Chăn nuôi gà thương phẩm ứng dụng công nghệ Blockchain
Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An vừa xây dựng thành công mô hình "Chăn nuôi gà thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAHP, ứng dụng công nghệ Blockchain" tại xã Thịnh Sơn, huyện Đô Lương.
Mô hình được thực hiện từ nguồn kinh phí chương trình Khuyến nông địa phương, có quy mô 2.700 con, giống gà Hồ lai, 01 hộ tham gia là gia đình ông Nguyễn Công Hải ở xã Thịnh Sơn.
Trước khi triển khai thực hiện mô hình Trung tâm Khuyến nông tổ chức khảo sát chọn điểm, họp dân chọn hộ. Người dân khi tham gia thực hiện mô hình được hỗ trợ 50% giống gà Hồ lai, vật tư thức ăn hỗn hợp, dung dịch hóa chất sát trùng, vắc-xin phòng bệnh, chế phẩm sinh học; hỗ trợ 100% chi phí tư vấn đánh giá VietGAHP. Bên cạnh đó, hộ dân cần phải viết đơn và cam kết thực hiện tốt các yêu cầu, đảm bảo đối ứng đầy đủ và kịp thời để đạt kết quả đề ra.
Trước khi đưa gà về nuôi, người dân được tập huấn về quy trình kỹ thuật từ khâu chuồng trại, con giống, thức ăn, quy trình vắc-xin, các tiêu chí để áp dụng quy trình VietGAHP, cách ứng dụng công nghệ Blockchain vào chăn nuôi gà.
Hộ thực hiện mô hình có nhân lực lao động, có tinh thần trách nhiệm cao trong việc nuôi dưỡng chăm sóc mô hình, nguồn kinh phí đối ứng đầy đủ kịp thời, chuồng trại lắp đặt các hệ thống máng ăn, máng uống tự động hệ thống quạt chống nóng và mùa Hè…. Con giống được cấp đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật; khỏe mạnh, không dịch bệnh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh có uy tín, có giấy kiểm dịch chất lượng con giống.
Kết quả sau 4 tháng nuôi, tỷ lệ nuôi sống đạt 95 %, trọng lượng xuất chuồng bình quân đạt 2,6kg/con, giá bán 80.000 đ/kg, lãi hơn 100 triệu đồng và được cấp chứng nhận đạt các tiêu chí VietGAHP.
Thành công của mô hình là gà nuôi sinh trưởng phát triển tốt ít bị ảnh hưởng của môi trường không dịch bệnh, tỷ lệ sống cao, sản phẩm gà thịt đạt chất lượng và được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP đầu ra tiêu thụ dễ dàng.
Việc ứng dụng công nghệ Blockchain đã giúp hộ chăn nuôi thu thập, lưu trữ và truyền tải dữ liệu (số hóa) từ nơi sản xuất đến chủ trang trại, công ty và cơ quan quản lý nhà nước như Chi cục Chăn nuôi thú y, cơ quan quản lý thị trường. Sản phẩm đến giai đoạn xuất bán có thể giao dịch trên kênh bán hàng điện tử. Người mua hàng có thể theo dõi được nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa của sản phẩm. Công nghệ này giúp người chăn nuôi chủ động kiểm soát các chỉ tiêu về môi trường, giống, thức ăn.
Ông Nguyễn Công Hải - hộ thực hiện mô hình chia sẻ: Lần đầu tiên tôi nuôi gà thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP quy mô lớn, mức đầu tư cao bước đầu còn lúng túng và khó khăn. Ứng dụng công nghệ blockchain là một trong những xu hướng công nghệ đột phá. Chúng tôi đã liên hệ với viện an toàn thực phẩm và dinh dưỡng (NFSI ) đăng ký tài khoản sử dụng phần mềm VFSC trong quy trình chăn nuôi để truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo nguyên tắc “từ trang trại đến bàn ăn”. Sử dụng ứng dụng phần mềm VFSC có hệ thống cảnh báo, nhắc việc định kỳ, chỉ sử dụng vật tư chăn nuôi có nguồn gốc chất lượng rõ ràng, kiểm soát được vật tư, hóa chất, hạn sử dụng, kiểm soát được chi phí, lãng phí. Phương pháp này gà tăng trọng và đạt tỷ lệ sống cao hơn nhiều và hiệu quả cao hơn 20% so với nuôi truyền thống.
Đây là mô hình chăn nuôi gà thịt theo tiêu chuẩn VietGAHP, ứng dụng công nghệ Blockchain đầu tiên, quy mô lớn thực hiện trên địa bàn xã. Mô hình đòi hỏi đầu tư lớn và đối ứng nhiều nhưng hộ đã rất đồng tình và hợp tác tham gia. Kết quả mô hình thành công tạo ra sản phẩm sạch chất lượng, được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP nên đầu ra thuận lợi, sản phẩm cung cấp cho các đơn vị trường học trên địa bàn huyện Đô Lương và các siêu thị thực phẩm sạch trên địa bàn Nghệ An và Hà Nội. Chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền nhận rộng mô hình trên địa bàn.
Ông Nguyễn Hồng Tiến - Phó Chủ tịch UBND xã Thịnh Sơn