Cầu nối giữa HTX và doanh nghiệp
(Baonghean) - Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI khẳng định: “Kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”. Thế nhưng, trên thực tế, kinh tế tập thể mà nòng cốt là các HTX phát triển rất khó khăn, những tồn tại yếu kém chậm được khắc phục. Để HTX phát triển rất cần có sự định hướng, lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền…
Khi Đảng giữ vai trò nòng cốt
HTX làng nghề ngói Cừa – Tân Kỳ với 137 lò ngói nổi tiếng khắp cả nước về chất lượng và thương hiệu làng nghề. Sau khi có Quyết định công nhận làng nghề của UBND tỉnh Nghệ An ngày 21/3/2006, HTX làng nghề làm ăn khấm khá, lợi nhuận, doanh thu năm sau cao hơn năm trước, nộp ngân sách mỗi năm trên 2 tỷ đồng. Thế nhưng, cũng từ những mâu thuẫn nội tại mà HTX xuất hiện tình trạng kiện cáo kéo dài.
Sản xuất ngói chất lượng cao tại làng nghề ngói Cừa Nghĩa Hoàn (Tần Kỳ). |
Qua tìm hiểu thực tế, là một HTX đồng thời là một làng nghề hàng năm tạo giá trị kinh tế, xã hội lớn trên địa bàn nhưng vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng và chính quyền cơ sở chưa thể hiện rõ, không nắm bắt kịp thời những mâu thuẫn để có giải pháp chỉ đạo giải quyết nên không ngăn chặn được tình trạng xã viên kéo nhau lên UBND huyện. Giải quyết vấn đề trên, UBND huyện Tân Kỳ yêu cầu HTX làng nghề ngói Cừa chỉnh đốn tư tưởng chính trị trong toàn thể đội ngũ cán bộ BQL, đề nghị cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể xã Nghĩa Hoàn tích cực vào cuộc sớm ổn định tư tưởng cho xã viên. Do sự vào cuộc muộn nên dù đã đại hội xong, Ban Chủ nhiệm mới được bầu ra nhưng nội bộ vẫn tồn tại những bất đồng, việc đổi mới HTX ở nơi đây vẫn còn những “đợt sóng ngầm”.
Khác với HTX, làng nghề ngói Cừa, ở HTX đóng tàu thuyền Nghi Thiết, Nghi Lộc, một HTX có bề dày truyền thống đóng tàu vỏ gỗ đánh bắt xa bờ, thời chiến tranh từng vinh dự đóng những con tàu không số. Trải qua hơn 700 năm, những xã viên của HTX vẫn “cha truyền con nối” tiếp tục giữ lửa nghề, rèn luyện tay thợ, học hỏi kỹ thuật để đóng được những con tàu to, với doanh thu mỗi năm khoảng 20 tỷ đồng, tạo việc làm cho hơn 500 lao động. Để đạt được kết quả đó, bên cạnh năng lực, truyền thống thì sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, của Liên minh HTX là rất quan trọng. Từ năm 2008, Huyện ủy Nghi Lộc đã ban hành “Đề án phát triển kinh tế biển”, trong đó chú trọng xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn vùng biển, ưu tiên xây dựng các công trình thiết yếu: điện, đường giao thông, thông tin liên lạc, trường học, y tế để phục vụ sản xuất và chế biến, tạo điều kiện phát triển các loại hình kinh tế, trong đó có HTX. Chú trọng phát triển tiểu thủ công nghiệp, phát huy thương hiệu các làng nghề như làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên…
Ông Bùi Quang Vinh - Chủ tịch UBND xã Nghi Thiết cho hay: HTX làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên được sự quan tâm từ tỉnh, huyện đến cơ sở. Hằng năm, huyện đều xuống làm việc với xã, qua cuộc làm việc đều có nội dung về phát triển làng nghề. Lãnh đạo xã cũng thường xuyên trao đổi thông tin với HTX, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho HTX. HTX đã phát triển thêm cơ sở sản xuất từ 12 lên 15 cơ sở, hỗ trợ nạo vét luồng lạch (300 triệu đồng) , đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông cho làng nghề. Ông Nguyễn Gia In – Chủ nhiệm HTX làng nghề đóng tàu thuyền Trung Kiên phấn khởi: HTX đóng tàu thuyền Trung Kiên có thương hiệu, uy tín lâu đời, hiện nay đã đóng tàu công suất lớn cho nhiều tỉnh, thành trên cả nước, từ Kiên Giang tới Quảng Ninh, có tàu công suất lên tới 1.000 CV. Tháng 5/2014, HTX đã được Huyện ủy Nghi Lộc cho phép thành lập Chi bộ ở HTX Làng nghề, tăng thêm vai trò lãnh đạo của Đảng trong phát triển sản xuất, kinh doanh.
Hiện thực hóa chủ trương của Thành ủy Vinh về hỗ trợ đẩy mạnh phát triển loại hình kinh tế hợp tác, UBND Thành phố Vinh đã thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX bằng nguồn vốn ngân sách của thành phố, với tổng vốn trên 5 tỷ đồng. Đây là đơn vị cấp huyện duy nhất trong cả nước lập được quỹ cho vay HTX và hoạt động khá tốt. Nhờ quỹ này, nhiều HTX nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp được vay vốn. Điển hình như HTX Quyết Thành, được vay trên 700 triệu đồng để đầu tư dây chuyền công nghệ mới; nhiều HTX nông nghiệp khác đã vay để đầu tư chuyển đổi các mô hình thâm canh nuôi trồng thủy sản, phát triển kinh tế trang trại…
Gia trại của xã viên Vương Đình Dần, HTX Phong Phú, Hưng Hòa (TP. Vinh). |
Rõ ràng để mô hình HTX phát triển tốt, vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đặc biệt quan trọng. Đó là việc phải quán triệt Nghị quyết của Đảng về kinh tế hợp tác, mục đích, ý nghĩa của kinh tế hợp tác, cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết của địa phương về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với đổi mới, phát triển HTX. Trên cơ sở tập trung nghiên cứu nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kinh tế tập thể, nhạy bén trong nắm bắt tình hình, tích cực tham mưu đề xuất với lãnh đạo xây dựng các đề án, chiến lược, giải pháp thiết thực để đẩy mạnh phát triển phong trào kinh tế hợp tác tương xứng với tiềm năng thế mạnh của tỉnh.
Liên kết giữa HTX và doanh nghiệp
Đối với nông dân, đất đai là tư liệu sản xuất sống còn, gắn chặt và tối quan trọng. Khi có một dự án mới, một đề án mới để thay đổi tư duy, cách thức làm ăn thì vai trò của các cấp ủy đảng và chính quyền địa phương rất quan trọng. Rõ ràng dự án đó, nhà máy đó không thể vào được nếu cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhà đầu tư không nói cho dân rõ, cho dân thấy được những điều hay, lẽ thiệt khi thu hồi đất. Chẳng hạn như Dự án bò sữa TH ở Nghĩa Đàn, hiện những đồng cỏ trù phú, những trại bò nối tiếp là những “mảng da báo” làng mạc, đồng ruộng của nông dân. Điều này gây khó khăn cho nhà đầu tư trong phát triển sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đặt ra vấn đề: Tại sao Tập đoàn TH không liên kết chặt chẽ với nông dân, không để bà con thành lập ra những HTX cung ứng nguyên liệu cho nhà máy?
Cuối tháng 4/2014, trong chuyến làm việc tại Nghệ An, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông đã đi thăm một số cơ sở kinh tế và có những tư vấn quan trọng về phát triển kinh tế hợp tác xã. Với sự trải nghiệm về những mô hình HTX ở nhiều nước, ông đã gợi mở ra những cách làm cho doanh nghiệp sữa TH về mô hình HTX. Ông cho rằng, thay vì doanh nghiệp cứ nằng nặc đòi cho được đất của nông dân để sản xuất trong khi có thể tận dụng HTX để làm vệ tinh cho mình, gánh vác bớt phần việc cho mình bằng việc hài hòa trong lợi ích. Đó có thể là HTX trồng ngô, trồng mía, nuôi bò để cung ứng ngô, mía, sữa… cho nhà máy, hoặc ngay cả HTX cũng thể tự đứng ra thành lập doanh nghiệp, đầu tư nhà máy để cùng hưởng lợi như ở một số nước phát triển, đặc biệt là Nhật Bản…
Ông đã tính toán cái lợi hơn và vững bền hơn khi một tập đoàn lớn như TH có được những HTX làm vệ tinh cho mình, nhờ đó, đời sống người nông dân sung túc hơn, đầy đủ hơn, trách nhiệm hơn với công việc và lao động theo tư duy mới. Hiện nay, doanh nghiệp thường ký với nhóm hợp đồng, với từng người dân thì nay họ có thể ký với HTX bằng những qui định cụ thể, chặt chẽ. Song song với đó, HTX cần thu hút đông đảo nông dân tham gia, với những nội quy, quy chế cụ thể. Chăn nuôi hay trồng trọt thì HTX cũng cần giám sát từ đầu đến cuối, tạo ra nguồn nguyên liệu hiệu quả nhất. Bên cạnh đó doanh nghiệp bớt lợi nhuận để đầu tư cho HTX, cho nông dân. Quan trọng hơn cả là bầu không khí làm ăn “đôi bên cùng có lợi”, hiểu biết, chia sẻ lẫn nhau, bởi theo ông Đông trong nhiều HTX đã có thể tự lập ra các doanh nghiệp, đầu tư các nhà máy. Tuy nhiên, không thể “ra” được HTX nếu thiếu vai trò, định hướng của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với người dân, để nông dân thấy cái hay, cái tốt của những mô hình HTX, tính chuyên nghiệp của phương thức làm ăn này.
Rõ ràng, HTX có vai trò to lớn trong khu vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân, điều này đã thấy ở các HTX nông nghiệp, HTX làng nghề, HTX điện năng… nhưng những mô hình HTX có nhiều lợi nhuận và bền vững, vệ tinh cho DN, hài hòa trong lợi ích chung thì không chỉ trên địa bàn tỉnh mà trên cả nước còn rất ít. Thống kê cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 555 HTX, trong đó có 389 HTX thuộc các lĩnh vực nông nghiệp, 6 HTX giao thông vận tải, 54 quỹ TDND, 30 HTX tiểu thủ công nghiệp, 27 HTX dịch vụ thương mại, 4 HTX môi trường, 20 HTX dịch vụ điện, 9 HTX xây dựng, 16 HTX thuộc lĩnh vực khác. Các HTX đã thu hút 265.362 xã viên và 52.162 lao động làm việc. Tuy nhiên, một thực tế đó là trong số đó, rất nhiều HTX yếu kém, kinh doanh không hiệu quả, thiếu vốn, trì trệ. Mục tiêu của Nghệ An phấn đấu đến năm 2015 có 1.000 hợp tác xã và liên hiệp HTX; số hợp tác xã mới trên các lĩnh vực tăng bình quân 50 – 80 hợp tác xã/năm. Đẩy mạnh việc xây dựng phát triển các loại hình hợp tác xã trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung phát triển mô hình hợp tác xã lâm nghiệp, làng nghề, dệt may thổ cẩm… ở các huyện miền núi, phấn đấu đến 2015, không có huyện “trắng” về hợp tác xã. Tuy nhiên, điểm yếu của tỉnh ta hiện nay vẫn chưa có được những mô hình HTX lớn như Coop Mart Thành phố Hồ Chí Minh, HTX Rạch Gầm (Tiền Giang) Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới… làm tiền đề, điểm tựa để nhân rộng, trong khi điều kiện nhân lực Nghệ An là rất phù hợp.
Để kinh tế hợp tác ngày càng khẳng định vai trò quan trọng, các cấp ủy, chính quyền địa phương cần họp dân, cho bà con thêm quyền trong thỏa thuận, hợp tác với các DN, để chứng minh HTX là một mô hình thích hợp nhất ở nông thôn khi liên kết với DN. DN cùng HTX ký hợp đồng hợp tác, tạo chuỗi liên kết trong phát triển một cách bền vững. Quan trọng là vận động nông dân theo mô hình HTX kiểu mới của Luật HTX sửa đổi 2012. Vào HTX phải bán hàng hóa cho HTX, tuân theo nội quy, quy chế. Đồng thời, phải tăng cường rà soát, đổi mới HTX, đối với những HTX đang hoạt động hiệu quả, các cấp ủy đảng, chính quyền cần rà soát lại, bổ sung thêm chức năng, nhiệm vụ theo Luật HTX 2012. Những HTX làm ăn không hiệu quả cần giải thể hoặc tổ chức lại để làm sao có hiệu quả. Bên cạnh đó, cần xây dựng được HTX điển hình, HTX theo mô hình mới, có quy mô lớn, tầm ảnh hưởng rộng đáp ứng được mọi nhu cầu của người dân nhất là ở nông thôn.
Để các HTX phát triển tốt hơn theo định hướng chủ trương của Nhà nước, phù hợp với xu thế phát triển, định kỳ hàng quý, các cấp ủy, chính quyền dành thời gian xuống với các HTX, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của các xã viên, giải quyết sớm các mâu thuẫn nội bộ, các vướng mắc khó khăn, đánh giá việc thực hiện ở cơ sở các nghị quyết, kết luận của Trung ương, các đề án của địa phương về kinh tế hợp tác. Bên cạnh đó Liên minh HTX cũng cần dày công hơn, phối hợp tốt với các ngành, các cấp, các địa phương để xây dựng được các HTX điển hình, có sức lan tỏa lớn. Tăng cường công tác kiểm tra, chỉ đạo, định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết, Luật Hợp tác xã, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với kinh tế tập thể. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các mô hình hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân, làng nghề sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao và có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Châu Lan