"Cha mẹ cần nói chuyện biển đảo trong mỗi bữa ăn"

19/05/2014 20:05

Theo PGS Văn Như Cương, đây là lúc cha mẹ cần nói cho con hiểu chuyện biển đảo trong mỗi bữa ăn, là thời cơ để nhà trường giáo dục lòng yêu nước cho HS và là cơ hội để nói thẳng, nói đúng sự thật trong SGK mới.

Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú xếp hình đất nước. Ảnh: Văn Chung
Học sinh Trường THPT Phan Huy Chú xếp hình đất nước. Ảnh: Văn Chung

Đất nước đang lâm nguy

- Thưa ông, thời gian qua ông có theo dõi diễn biến Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng thuộc chủ quyền của Việt Nam không và ý kiến của ông?

Tôi theo dõi rất sát và đọc tin tức ở trên các báo về vấn đề này và chung tâm trạng bức xúc của mọi người dân Việt Nam. Có thể nói đất nước ta đang lâm nguy trước hành động trắng trợn của Trung Quốc nên tôi luôn theo dõi mọi tình hình cụ thể.

Những hành động vừa qua của Trung Quốc, từ vấn đề đường Lưỡi bò đến việc cắm giàn khoan, tôi nghĩ là một âm mưu từ rất lâu muốn chiếm trọn Biển Đông... Mặt khác họ muốn đánh bẹp ta về ý chí bảo vệ lãnh thổ...

PGS Văn Như Cương:
PGS Văn Như Cương: "...Đây cũng là cơ hội chứng tỏ được dân ta giữ được truyền thống đoàn kết, nhất trí và không chịu làm nô lệ"

Rõ ràng chúng ta đang phải đương đầu với một lực lượng rất lớn và phải có kế sách. Do đó cảm nhận đầu tiên của tôi là lo lắng. Nhưng đây cũng là cơ hội chứng tỏ được dân ta giữ được truyền thống đoàn kết, nhất trí và không chịu làm nô lệ. Vấn đề đặt ra lúc này là chúng ta phải đoàn kết.

- Ông đánh giá như thế nào về hành động của Việt Nam, của Đảng và Chính phủ, các Bộ ngành và nhân dân?

Trước mắt, theo dõi diễn biến, tôi tán thành chủ trương chung của Việt Nam, rất lớn và rõ ràng: Không nhân nhượng, không khiêu khích để chiến tranh xảy ra. Chúng ta đấu tranh vì mọi mặt trên tinh thần ngoại giao, hợp tác, tranh thủ bạn bè...

Cách làm đó là đúng; không dại gì mà gây hấn trước dù họ có những hành động chèn ép.

Khi chúng ta có những nhận xét người này, người kia chưa lên tiếng - theo tôi đó là sách lược từng lúc của chúng ta phải làm. Tôi nghĩ là Đảng, Nhà nước ta cũng có những đường lối, những kế hoạch trong những tình hình thế này. Chúng ta nên tin tưởng vào đường lối của Đảng, Nhà nước.

Về lâu dài thì phải có sách lược. Chủ trương đấu tranh về vấn đề này là rất dài. Làm thế nào để coi đây là cơ hội để đoàn kết nhân dân.

Cảm giác của tôi là có rất nhiều người tỏ ra thất vọng với tầng lớp thanh niên hiện nay chỉ quen hưởng thụ. Nhưng chỉ trong những hoàn cảnh như thế này mới bộc lộ rõ bản chất của thanh niên. Chúng ta thấy rằng họ luôn đoàn kết, gắn bó và có những hành động cụ thể.

Đây là cơ hội tốt nhất để hình thành khối đoàn kết dân tộc được củng cố mãnh liệt hơn và phát huy tinh thần yêu nước của tầng lớp thanh niên.

Nói đúng sự thật để người trẻ hiểu

- Vậy theo ông, chúng ta nên chớp cơ hội này như thế nào, cụ thể là trong giáo dục thế hệ trẻ?

Trong hòa bình chúng ta lo làm ăn kinh tế, ít quan tâm đến giáo dục tình yêu đất nước, đoàn kết dân tộc - đó là một thiếu sót. Thế hệ chúng tôi dạy con cái rất dễ vì đang kháng chiến trường kỳ, chuyện giáo dục lòng yêu nước được đề cập thường xuyên trong mỗi bữa ăn. Qua đó tinh thần yêu nước luôn luôn được khơi dậy từng ngày một.

Bởi vậy, với giáo dục, thông tin thời sự này rất quan trọng. Đây là lúc các cha mẹ cần có cách trò chuyện để các em quan tâm đến vấn đề thời sự chủ quyền biển đảo trong các bữa cơm gia đình.

Còn trong trường học, tôi nghĩ các thầy cô chưa nói nhưng các em đều biết và nắm được thông tin. Các thầy cô giáo bộ môn đặc biệt là thầy cô giáo dạy lịch sử phải có cập nhật thời sự để nói rõ với học sinh, giúp các em hiểu tình hình. Kinh nghiệm trường tôi nếu phát động phong trào gì các em đều có ý thức lắng nghe.

- Bộ GD-ĐT đang trên đường lắng nghe, hoàn thiện để ban hành chương trình và bộ sách giáo khoa mới. Ông có đề xuất gì cho việc hoàn thiện chương trình giáo dục mới, cụ thể là vấn đề chủ quyền biển đảo?

Từ trước đến nay vấn đề biển đảo cũng được đề cập trong chương trình sách giáo khoa lịch sử. Môn địa lí cũng đã có đề cập khi nói đến bản đồ Việt Nam, có nói đến Trường Sa, Hoàng Sa.

Tuy nhiên, môn lịch sử không phải cơ hội nào cũng nói về biển - nhưng chúng ta cũng đã có đề cập đến biển đảo, chiến tranh biên giới. Vấn đề này cũng cần phải có điều chỉnh để học sinh nắm được sâu hơn.

Ví dụ bài học ta nói đến đánh thắng giặc Minh như thế nào, đánh trên biển thế nào, đánh trận Bạch Đằng như thế nào thì phải có liên hệ và nói cho rõ ràng. Chúng ta cứ e ngại nói thẳng thì tổn hại quan hệ. Chúng ta phải nói đúng sự thật để thanh niên hiểu.

Tôi phải khẳng định lại đây là thời cơ để hình thành khối đoàn kết dân tộc và giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Vietnam.net

Mới nhất
x
"Cha mẹ cần nói chuyện biển đảo trong mỗi bữa ăn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO