Câu chuyện xúc động phía sau kỳ tích của cậu học trò Ơ Đu
(Baonghean.vn) - Trong các thế hệ học sinh người Ơ Đu theo học tại Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An, Lo Giáp Thân là thí sinh người Ơ Đu có điểm số thi vào đại học cao nhất từ trước đến nay.
Nói về Lo Giáp Thân, thầy cô, bạn bè dành nhiều sự ngạc nhiên và trân trọng về một cậu học trò dân tộc thiểu số rất ít người đầy cá tính và nghị lực. Cùng với đó, là sự cảm phục về tình thầy - trò, về người thầy chủ nhiệm sẵn sàng trở thành điểm tựa vững chắc vực dậy em sau những vấp ngã, khó khăn.
Cuộc chạy đua nước rút khi chuyển khối vào năm cuối cấp
Sau khi hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT, cậu học trò người Ơ Đu Lo Giáp Thân (sinh năm 2004) đã phải tự mình vào thành phố Huế để làm thêm với mong muốn có thêm nguồn kinh phí trang trải cho cuộc sống của gia đình.
Xa con, nhưng bố mẹ và người thân của Lo Giáp Thân đã nhận được sự an ủi lớn từ điểm số mà con mang về trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa qua. Căn nhà nhỏ của Thân tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương những ngày này đầy ắp tiếng cười khi có nhiều người thân, bà con thôn bản đến chúc mừng trước thành tích ấn tượng của em tại 3 môn xét tuyển đại học.
Đạt 8 điểm môn Ngữ văn, 8,5 điểm môn Lịch sử và 9 điểm môn Địa lý, Thân đã có một tấm vé sáng giá khi bước vào cánh cửa đại học mà mình đã chọn.
Lo Giáp Thân là học sinh người dân tộc Ơ Đu, sinh ra tại bản Văng Môn, xã Nga My huyện miền núi Tương Dương. Ảnh: NVCC |
Dân tộc Ơ Đu là cộng đồng thiểu số có ít người nhất ở Nghệ An với dân số chưa đến 1.000 người. Huyện Tương Dương là địa phương duy nhất của cả nước có dân tộc Ơ Đu sinh sống. Người dân Ơ Đu từng có ngôn ngữ, chữ viết riêng, tuy nhiên theo thời gian đã mai một và biến mất. Cộng đồng này cũng đối diện với nguy cơ biến đổi về văn hóa và chủng tộc. Trước tình hình đó, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm, hỗ trợ để cải thiện cuộc sống của bà con. Trong đó, sự học nơi đây đã có nhiều bước tiến so với trước kia.
Căn nhà nhỏ của gia đình em Lo Giáp Thân tại bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương. Ảnh: NVCC |
Tâm sự về thành tích của Lo Giáp Thân, thầy Trần Văn Sơn - giáo viên chủ nhiệm của em tại Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh cho biết: Dù rằng, xuất phát điểm của em có nhiều thiệt thòi hơn những bạn cùng lớp, nhưng ngay từ thời gian đầu tiếp xúc với em, tôi đã có ấn tượng đặc biệt về cách ứng xử nhanh nhẹn và tự tin, thông minh.
Thân không chỉ thông minh trong việc học mà còn là người rất sáng tạo trong cuộc sống sinh hoạt hằng ngày. Đơn cử như hộp đựng phấn của giáo viên lâu nay vẫn không được ai để ý, quan tâm. Nhiều lúc hộp hỏng khiến phấn phải lăn lóc trên bàn hoặc các hộp đựng thường không mang tính thẩm mỹ cao. Thân đã để ý điều đó và dùng các chai nhựa để chế tạo cho thầy cô chiếc hộp đựng phấn hình chiếc xe ô tô rất tiện dụng và đẹp mắt.
Hoặc trong ngày hội Stem của trường, em cũng đã thể hiện được những khả năng nổi bật của mình khi cùng các bạn làm sản phẩm và đứng ra đảm nhận vai trò thuyết minh. Mô hình mà Thân và các bạn xây dựng là mô hình trồng cây thủy sinh, khá mới mẻ với các bạn học cùng khóa. Tuy nhiên, chính ở trong khu nội trú, em cũng đã thể nghiệm mô hình này bằng cách trồng các loại cây hành, tỏi, gia vị trong chai nước. Những điều nhỏ bé ấy khiến em trở nên ấn tượng hơn trong mắt mọi người.
Lo Giáp Thân cùng thầy giáo chủ nhiệm Trần Văn Sơn. Ảnh: NVCC |
Nói về hành trình học tập của Thân, có một điều đặc biệt đó là việc em quyết định chuyển khối xét đại học khi đã bước vào năm học cuối cấp.
Thân chia sẻ, từ lúc học cấp 2 em đã rất yêu thích các môn học khối C, đặc biệt là môn Địa lý. Tuy nhiên, em lại lựa chọn khối B cho mục tiêu nghề nghiệp của mình. Chỉ đến năm học lớp 12, khi nhận thấy tình yêu dành cho khối C ngày càng lớn nên em đã quyết định chuyển hướng khối xét đại học.
Trong những tháng nước rút còn lại của năm lớp 12, em buộc phải lên kế hoạch ôn luyện chi tiết. Cho dù trước đó em khá lười học, nhưng khi quyết định chuyển khối, em cảm giác như niềm đam mê học tập được nhân lên. Và em nghĩ: "Mình không được lười nữa, không được phụ lòng thầy cô và gia đình". Vì vậy, quyết tâm vượt qua bản thân đã giúp em hoàn thành tốt kế hoạch chạy đua nước rút trong quá trình ôn luyện. Những kiến thức, bài giảng được sơ đồ hóa để dễ học, dễ nhớ. Các số liệu được hệ thống trong mối tương quan về thời gian, phạm vi ảnh hưởng. Từ đó kiến thức trở nên logic, dễ hiểu và sinh động lên rất nhiều.
Cầm trên tay bảng điểm sau kỳ thi, điều Thân hạnh phúc nhất đó là mình đã vượt qua được mặc cảm của một thí sinh dân tộc thiểu số để khẳng định mình. Quan trọng hơn, em đã không phụ sự quan tâm của thầy cô, bởi theo chia sẻ của em, nếu không có thầy cô, đặc biệt là thầy giáo chủ nhiệm thì em đã bỏ học ngay từ năm lớp 10. Câu chuyện về tình thầy trò được em kể lại một cách đầy xúc động...
Lo Giáp Thân (đứng đầu tiên bìa trái) là một trong 23 thanh niên Nghệ An dự Đại hội toàn quốc Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam năm 2019. Ảnh tư liệu |
Thầy cô - điểm tựa vững vàng
Trong câu chuyện của mình, Lo Giáp Thân kể nhiều về thầy Trần Văn Sơn - người thầy dạy môn Địa lý và là giáo viên chủ nhiệm của mình.
Em kể, vào năm lớp 10, em thường ngủ rất nhiều trong giờ học. Thậm chí, em là người rất hay nghịch phá trong lớp. Điều này khiến cho kết quả học tập và hạnh kiểm của em khá thấp. Vậy nhưng, điều khiến em ngạc nhiên đó là thầy giáo chủ nhiệm chưa bao giờ coi thường tư chất của mình. Thầy có buồn, có khiển trách, nhắc nhở nhưng sau đó là những lời động viên em nỗ lực vươn lên trong học tập.
Thậm chí, khi em có ý định nghỉ học, chính thầy đã đã đứng ra khuyên nhủ và đảm bảo trước Ban Giám hiệu nhà trường bằng uy tín và kinh nghiệm của mình sẽ vực dậy được con người bản lĩnh trong Lo Giáp Thân. Từng bước giúp em tạo nên giá trị mới của mình.
Sau sự việc đó, Thân đã thay đổi nhiều trong suy nghĩ và hành động. Và rồi, sau khi biết Thân có quyết định chuyển khối vào năm lớp 12 thầy Sơn và các thầy cô trong nhà trường cũng đã hỗ trợ nhiều cho em.
Vì lớp 12A4 có các bạn học khác khối nên rất khó cho việc ôn luyện. Sau một thời gian cân nhắc, tính toán, nhà trường đã quyết định một nhóm khối C để ôn luyện cho các học sinh trong đó có Lo Giáp Thân. Từ đây, hiệu quả học tập của các em được cải thiện rõ rệt. Và minh chứng là kết quả thi của Thân đạt tổng điểm 25,50 - là học sinh Ơ Đu có điểm số cao nhất từ trước tới nay ở Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An.
Tâm sự về người học trò nhỏ của mình, thầy Sơn cho biết, thầy luôn tâm niệm: Trao yêu thương sẽ nhận lại yêu thương. Người thầy giỏi là người biết cách khơi gợi hơn là truyền thụ và biết tạo cảm hứng cho trò và cho chính mình. Như vậy, mỗi nhà giáo không chỉ có nhiệm vụ truyền thụ kiến thức mà phải để cho học trò thấy được khả năng của mỗi em, truyền cảm hứng để các em tự phát huy các khả năng tiềm ẩn đó.
Kết quả 3 môn xét tuyển đại học của 7 em học trò Ơ Đu tại Trường THPT Dân tộc nội trú Nghệ An. Ảnh: Thanh Quỳnh |
Cùng với các giáo viên khác trong trường, thầy Sơn thấu hiểu sự thiếu thốn tình cảm của các em khi phải học xa nhà nên đã dành rất nhiều sự quan tâm, chăm sóc. Niềm vui đã đến khi năm nay kết quả của các em học sinh trên toàn trường đạt cao. Trong đó 7 em dân tộc Ơ Đu có kết quả điểm thi xét tuyển đại học khá tốt với 6 em trên 20 điểm và 1 em đạt 19,5 điểm (chưa tính điểm ưu tiên). Đó là tiền đề quan trọng để các em có được một khởi đầu tốt đẹp trong chặng đường tương lai phía trước./.