'Cha cõng con' lay động vô vàn cảm xúc người xem

06/04/2017 16:00

Điểm nổi bật trong bộ phim truyện Việt Nam 'Cha cõng con' là những khung hình giàu cảm xúc, khiến dư âm đọng lại từ tác phẩm này chỉ như tiếng cá quẫy nhẹ nơi tâm trí.

Từ 5/4, tác phẩm điện ảnh Cha cõng con sẽ chính thức đến với khán giả trong nước. Đây là dự án phim độc lập có thời gian “thai nghén” rất dài của đạo diễn Lương Đình Dũng.

Hơn 20 năm trước, cảm xúc đến với đạo diễn kiêm tác giả kịch bản từ việc chứng kiến cảnh một người con dùng gậy đánh cha mình tứa máu; nhưng người cha vẫn tha thứ cho người con, khăng khăng tin rằng ông có thể khuyên nhủ con tỉnh ngộ.

Cha cõng con' là một bộ phim nhẹ nhàng về tình cha con, về cuộc sống của những người dân miền núi khắc khổ
'Cha cõng con' là một bộ phim nhẹ nhàng về tình cha con, về cuộc sống của những người dân miền núi khắc khổ

Sự nhẫn nại của người cha đánh động cảm xúc của Lương Đình Dũng, thúc đẩy anh viết truyện ngắn Cha cõng con, sau chuyển thể thành kịch bản và nay đã thành bộ phim có mức đầu tư khá lớn, do chính anh đạo diễn.

Do thời điểm ra đời nên Cha cõng con mang màu sắc của những năm 1990. Tuy vậy, tập trung vào chủ đề về tình cha con, tình người, sự kết nối của con người trong thế giới hiện đại và thế giới tự nhiên; các nhà làm phim đã cố tình xóa nhòa yếu tố thời gian, địa lý, nên phim gần như không có rào cản nào cho sự tiếp cận của khán giả.

Những bối cảnh chính của phim, từ vùng núi cao Hà Giang đến vùng đồng bằng, đô thị như TP.HCM, Hà Nội đều được bỏ qua yếu tố định danh để trở thành môi trường sống chung, mà ở đó mỗi người đối diện với đời sống và nỗi niềm riêng của mình.

Cụ thể, Cha cõng con xoay quanh cuộc sống của người cha tên Mộc (Ngô Thế Quân) và người con tên Cá (bé Đỗ Trọng Tấn). Trong một ngôi làng nhỏ đồi núi chập chùng, người cha mưu sinh bằng việc bắt cá bán.

Như mọi cư dân khác trong làng, họ nghèo khó, thiếu thốn về vật chất, gia sản lớn nhất của họ có lẽ là tình yêu thương dành cho nhau và cuộc sống giữa thiên nhiên bao la mà thỏa sức thả trôi trí tưởng tượng.

Gần nửa đầu phim có tiết tấu khá chậm, có lẽ để người xem dần hòa nhập với đời sống êm đềm khi trời quang và dữ dội khi mùa lũ quét kéo về. Sự dấn thân của đoàn phim trong việc ghi lại những cảnh cuồng nộ rất thực từ thiên nhiên và nhãn quan duy mỹ của đạo diễn, quay phim đã giúp Cha cõng con có được rất nhiều khung hình mang vẻ đẹp đơn sơ và hùng vĩ.

'Cha cong con' va hanh phuc trong tàm tay
'Cha cõng con' chinh phục khán giả bằng cách len lỏi nhẹ nhàng vào tâm hồn người xem

Khi đã đưa được khán giả “bước vào” bộ phim, thấy yêu bé Cá mẫn cảm, cảm mến người cha chất phác, bộ phim mở ra ngã rẽ mới. Dù suốt 90 phút của phim không có đoạn nào kịch tính; nhưng không có nghĩa là Cha cõng con không khiến trái tim người xem thắt lại.

Khi tiền bạc, vật chất không phải thứ để bận tâm thì việc con người bị cướp đi thứ tài sản lớn nhất là không gian sống chan chứa tình người và thiên nhiên thuần khiết, đặc biệt là những người thân, thì đời sống ấy còn có ý nghĩa gì?

Ngay từ đầu phim đạo diễn đã khắc họa sự đớn đau đến câm lặng, như thể mất hồn của người phụ nữ bị mất chồng, mất con sau cơn lũ quét. Giờ đây, mất mát ấy có nguy cơ lặp lại với cha con Cá khi cậu bé lâm bệnh hiểm nghèo. Khán giả đã được chứng kiến hạnh phúc bình dị mà đẹp đẽ của hai cha con.

Với Cá, cha mình chính là người sẽ đưa mình đến nơi có ánh sáng lung linh, chạm tới những ước mơ cao rộng. Còn với người cha làm nghề bắt cá, cậu con trai bé nhỏ duy nhất chính là cả bầu trời của anh.

Những diễn viên nhí không chuyên chính là linh hồn của bộ phim
Những diễn viên nhí không chuyên chính là linh hồn của bộ phim

Thay vì tìm một phụ nữ khác sau khi mẹ của Cá qua đời, anh đã dồn mọi yêu thương cho con. Vậy mà cái “tài sản” không gì sánh được ấy có nguy cơ bị cơn bão cuộc đời cuốn trôi. Để có thể chữa bệnh cho con trên thành phố, người cha cần phải bắt đến hàng trăm ngàn con cá ở núi đồi - một trò đùa của tạo hóa?

Sau tất cả, giá trị của bộ phim nằm ở tính nhân văn và chuỗi hình ảnh biểu tượng giàu sức gợi. Hình ảnh đáng giá đầu tiên, như tên phim, là những cảnh đúng nghĩa đen khi chú Mù (vốn làm công nhân xây dựng ở thành phố) cõng trên vai những đứa trẻ lí lắc bước trên quả đồi, khi người cha cõng con leo từng bậc thang của tòa nhà chọc trời…

Một cặp hình ảnh biểu tượng đẹp, có tính đối lập đáng nhớ khác trong phim là cảnh Cá và cha ngồi bồng bềnh trên khúc gỗ nơi hồ nước xanh có đàn cò trắng vỗ cánh bay qua và cảnh hai cha con đứng chông chênh trên nóc tòa cao ốc nơi phố thị. Những hình ảnh ấy gợi cho người xem nỗi băn khoăn: đâu mới là nơi hai cha con ấy được hạnh phúc và thuộc về?

Bộ phim độc lập đang đến với nhiều liên hoan phim thế giới ấy còn khiến người xem suy nghĩ về một vấn đề thật sự quan trọng của con người là tình yêu và sự san sẻ mà mỗi người dành cho nhau. Xem phim, hẳn mỗi người sẽ muốn nắm tay, ôm lấy người bên cạnh mình.

'Cha cong con' va hanh phuc trong tàm tay
'Cha cõng con' - khúc hát ru về tình phụ tử

Những người làm cha mẹ và cả những người làm con có thể chợt thấy mình không nên hoài phí những tháng ngày còn được bên nhau, trước khi có một điều gì đó không lường được xảy ra. Thêm một chi tiết nhỏ, mà nếu để ý kỹ người xem sẽ thấy ấm lòng, như một “cái kết có hậu” được đạo diễn cài cắm, là cảnh vẫn còn một người phụ nữ chờ đợi cha và con ở chốn quê nhà.

Theo Phunuonline.com.vn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
'Cha cõng con' lay động vô vàn cảm xúc người xem
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO