Đơn cử, tại đường Lê Duẩn, cơ quan chức năng đã cho xây dựng cầu vượt dành cho người đi bộ tại ngã tư Lê Duẩn - Nguyễn Văn Trỗi, còn gọi là ngã tư Đại học Vinh. Cầu có chiều dài 36,3m, chiều rộng 2,4m được làm bằng dầm thép đúc sẵn, phía trên lợp mái che dạng vòm, tổng mức đầu tư khoảng 3 tỷ đồng. Cầu được đưa vào sử dụng từ tháng 11/2016. Tuy nhiên, trên thực tế cầu chỉ phát huy tác dụng thời gian đầu, bởi lý do người dân quanh đây, cũng như sinh viên tò mò, muốn đi thử cho biết, rồi không ít sinh viên lên cầu cũng chỉ để chụp ảnh đăng Facebook. Nhưng sau đó, cũng như thực tế hiện nay cầu gần như không phát huy tác dụng. Ảnh: Đình Tuyên Trong khi đó, theo quan sát của chúng tôi, vào các giờ cao điểm, như đầu buổi sáng, buổi chiều, những lúc tan học thì cũng là lúc sinh viên của Trường Đại học Vinh vô tư tràn ra đường, bất chấp các phương tiện qua lại. Ảnh: Đình Tuyên Nhiều sinh viên đi bộ dàn hàng ngang qua đường bất kể vị trí nào, tạo nên cảnh hỗn loạn, mất trật tự ATGT, và thực tế đã có không ít vụ va quệt xảy ra. Ảnh: Đình Tuyên Nhiều sinh viên trong lúc qua đường còn vừa nhắn tin, nghe nhạc... Ảnh: Đình Tuyên Tương tự, ngay trước Bến xe Bắc Vinh, cửa ngõ phía Bắc của TP Vinh, với mật độ xe cộ lưu thông đông, bởi vậy để thuận tiện cho người dân, nhất là hành khách đi từ nội thành ra bến để bắt xe đi, ngay tại đây cũng đã được lắp đặt cầu vượt đi bộ bắc qua đường Thăng Long, với thiết kế tương tự cầu vượt bắc qua đường Lê Duẩn. Ảnh: Đình Tuyên Tuy nhiên, hiện nay cũng rất ít người sử dụng, tại vị trí thang dẫn 2 đầu cầu trở thành điểm ngồi chờ khách của các bác tài xe ôm, còn người đi bộ vẫn thản nhiên băng qua đường. Ảnh: Đình Tuyên Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó có thói quen của người đi bộ hiện nay, bởi phần lớn khi được hỏi đều trả lời, đi trên cầu vượt an toàn nhưng mất thời gian, trèo lên mệt, trong khi đó đi tắt qua đường nhanh hơn. Một sinh viên thú nhận: Học đến năm thứ 2 rồi nhưng chưa lần nào em đi trên cầu vượt, bởi thực tế đi tắt qua đường tiện hơn, vả lại cũng chưa ai bị phạt vì đi bộ qua đường nên cũng thành quen... (Trong ảnh: Cầu vượt tại ngã tư Đại học Vinh). Ảnh: Đình Tuyên Trên thực tế, ước tính cầu vượt đi bộ cao khoảng 5-6 mét với đường dẫn lên và xuống, nếu đi qua cầu cũng chỉ tốn khoảng gấp 2 lần quãng đường so với việc băng qua đường với nhiều nguy hiểm cho cả người đi bộ, lẫn các phương tiện lưu thông khác. Nhưng đáng nói ở đây, mặc dù theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, các trường hợp người đi bộ không đi đúng phần đường quy định, vượt qua dải phân cách, đi qua đường không đúng nơi quy định hoặc không bảo đảm an toàn sẽ bị phạt tiền 60.000 - 100.000 đồng/trường hợp. Tuy nhiên, từ trước đến nay lực lượng chức năng chủ yếu nhắc nhở, ít thực hiện xử phạt người đi bộ băng ngang đường. Chính điều này tạo tâm lý chủ quan, người dân chưa có ý thức chấp hành. Ảnh: Đình Tuyên Ông Phan Huy Chương - Phó Trưởng ban Chuyên trách Ban ATGT tỉnh cho biết, thời gian tới Ban An toàn giao thông sẽ có kế hoạch tuyên truyền, vận động nhắc nhở người dân đi đúng quy định, khuyến khích sử dụng cầu vượt đi bộ để đảm bảo an toàn, không gây cản trở giao thông. (Trong ảnh: Cầu vượt đường bộ trước Bến xe Bắc Vinh). Ảnh: Đình Tuyên Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu bố trí biển báo yêu cầu người dân đi lên cầu vượt đi bộ, tăng cường công tác quản lý, duy tu bảo dưỡng, đảm bảo vệ sinh. Hơn hết, trong lúc người đi bộ chưa thực sự tự giác, lực lượng Cảnh sát giao thông cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm hành vi này. Đặc biệt, phải lưu ý xử lý người đi bộ băng ngang đường ở các khu vực có cầu vượt đi bộ nhưng người dân không đi. Có như vậy mới không gây lãng phí công trình giao thông tiền tỷ như hiện nay, góp phần giảm ùn tắc, tai nạn giao thông trên địa bàn, cũng là để xây dựng, hình thành nếp văn hóa cho người tham gia giao thông. Ảnh: Đình Tuyên
POWERED BY
ONE CMS - A PRODUCT OF
NEKO