Ngày cầu hoàn thiện, dẫu không có màn cắt băng khánh thành, không có lễ thông xe, không cờ hoa rực rỡ nhưng người dân Thanh Mỹ rất háo hức, phấn khởi, nhất là 3 gia đình mẹ con bà Viết. Đon đả rót nước mời khách ngay đầu mố cầu, bà Viết phấn khởi: “Rồi cũng kịp xong cây cầu trước năm học mới, trước mùa mưa lũ. Tiền bỏ ra đã đành, ròng rã gần 2 tháng trời, mấy mẹ con lăn lộn với việc xây cầu”.
Rú Gát nằm cách biệt khỏi khu dân cư xóm Mỹ Hưng (xã Thanh Mỹ) bởi con khe Gát, nơi đổ về của các con khe khác trong vùng. Bình thường, muốn từ bên kia rú sang bên này khu dân cư và ngược lại thì người dân phải đi đường vòng cách đó 5 cây số hoặc đi bằng cầu tạm chỉ vừa một chiếc xe máy. Còn mùa mưa lũ thì cô lập hoàn toàn khi nước khe Gát dâng cao, cầu tạm bị lũ cuốn trôi.
“Vất vả lắm, trẻ con không thể đến trường, gần chục hộ dân cũng không thể qua khe để hái chè. Thế nên, rất nhiều năm nay, 3 gia đình chúng tôi chỉ có một ước nguyện là xây được cây cầu bê tông kiên cố, nối liền hai bờ. Vừa để cho các con đi học an toàn, vừa để các hộ dân thuận tiện trong sản xuất”, anh Võ Đình Phúc cho biết.
Làm xây dựng lâu năm, có kinh nghiệm và được hỗ trợ từ một người thiết kế công trình giao thông nên anh Võ Đình Phúc đã hoàn thiện bản thiết kế cầu với chiều dài 17m, rộng 2,5m, cao 5m. Đồng thời, gửi tờ trình lên xã để xin được xây cầu. Và để xây cầu, 3 mẹ con anh phải tự góp tiền thuê máy múc, thuê nhân công, mua vật liệu. Số tiền dự kiến ban đầu khoảng 150 triệu đồng. Nhưng quá trình làm lại phát sinh ra rất nhiều chi tiết khác nên kinh phí đã đội lên trên 250 triệu đồng.
Đó là chưa kể, gần 2 tháng trời, 3 mẹ con anh Phúc lăn lộn bỏ công sức cùng tốp thợ để đỡ phần nào tiền công. Lo lắng vì kinh phí đội lên khá nhiều, vất vả khi đổ công sức ra để xây cầu nên chỉ trong 2 tháng mà anh Phúc sụt gần 5kg, mặt hốc hác, da chai sạm. Vợ anh phải ra Bắc Ninh làm công nhân để trang trải chi tiêu trong thời gian anh nghỉ việc thợ xây để làm cầu. Gia đình anh trai của anh Phúc là Võ Đình Hạnh cũng phải đi làm ăn xa để có tiền gửi về góp cùng em trai xây cầu, còn bà Viết, mẹ anh cũng dồn toàn bộ số tiền tích góp được để dưỡng già góp vào làm cầu cùng con.
“Số tiền đó, đối với các hộ cận nghèo, thuần nông như chúng tôi thật sự rất lớn, phải gom góp hàng năm trời mới có được. Nhưng, xây cầu vượt lũ là chuyện cấp thiết nên cũng phải chắt chiu, dành dụm bỏ tiền của, công sức.
Dẫu khó khăn, dẫu vất vả, dẫu phải chắt bóp và phải đổ công sức ra làm lụng để có tiền bù vào chi phí đã làm cầu nhưng chúng tôi cũng rất mãn nguyện. Tạo động lực lớn nhất cho chúng tôi là được sự đồng tình ủng hộ của chính quyền địa phương, sự động viên khích lệ của bà con lối xóm”, anh Phúc chia sẻ.
Điển hình về huy động sức dân
Cây cầu hoàn thành, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các con của gia đình anh Viết đến trường thuận lợi, không chỉ 3 hộ gia đình anh đi lại thuận tiện mà cũng giúp cho 7 hộ gia đình có đất canh tác ở rú Gát đỡ vất vả.
Ông Phạm Xuân Lực - Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ cho biết: “Rú Gát có diện tích đất sản xuất khoảng 10ha với gần 10 hộ trồng chè, keo. Trước, để sang rú Gát canh tác thì người dân phải đi đường vòng hoặc lội khe nên rất vất vả. Nhất là mùa mưa lũ, khi nước dâng cao thì cô lập hoàn toàn nên vừa vất vả cho các hộ trong đi lại, sinh hoạt, sản xuất nhưng cũng rất khó khăn cho địa phương trong việc cứu trợ, cứu hộ, phòng chống thiên tai của địa phương. Nay, có cầu, những khó khăn trên đã phần nào được tháo gỡ”.
Cùng chung tay với 3 hộ dân xây cầu, chính quyền xã Thanh Mỹ cũng đã hỗ trợ 12 tấn xi măng; huy động các tổ chức đoàn thể giúp một số ngày công và thường xuyên đến động viên, giám sát chất lượng quá trình thi công.
Trong sự hân hoan phấn khởi khi cây cầu bắc qua khe Gát hoàn thành và đưa vào sử dụng, đối với các hộ có đất trồng chè, keo ở rú Gát thì niềm vui đó nhân lên gấp bội. Chị Trần Thị Hà (chị dâu anh Võ Đình Phúc), một trong 3 hộ đóng tiền xây cầu cho biết: “Vì điều kiện riêng và do khi xây cầu chúng tôi cũng không vận động các hộ có đất sản xuất ở rú Gát đóng tiền nên kinh phí hoàn toàn do 3 gia đình chúng tôi bỏ ra. Thế nhưng, cầu xây xong, các hộ có đất sản xuất, các hộ có nhu cầu đi lại khi sản xuất, thu hoạch thì chúng tôi sẵn sàng tạo điều kiện”.
Đánh giá về việc tự bỏ tiền xây cầu của 3 hộ gia đình ở xã Thanh Mỹ, ông Trình Văn Nhã - Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương nhấn mạnh: “Các hộ dân đứng ra đảm nhận việc những việc xây cầu rất đáng biểu dương, là việc làm rất đáng được trân trọng và nể phục. Trong quá trình làm cầu, điều đáng ghi nhận là chính quyền địa phương từ xã đến huyện đã cùng đồng hành, cùng vào cuộc hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân từ việc thiết kế đến hỗ trợ xi măng, động viên, khích lệ.
Đồng thời, giám sát song hành để đảm bảo yếu tố kỹ thuật, mĩ thuật, an toàn khi đưa cầu vào sử dụng. Qua đó cho thấy, khi cấp ủy, chính quyền làm tốt công tác tư tưởng thì người dân sẽ đồng thuận, sẵn sàng đứng ra đảm nhận những việc khó, có thể chúng ta chưa dám nghĩ đến. Đây chính là yếu tố then chốt thúc đẩy tiến trình xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhất là trong việc huy động sức dân”.