêu để đưa hài cốt họ về nước. Chính phủ Nam Phi cũng đã điều động tàu ra tìm kiếm người mất tích nhưng hiện tại vẫn chưa tìm thấy.
Những người Việt Nam sống sót sau tai nạn được Đại sứ quán Việt Nam làm thủ tục nhanh chóng đưa họ về nước. Đến ngày 16/5 họ đã về đến sân bay Nội Bài, và đến ngày 17/5 toàn bộ 8 thành viên may mắn thoát khỏi bàn tay tử thần trên tàu Lai Chinh đã về đến quê nhà.
Nước mắt của mẹ
Quá đau buồn vì người con duy nhất gặp nạn mà vẫn chưa tìm thấy xác,
chị Lưu Thị Kiệm đổ bệnh cả tuần nay.
Chị Kiệm do quá tuổi lỡ thì nên không lấy chồng mà chỉ kiếm mỗi đứa con là Tuấn để sau về già có người đỡ đần chăm sóc. Tuấn học khá và ngoan nhưng do hoàn cảnh mẹ góa con côi, gia đình khó khăn nên Tuấn đã sớm phải nghỉ học từ năm lớp 9 vào Nam làm công nhân để nuôi mẹ. Gom góp được ít vốn, Tuấn có ý định muốn đi xuất khẩu lao động để đổi đời nhưng không đủ tiền trong khi đó, hai mẹ con Tuấn đang phải ở đợ đất người khác nên không có gì thế chấp để vay vốn. Mãi đến năm 2010, nhờ người anh họ đứng ra vay mượn gần 15 triệu đồng thì ước mơ xuất cảnh của Tuấn mới thành sự thật.
Đánh bắt xa bờ, mệt nhọc mà lương chỉ có 250 USD/ tháng, nên từ lúc sang đến khi bị nạn, Tuấn chỉ mới gọi điện về nhà hai lần. Đi được gần năm, nhờ chăm chỉ gom góp nên Tuấn đã trả hết nợ và có số dư nho nhỏ nên ai cũng mừng cho bà Kiệm có thằng con ngoan hiếu thảo. Ai ngờ, đến ngày 5/5 khi công ty Vina MoTor báo về thì gia đình mới biết hung tin Tuấn gặp nạn và mất tích. Chờ đợi trong vô vọng, anh em họ hàng đã lập bàn thờ cho Tuấn, còn chị Kiệm khóc ngất lên ngất xuống vì thương con.
Anh Lưu Đình Đông (anh họ của Tuấn) bên bàn thờ em.
Danh sách thuyền viên Việt Nam trong vụ nổ khí gas trên tàu Lai Chinh Đài Loan (Trung Quốc):
Nạn nhân tử nạn
1.Hoàng Văn Trị, Quỳnh Lưu, Nghệ An
2. Lê Xuân Sang, Quảng Bình.
Nạn nhân mất tích
1.Lưu Đình Tuấn, Nghi Tiến, Nghi Lộc, Nghệ An
2.Nguyễn Châu Bảy, Tân Kỳ, Nghệ An
Những thuyền viên thoát nạn đã về nước
Nguyễn Văn Linh, Nghi Yên, Nghi Lộc, Nghệ An
Trương Văn Mẫu, Tân Kỳ, Nghệ An
Lê Thành Đại, Văn Thành, Yên Thành, Nghệ An
Phan Văn Quyết, Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An
Hồ Xuân Thất, Đô Thành, Yên Thành, Nghệ An
Ngô Văn Bình, Nghi Xuân, Hà tĩnh
Trương Minh Hùng, Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh
Phan Công Hợi, Kỳ Phú, Kỳ Anh, Hà Tĩnh
Xuân Hòa