Chấn chỉnh dạy thêm, học thêm bậc Tiểu học: Giảm áp lực cho học sinh

(Baonghean) - Ngày 3/11/2014, Bộ Giáo dục - Đào tạo ban hành Chỉ thị 5105-CT/BGD&ĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với giáo dục tiểu học. Các quy định trong chỉ thị này được dư luận rất quan tâm. Phóng viên Báo Nghệ An đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ - Nhà giáo ưu tú Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An về vấn đề này...
Giờ học Ngoại ngữ của học sinh Trường Tiểu học Hòa Hiếu 2, TX. Thái Hòa. 	Ảnh: Nguyên Sơn
Giờ học Ngoại ngữ của học sinh Trường Tiểu học Hòa Hiếu 2, TX. Thái Hòa. Ảnh: Nguyên Sơn
P.V: Là nhà quản lý giáo dục và đào tạo, ông có đánh giá như thế nào về chỉ thị của Bộ GD&ĐT? Sở GD&ĐT Nghệ An đã triển khai chỉ thị này như thế nào?
Ông Thái Huy Vinh: Tôi thấy Chỉ thị 5105 ngày 3/11/2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về việc chấn chỉnh dạy thêm và học thêm bậc tiểu học là hết sức cần thiết, đúng đắn, kịp thời và phù hợp. Theo chỉ thị, đối với các trường và lớp dạy học 2 buổi/ngày, Bộ GD&ĐT yêu cầu phải hướng dẫn học sinh hoàn thành nội dung học tại lớp; nghiêm cấm giao bài tập về nhà cho học sinh; khuyến khích tổ chức cho học sinh để sách vở, đồ dùng học tập tại lớp. Đối với các trường và lớp dạy học 1 buổi/ngày, chỉ giao bài tập về nhà tối đa bằng số lượng bài tập của học sinh học 2 buổi/ngày; không giao bài tập ngoài sách giáo khoa. Bộ GD&ĐT cũng không cho phép tổ chức thi học sinh giỏi đối với học sinh tiểu học; không tổ chức các đội tuyển tham gia các hoạt động giao lưu, các “sân chơi” trí tuệ. Việc nghiệm thu chất lượng giáo dục và bàn giao học sinh từ lớp dưới lên lớp trên, từ tiểu học lên trung học cơ sở phải được thực hiện một cách nghiêm túc; đồng thời, không tổ chức khảo sát học sinh đầu năm học, không tổ chức thi tuyển học sinh vào lớp 6.
Để thực hiện chỉ thị đó của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT Nghệ An đã có công văn nhằm quán triệt, chỉ đạo các phòng GD&ĐT, các trường tiểu học thực hiện nghiêm túc chỉ thị này, đảm bảo dứt khoát 5 không: Đối với học sinh học 2 buổi/ngày, không ra bài tập về nhà; không thi học sinh giỏi tiểu học; không thành lập các đội tuyển để bồi dưỡng, các sân chơi trí tuệ; không kiểm tra chất lượng đầu năm học; không thi tuyển vào lớp 6. Sở cũng khuyến khích các trường tiểu học, những nơi học 2 buổi/ngày, học sinh để sách vở tại trường, chỉ trừ thứ 6 đưa về cho phụ huynh kiểm tra, xem xét để có sự phối hợp giữa phụ huynh và nhà trường.
P.V: Nhiều phụ huynh băn khoăn, nếu như không giao bài tập về nhà, các em không phải làm bài tập, không được củng cố lại kiến thức đã học, liệu có ảnh hưởng đến chất lượng học của các em? Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Thái Huy Vinh: Không ra bài tập về nhà cho học sinh là việc hết sức đúng đắn. Phụ huynh do quen với cách học cũ nên nóng ruột khi giáo viên không ra bài tập về nhà. Nhưng phụ huynh hãy yên tâm, nhà trường phải dạy đầy đủ kiến thức, kỹ năng theo quy định và nâng cao chất lượng - nhất là những trường dạy ngày 2 buổi, quan tâm đến từng học sinh, đánh giá chính xác trình độ của từng em và bồi dưỡng ngay ở trên lớp. Những em có hoàn cảnh khó khăn trong việc học tập, nhà trường phải có kế hoạch riêng để kèm cặp những em đó.
Đối với trẻ em - là học tập, vui chơi và ăn ngủ phải được cân đối, hài hòa để phù hợp đặc điểm lứa tuổi. Học ở trường cả ngày rồi, ban đêm có thể cho các em vui chơi giải trí như xem tivi hoặc các hoạt động khác cũng rất bổ ích. 
Đồng chí Thái Huy Vinh trả lời phỏng vấn của báo Nghệ An.
Đồng chí Thái Huy Vinh trả lời phỏng vấn của báo Nghệ An.
P.V: Hiện nay, một trong những vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm là không tổ chức tuyển sinh vào lớp 6, đặc biệt là học sinh có nguyện vọng vào trường chuyên, lớp chọn. Vậy làm thế nào để giải quyết được nhu cầu, lực học của các em trước khi vào THCS?
Ông Thái Huy Vinh: Việc tuyển sinh vào lớp 6 THCS đã có quy chế thi tuyển sinh vào các lớp đầu cấp THCS và THPT. Theo đó, Bộ cấm không tổ chức thi mà xét tuyển vào THCS. Riêng các trường mà chúng ta thường gọi là trường chất lượng cao hoặc trường trọng điểm (vốn là trường chuyên THCS), Nghị quyết Trung ương 2, khóa VIII (1996) đã nêu: Không tổ chức lớp chọn ở các cấp học, không tổ chức trường chuyên ở cấp tiểu học và THCS, trừ các trường năng khiếu về nghệ thuật và thể thao. Trên thực tế, những trường này vẫn tồn tại do nhu cầu. Theo quan điểm của tôi, hệ thống các trường chuyên này vẫn cần thiết, tạo vệ tinh cho Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, gắn với công tác phát hiện và bồi dưỡng học sinh giỏi, tạo điều kiện cho các em phát triển sở trường, khả năng của mình.
Lâu nay các trường này vẫn tổ chức thi, nhưng bây giờ theo chỉ thị của Bộ GD&ĐT thì chắc chắn các trường không được tổ chức thi. Chúng tôi sẽ có một cuộc hội thảo về cách xét tuyển vào những trường này như thế nào cho phù hợp, không gây áp lực quá lớn cho phụ huynh và học sinh. Xét tuyển sẽ dựa trên nhiều tiêu chí: đánh giá xếp loại 5 năm, qua các sân chơi trí tuệ (sẽ không thành lập đội tuyển, không đánh giá thi đua của các đơn vị, không tổ chức bồi dưỡng các cháu đi thi các cuộc chơi này,... nhưng vẫn tổ chức để đánh giá phát triển khả năng của học sinh)
P.V: Với hai phương án xét tuyển và thi tuyển, phương án nào sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn, nhất là các trường trọng điểm như Trường THCS Đặng Thai Mai?
Ông Thái Huy Vinh: Lâu nay với cách làm truyền thống, theo phương án thi tuyển dễ tổ chức hơn, rõ ràng, rành mạch hơn. Nhưng lại gây áp lực dạy thêm - học thêm ở tiểu học, chọn thầy này, cô kia dạy, đánh giá trường này, trường kia có nhiều em thi đậu, rồi so sánh chất lượng trường này với trường khác, gây ra việc chạy trường, chạy lớp và vấn nạn học thêm. Nếu không thi mà chỉ xét tuyển, thì dứt khoát sẽ hạn chế rất nhiều tình trạng dạy thêm - học thêm.
P.V: Thực tế nhiều thầy, cô giáo cũng không muốn tổ chức dạy thêm, nhưng do nhu cầu của các bậc phụ huynh và học sinh rất lớn. Trong chừng mực nào đó, chúng ta có nên giải quyết nhu cầu này không - nhu cầu thực tế của xã hội chứ không phải của nhà trường, của giáo viên?
Ông Thái Huy Vinh: Lâu nay tình trạng dạy thêm - học thêm, thi cử, đánh giá chưa phù hợp. Và đặc biệt là do nền học vấn thi cử đã tạo áp lực cho phụ huynh và học sinh. Để khắc phục tình trạng này, ngành Giáo dục đã chỉ đạo chấn chỉnh việc dạy thêm - học thêm ở tiểu học, đẩy mạnh việc dạy học 2 buổi/ngày. Nhiều phụ huynh do quá lo lắng, gây áp lực cho con em của mình; nhồi nhét kiến thức cho con, bắt con học, kỳ vọng một cách ảo tưởng, gây áp lực không đáng có cho con.
Do đó, ngành sẽ đẩy mạnh tuyên truyền đến phụ huynh, đến nhà trường, các thầy, cô giáo để làm cho phụ huynh nhận thức rõ hơn về vấn đề này. Đối với học sinh tiểu học, chỉ cần học ở trường là đủ, thời gian ở nhà, để các em tiếp nhận các thông tin khác trong cuộc sống, quan tâm đến giáo dục thể chất, kỹ năng sống... 
Việc quan tâm đến học tập của con em là hết sức chính đáng. Tuy nhiên, phải quan tâm có tính khoa học và đúng mức, chứ không phải quan tâm là bắt các cháu học nhiều. Hãy để các cháu vừa học, vừa chơi. Chúng tôi mong rằng, các bậc phụ huynh hãy phối hợp với nhà trường thực hiện đúng các nội dung của chỉ thị; giúp con em mình hài hòa trong học tập và vui chơi.
P.V: Xin cảm ơn ông!
P.V (Thực hiện)
Thực hiện Chỉ thị số 5105/CT- BGDĐT về việc chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm đối với GD tiểu học, ngày 20/11, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An ban hành Công văn số 2380 chấn chỉnh dạy thêm trái quy định đối với giáo dục tiểu học.  Theo đó, yêu cầu tất cả các trường tiểu học phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mỗi giáo viên phải ý thức được rằng: dạy thêm ở tiểu học là hành vi vi phạm chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Mỗi nhà trường, giáo viên phải có cam kết bằng văn bản về thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu đối với các phòng phòng giáo dục và đào tạo, các cơ sở giáo dục nếu để cán bộ quản lý, giáo viên mình vi phạm chủ trương cấm dạy thêm đối với giáo dục tiểu học; Không xem xét thi đua trong năm học đối với phòng giáo dục và đào tạo, trường tiểu học có giáo viên vi phạm quy đinh. Ngoài ra, sẽ tăng cường công tác phối hợp với chính quyền cơ sở, tổ dân phố và các lực lượng xã hội phát hiện và đấu tranh với hành vi dạy thêm ở tiểu học (kể cả giáo viên đã nghỉ hưu). Tăng cường kiểm tra xử lý kịp thời đối với giáo viên vi phạm quy định. 
Mỹ Hà

tin mới

Sáp nhập

Sáp nhập trường lớp ở huyện Thanh Chương: Trao cơ hội học tập tốt nhất cho học trò

(Baonghean.vn) - Sáp nhập trường lớp là xu hướng tất yếu nhằm tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học của các trường. Đây cũng là mục tiêu huyện Thanh Chương đang kiên trì thực hiện, với mong muốn đem đến môi trường giáo dục tốt nhất cho các học trò.

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An thẩm tra phương án phân bổ gần 2.200 biên chế giáo viên

(Baonghean.vn) - Trên cơ sở 2.187 biên chế giáo viên được Trung ương bổ sung cho Nghệ An, UBND tỉnh đã xây dựng dự thảo nghị quyết trình HĐND tỉnh thẩm tra trước khi trình HĐND tỉnh xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 19, khoá XVIII, nhiệm kỳ 2021 – 2026, dự kiến tổ chức vào ngày 25/4/2024.

Trường nghề

Trường nghề loay hoay trước 'bài toán' giáo viên hợp đồng

(Baonghean.vn)- Nghệ An đang rà soát lại nhân viên hợp đồng ở các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập nhằm triển khai thực hiện Nghị định số 111 của Chính phủ về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.

Lớp 12

90 ngày 'đếm ngược' của sỹ tử lớp 12

(Baonghean.vn) - “90 ngày quyết tâm đạt kết quả cao trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024” là phong trào thi đua đang được các trường học trong toàn tỉnh triển khai, với mục tiêu cùng với ngành Giáo dục tỉnh nhà tăng ít nhất 4 bậc về thứ hạng trong mùa thi năm nay.

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

Các giáo viên cần 'dũng cảm' khi lựa chọn sách giáo khoa

(Baonghean.vn) - Việc giao quyền tự chủ cho các nhà trường chọn sách giáo khoa, đòi hỏi các giáo viên cần phải có trách nhiệm, tận tâm trong quá trình thẩm định để đảm bảo có thể chọn được những bộ sách đúng, trúng đối tượng, phục vụ hiệu quả công tác dạy và học.

Du học sinh

Cân nhắc kỹ lưỡng khi quyết định du học

(Baonghean.vn) - Du học nay đã không còn là lựa chọn của những học sinh có năng lực, có điều kiện. Thay vào đó, hiện nay, nhiều học sinh đã lựa chọn du học bởi đây là con đường gần nhất để các em vừa vẫn đảm bảo việc học nhưng sớm có cơ hội có nghề, tìm kiếm việc làm.

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

Mượn nhà tập thể của trường để ở, nhiều giáo viên không chịu trả lại

(Baonghean.vn) - Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh Nghệ An cho các giáo viên ở miễn phí trong khu tập thể, dù trong hợp đồng nêu rõ, khi nào nhà trường có nhu cầu, các hộ sẽ phải trả lại, nhưng đến khi trường cần mặt bằng để xây ký túc xá cho học sinh, những người này lại từ chối bàn giao.