Chàng trai mồ côi người Khơ Mú khởi nghiệp, làm giàu từ 3 con bò giống
(Baonghean.vn) - Mặc dù cha mẹ mất sớm, 2 anh em chỉ biết nương tựa vào nhau, nhưng bằng sự nỗ lực của bản thân, chàng trai trẻ người Khơ Mú Moong Văn Sơn đã vươn lên làm giàu, trở thành gương thanh niên người dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn tỉnh.
Moong Văn Sơn chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế của bản thân. Ảnh: Lữ Phú |
Sinh năm 1994, Moong Văn Sơn chào đời và lớn lên trong một gia đình nghèo ở bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện vùng cao Kỳ Sơn. Năm lên 7 tuổi, bố mẹ Sơn lần lượt qua đời. Nỗi đau mất mát cứ nối tiếp nhau, tưởng chừng từ đó cuộc sống của Sơn sẽ không còn tương lai, nhưng với nghị lực phi thường và lòng ham học, sau khi tốt nghiệp cấp 3, Sơn đăng ký đi học lớp Sơ cấp thú y do huyện Kỳ Sơn tổ chức.
Sau nhiều cố gắng học tập, tích lũy kiến thức cho bản thân, đầu năm 2016, Moong Văn Sơn trở về bản và làm hồ sơ xin vay vốn Ngân hành CSXH huyện 30 triệu đồng, vay Ngân hàng Nông nghiệp huyện Kỳ Sơn 50 triệu đồng. Bằng số tiền vốn này Sơn đầu tư mua 1 con trâu giống và 3 con bò cái sinh sản. Rồi từ đó nhờ cần cù, chịu khó hơn 2 năm tích cực chăm sóc và nhiều lần đầu tư thêm, nay Sơn đã có một gia trại với 16 con bò, 3 con trâu, và 20 con dê. Cùng với đó là một cơ ngơi gia trại rộng 5 ha, mỗi năm mang lại cho gia đình Sơn trên 100 triệu đồng. Vì thế, từ một hộ nghèo, nay cuộc sống của gia đình Sơn đã có của ăn, của để, và trở thành hộ khá hộ giàu trong bản.Moong Văn Sơn cắt cỏ về cho đàn gia súc ăn. Ảnh: Lữ Phú |
Moong Văn Sơn chia sẻ: “Em muốn đưa gia đình vượt qua cái cuộc sống khó khăn thiếu thốn nên em cố gắng làm, ngoài trâu, bò, dê thì hiện tại em đang tiếp tục mở rộng gia trại và trồng thêm trên 1.000 cây chuối”. Sau nhiều năm tích góp, hiện nay Sơn đã dựng được một ngôi nhà sàn 3 gian kiên cố, mái lợp ngói và thuộc diện nhà đẹp nhất, nhì của bản Phà Khảo, xã Phà Đánh. Già trẻ trong bản ai cũng khâm phục và học tập cách phát triển kinh tế của Sơn. Ông Cụt Thanh Hải, bản Phà Khảo, xã Phà Đánh trầm trồ “Sơn là một thanh niên rất giỏi, chăn nuôi giỏi, buôn bán giỏi, người già như chúng ta đây cũng chưa làm được như Sơn, trong bản già, trẻ ai cũng khâm phục đức tính chịu thương, chịu khó của Sơn”.
Không chỉ đầu tư chăn nuôi gia súc, khi có nhiều nguồn vốn, Moong Văn Sơn lại đầu tư kinh doanh, buôn bán hàng tạp hóa, vừa để tăng thu nhập cho gia đình từ 1 đến 2 triệu đồng mỗi tháng, lại vừa đáp ứng nhu cầu mua sắm của bà con trong bản.Không chỉ giỏi trong phát triển kinh tế, Moong Văn Sơn còn quan tâm thăm khám và cấp thuốc cho người dân bản Phà Khảo. Ảnh: Lữ Phú |
Thế là từ tháng 10 năm 2017, hàng đêm, cứ sau nhiều giờ lao động vất vả ban ngày, đêm xuống Sơn lại chuẩn bị dụng cụ, lặn lội đến từng nhà bệnh nhân để thăm khám, cấp thuốc, và chuyền trợ sức cho người bệnh trong bản. Bà Moong Thị Toán, 75 tuổi, một bệnh nhân thường xuyên được Sơn đến thăm khám, cho biết: "Thì già rồi, sức khỏe yếu lắm, thường xuyên phải đi bệnh viện để điều trị. Sau khi ra viện về ở nhà thì được cháu Sơn đây, là y tế bản thường xuyên đến khám, đo huyết áp, và truyền thuốc trợ sức cho, lấy thuốc cho uống, nên bệnh tình cũng giảm, trong người cũng dễ ăn, dễ ở".
Bằng nhiều nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, cùng nhiều kết quả đạt được, nhiều năm liền Sơn được nhận Giấy khen của Ban Thường vụ Huyện đoàn Kỳ Sơn. Đặc biệt Sơn là 1 trong 25 gương thanh niên người dân tộc tiêu biểu của Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh Nghệ An năm 2018.Nơi miền đất Phà Đánh, những người trẻ đầy mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm như Moong Văn Sơn đang là những nhân tố truyền cảm hứng cho mọi người, đặc biệt là bà con đồng bào Khơ Mú học tập và làm theo, để dần đẩy lùi được đói nghèo, lạc hậu.