Câu hỏi sau hai cuộc đình công tự phát

Đã lâu lắm rồi mới thấy cư dân mạng xã hội facebook quan tâm tới việc công nhân lao động đình công; bàn luận về vai trò của tổ chức Công đoàn; và âu lo cho công tác thu hút đầu tư của tỉnh.

Người nói xuôi, kẻ nói ngược, hầu như không có sự đồng nhất. Có một số ít, có lẽ do không sát nguyên nhân dẫn đến đình công, cũng không nắm bắt đầy đủ về vai trò, trách nhiệm của tổ chức công đoàn (theo từng cấp) nên đưa ra những nhận xét chưa hẳn đúng. Nghĩ cho cùng, chẳng sao cả, thậm chí cũng đáng quý. Vì qua việc bày tỏ ý kiến cá nhân trên facebook, ít nhiều chứng tỏ họ quan tâm, lo lắng đến sự ổn định, phát triển của xã hội.

Về 2 vụ đình công đã diễn ra ở Công ty TNHH VietGlory (Diễn Châu) và Công ty TNHH EM-Tech (TP. Vinh), kiến nghị của công nhân lao động như thế nào?

Ở Công ty TNHH VietGlory, công nhân kiến nghị với 12 nội dung, gồm: Đề nghị tăng lương hàng năm cho công nhân viên; phải có phụ cấp xăng xe; phải có tiền cơm cho công nhân làm tăng ca đến 19 giờ; không ép công nhân làm thêm giờ, làm thêm giờ phải được sự đồng ý của công nhân; tăng chế độ ăn ca cho công nhân lên 20.000 đồng/phần; sản lượng tăng cao thì phải tăng tiền sản lượng cho công nhân; chủ nhật đi làm phải có tiền cơm; quy định của Nhà nước được nghỉ 6 ngày, việc công ty cho nghỉ 5 ngày trừ ngày chủ nhật thì ngày mùng 5 Tết đi làm phải được tính gấp 3; bảng lương phải rõ ràng khoản nào ghi rõ khoản đó không được gộp chung; đề nghị quản lý người nước ngoài phải tôn trọng công nhân, không chửi bới, gào thét công nhân; công nhân làm lâu năm phải có tiền làm thêm; phải có phụ cấp con nhỏ.

Còn ở Công ty TNHH EM-Tech, công nhân kiến nghị: Tại sao F1, ngồi gần F0 vẫn phải đi làm và không được nghỉ việc? Tại sao không tổ chức test Covid-19 thường xuyên cho công nhân? Chất lượng bữa ăn ca 14.000 đồng/người hiện nay không đảm bảo dinh dưỡng, nhiều công nhân phải mang đồ ăn ở nhà đi; năm 2021, nhiều công nhân không nhận được tiền hỗ trợ Covid-19 của tổ chức công đoàn dù đã nộp danh sách; công đoàn công ty chưa phát huy vai trò của mình trong nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. người lao động không biết ai có thể lắng nghe, giải đáp những thắc mắc của mình nên mới phải đình công; tăng phụ cấp cấp bậc/thâm niên cần có sự đồng đều, hợp lý; xem xét cách tính tiền chuyên cần; xem xét tăng lương cho người lao động nếu có thể.

Đến nay, khẳng định những kiến nghị của công nhân lao động của hai công ty trên là chính đáng. Bằng chứng, nội dung kiến nghị thể hiện ở hai công ty đang có những tồn tại, bất cập ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập và kể cả đời sống tinh thần của công nhân lao động. Chính vì thế, khi các cấp chính quyền, LĐLĐ cấp huyện, cùng LĐLĐ tỉnh vào cuộc thì hai cuộc đình công đều lắng dịu. Lãnh đạo của hai công ty và đội ngũ công nhân lao động đã cùng nhìn nhận lại những gì xảy ra. Những kiến nghị của công nhân lao động đã được mổ xẻ, làm rõ. Nội dung kiến nghị chính đáng trong thẩm quyền được lãnh đạo công ty nhanh chóng giải quyết; còn những nội dung vượt thẩm quyền thì lãnh đạo công ty ghi nhận, để rồi kiến nghị cấp cao hơn xem xét, giải quyết. Và, công nhân lao động đã vui vẻ trở lại làm việc.

Điều cần nói là để diễn ra đình công tự phát, sẽ ảnh hưởng trật tự xã hội, công tác phòng chống dịch Covid 19, công tác thu hút đầu tư của tỉnh… Bên cạnh đó, còn ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất kinh doanh, tổn thương hình ảnh của doanh nghiệp đang diễn ra đình công. Vì vậy câu hỏi cần đặt ra sau hai cuộc đình công tự phát này là: Ở hai công ty có số lượng công nhân lên đến hàng ngàn người ấy có tổ chức công đoàn cơ sở, nhưng tại sao lại diễn ra đình công tự phát của công nhân lao động? Tại sao người sử dụng lao động không sớm nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của người lao động, biết về những kiến nghị của họ để tổ chức đối thoại, sớm giải quyết dứt điểm để không diễn ra đình công?

Vì vậy, cần mổ xẻ, đánh giá lại vai trò của công đoàn cơ sở. Hiểu một cách đơn giản, công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp là địa chỉ tin cậy để công nhân lao động gửi gắm tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị; để từ đó, chuyển tải những nội dung này đến người sử dụng lao động, giúp họ phân tích, đưa ra hướng giải quyết dứt điểm mâu thuẫn đang diễn ra. Vậy nhưng với thực tế đã diễn ra đang cho thấy, công đoàn cơ sở ở hai công ty như không biết về vai trò, trách nhiệm của mình. Hoặc nói cách khác, công đoàn cơ sở như bị tê liệt, như không nắm bắt được tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của công nhân lao động, không biết việc đình công tự phát sẽ xảy ra.

Vì sao công đoàn cơ sở ở hai công ty này lại như vậy?

Đây là vấn đề mà LĐLĐ cấp huyện, LĐLĐ tỉnh cần quan tâm. Cần phải phân tích về nguyên nhân để đưa ra được phương cách giải quyết hữu hiệu. Để không chỉ các cán bộ công đoàn cơ sở ở hai công ty này, mà công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ý thức được vai trò, trách nhiệm. Vì chỉ đến khi công đoàn cơ sở trở thành chỗ dựa tin cậy, là thủ lĩnh của công nhân lao động; là cầu nối của công nhân lao động với người sử dụng lao động, góp phần giúp người sử dụng lao động giải quyết sớm được những mâu thuẫn phát sinh trong doanh nghiệp, thì mới không xảy ra những cuộc đình công tự phát!

Ảnh: D.T

Ý kiến bạn đọc(1)

  1. Lê Cường

    Rất hay anh à