Chấn chỉnh tồn tại, đưa lễ hội vào nề nếp

Phước Anh 30/11/2018 16:56

(Baonghean.vn) - Kịch bản tổ chức một vài lễ hội còn đơn điệu, trùng lặp; việc thực hiện nếp sống văn minh tại một số lễ hội, di tích chưa tốt; còn xảy ra hiện tượng thương mại hóa lễ hội…

Đó là đánh giá thẳng thắn của lãnh đạo Sở VH&TT cùng đại diện các đơn vị trực thuộc, Phòng VH&TT các huyện, thành, thị tại Hội nghị tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018; triển khai nhiệm vụ năm 2019, diễn ra vào chiều 30/11.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phước Anh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Phước Anh

Báo cáo công tác tổ chức, quản lý lễ hội năm 2018, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó Giám đốc Sở VH&TT khẳng định, công tác quản lý nhà nước về lễ hội cơ bản đã được thực hiện nghiêm; thông qua tổ chức lễ hội, hệ thống di tích, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích được thực hiện tốt. Các vấn đề như thực hiện nếp sống văn minh; tổ chức các hoạt động dịch vụ, quản lý kinh phí thu từ các dịch vụ trong khu vực lễ hội; công tác thu chi tiền công đức… có nhiều chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, hội nghị cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác quản lý, tổ chức lễ hội năm qua. Theo đó, một số lễ hội ở đồng bằng còn đơn điệu, theo mô-típ chung; du khách còn thiếu ý thức trong giữ gìn vệ sinh môi trường, ứng xử thiếu văn hóa, trang phục tế lễ không phù hợp; một số lễ hội còn có nhiều đội cúng, hành lễ cùng xuất hiện, lấn chiếm không gian đền… Bên cạnh đó, vẫn còn một số hoạt động mang tính thương mại hóa, lợi dụng lễ hội, di tích để thu lợi; khoán trông giữ xe, giá trông giữ xe không thống nhất…

Toàn cảnh Đền Hoàng Mười dịp lễ hội năm 2018. Ảnh: Thành Cường
Toàn cảnh Đền Hoàng Mười dịp lễ hội năm 2018. Ảnh: Thành Cường

Tại hội nghị, đại diện một số huyện, thành, thị đã trình bày thực trạng quản lý, tổ chức lễ hội; đồng thời nêu một số kiến nghị, đề xuất. Như tại lễ hội Đền Hoàng Mười, đại diện Phòng VHTT huyện Hưng Nguyên cho biết, thực tế cho thấy phần lễ tại lễ hội được thực hiện rất bài bản, thu hút sự quan tâm của người dân bản địa và du khách thập phương, nhưng các hoạt động phần hội còn kém sôi động, lượng du khách hưởng ứng tham gia không nhiều.

“Chúng tôi đề xuất nên chăng phần hội chỉ 3,4 năm tổ chức một lần để tránh lãng phí, dành tiền cho các hoạt động thiết thực khác”, Phó Trưởng phòng VHTT huyện Hưng Nguyên nói.

Về phía huyện Tương Dương - nơi có lễ hội Đền Vạn - Cửa Rào, ông Vi Sắt Son - Trưởng phòng VHTT chia sẻ, những năm qua lễ hội đã tạo được điểm nhấn văn hóa tâm linh, thu hút hàng vạn lượt khách mỗi năm. Tuy nhiên, để phát huy hơn nữa giá trị di tích và lễ hội, huyện Tương Dương kiến nghị dời lịch tổ chức lễ hội sang tháng 2 Âm lịch hàng năm, bởi lúc này trùng với thời điểm thu hoạch mùa vụ của nhân dân bản địa và thời điểm hoa ban nở.

“Nếu dời lịch vào tháng 2 khi người dân thu hoạch xong, chúng tôi sẽ thiết kế các gian hàng bày bán sản vật địa phương, tạo thêm nét đặc sắc cho lễ hội. Mặt khác, năm qua huyện Tương Dương đã triển khai trồng đại trà hoa ban tại khu vực thị trấn và xã Xá Lượng, giúp du khách có thêm điểm tham quan, chụp ảnh”, ông Vi Sắt Son nói.

Tung kiệu trong lễ chạy ói ở lễ hội Đền Cờn năm 2018. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Ghi nhận những ý kiến đóng góp tại hội nghị, lãnh đạo Sở VH&TT đã nêu những nhiệm vụ, giải pháp để chấn chỉnh công tác quản lý, tổ chức lễ hội ngày càng tốt hơn. Về những đề xuất, kiến nghị, Sở VH&TT sẽ cùng với các địa phương tiếp tục nghiên cứu để điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tiễn và quy định pháp luật.

Nghệ An là tỉnh có số lượng di tích danh thắng lớn với 2.602 di tích, trong đó có 424 di tích đã được xếp hạng; 127 lễ hội (lễ hội truyền thống chiếm 96%), trong đó có 29 lễ hội trong danh mục quản lý lễ hội của tỉnh. Hiện, có 5 lễ hội truyền thống được Bộ VH-TT&DL quyết định công nhận, đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; 2 lễ hội đang trình thủ tục hồ sơ đề nghị./.

Mới nhất
x
Chấn chỉnh tồn tại, đưa lễ hội vào nề nếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO