Chàng trai Nghệ An tham gia đoàn phim King Kong 2

(Baonghean.vn)- Những ngày đoàn làm phim "Kong: Skull island" (King Kong 2) có mặt tại Việt Nam là những ngày đặc biệt với  Đậu Quốc Hòa, nhân viên cấp cứu của Bệnh viện 115 Nghệ An. Đây cũng là lần đầu tiên anh được cùng với đội quân cấp cứu tham gia vào công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho một đoàn phim đến từ Hollywood - Hoa Kỳ.

Anh Đậu Quốc Hòa, chụp ảnh tại Hạ Long nơi đoàn làm phim tập trung để quay những cảnh quay cuối cùng tại Việt Nam
Anh Đậu Quốc Hòa, chụp ảnh tại Hạ Long nơi đoàn làm phim tập trung để quay những cảnh quay cuối cùng tại Việt Nam

Nhiệm vụ đặc biệt đã kết thúc được gần 2 tuần nhưng cho đến bây giờ anh Đậu Quốc Hòa - nhân viên lái xe của Bệnh viện 115 vẫn đầy cảm xúc khi nhắc đến đoàn làm phim King Kong 2. Đây cũng là lúc ảnh được cởi mở lòng mình bởi trước đó, theo quy định ngặt nghẽo của đơn vị tổ chức, mọi thông tin phải được giữ bí mật tuyệt đối. Chính bản thân anh cũng nói rằng, chưa bao giờ anh phải giữ một bí mật lớn như vậy. Trong khi đó, những điều anh đã được thấy, được nghe, được trải nghiệm lại thực sự thú vị và đầy kỳ diệu với một người đơn thuần làm công việc tài xế như anh.

Chiếc thẻ đặc biệt dành cho những thành viên của đoàn làm phim.
Chiếc thẻ đặc biệt dành cho những thành viên của đoàn làm phim.

Đậu Quốc Hòa vào làm ở Bệnh viện 115 Nghệ An đã 5 năm. Anh cũng đã có một thời gian dài phối hợp với Công ty TNHH National SOS Việt Nam làm nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho các chuyên gia nước ngoài tại dự án Fomusa (Hà Tĩnh) và dự án xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa).

Cơ hội được tham gia với đoàn làm phim King Kong 2 cũng từ National SOS khi theo yêu cầu của đoàn làm phim, họ cần có một ekip chăm sóc y tế chuyên nghiệp để túc trực cùng với đoàn trong suốt thời gian quay phim tại Quảng Bình, Ninh Bình và Quảng Ninh.  

Đậu Quốc Hòa là người duy nhất được chọn trong số 60 nhân viên lái xe của đội xe cấp cứu Bệnh viện 115 Nghệ An. "Trước khi được tuyển chọn, họ yêu cầu rất khắt khe về ngoài hình, lí lịch, sức khỏe. Bản thân tôi, sau khi nộp hồ sơ phải mất gần 1 tháng họ mới thông báo kết quả", anh Hòa kể lại.

Một đạo cụ được sử dụng trong phim dưới
Một đạo cụ được sử dụng trong phim dưới "góc máy" của anh Đậu Quốc Hòa.

Đội chăm sóc y tế của National SOS Việt Nam gồm 3 người, ngoài anh Hòa còn có một bác sỹ và và một y tá đến từ National SOS Việt Nam. Ngoài kinh nghiệm chuyên môn, tất cả đều phải thông thạo ngoại ngữ. Về phía Bệnh viện 115 bên cạnh trang bị đầy đủ trang thiết bị y tế còn phải mua thêm một xe cấp cứu hoàn toàn mới, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế.

Kể về những ngày đầu mới tham gia đoàn làm phim anh Hòa kể lại: Chúng tôi có mặt ở Phong Nha trước khi đoàn làm phim đến một ngày. Khi đến khách sạn, mỗi người chúng tôi được phát một cái thẻ riêng sau đó được yêu cầu phải giữ bí mật. Đội y tế sẽ tháp tùng đoàn làm phim trong suốt quá trình đoàn đang làm việc và đảm bảo việc chăm sóc sức khỏe cho mọi thành viên trong đoàn.

Phim trường của đoàn làm phim Kingkong 2 ở Quảng Bình.
Phim trường của đoàn làm phim Kingkong 2 ở Quảng Bình.

Nơi đầu tiên, đoàn làm phim chọn địa điểm quay phim chính là thôn Yên Phú, xã Trung Hóa. Thời điểm đó, địa điểm diễn ra bối cảnh chính “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và có hàng chục cảnh sát được huy động để bảo vệ. Riêng với anh Hòa và các thành viên trong tổ y tế vì có chiếc thẻ đặc biệt nên được áp sát với đoàn làm phim và trở thành một thành viên chính trong đoàn.

Kể lại với chúng tôi anh nói: chưa bao giờ tôi thấy một đoàn làm phim hoành tráng và quy mô như thế. Trong đó, chỉ tính riêng xe để chở đạo cụ và các thành viên đã lên tới 300 chiếc. Dù khối lượng công việc và số người tham gia vào quy trình rất đông nhưng mọi người đều chuyên nghiệp, im lặng làm việc, không ai can thiệp vào công việc của ai. Lúc cảnh quay đang diễn ra thì mọi người phải im lặng tuyệt đối “thậm chí nếu đang đi cũng phải dừng lại”.

Theo lịch trình đã được quy định, mỗi một ngày công việc sẽ bắt đầu từ 8 giờ sáng và kết thúc vào 7 giờ đêm. Tuy nhiên, trái với vòng ngoài khá căng thẳng với việc giữ bảo mật thì những người ở trong phạm vị trường quay họ lại khá tự do. Khi này, họ có thể được nói chuyện điện thoại, được chụp ảnh (nhưng không được quay những cảnh phim đang đóng).

Chiếc trực thăng được dùng để quay những cảnh quay toàn cảnh.
Chiếc trực thăng được dùng để quay những cảnh quay toàn cảnh.

Một điều mà anh Hòa cũng rất ấn tượng là đạo diễn, diễn viên trong phim hết sức thân thiện. Ngay cả nam diễn viên gạo cội Jackson Samuel Leroy, Tom Hiddleston và nữ diễn viên Brie Larson dù thuộc dạng sao hàng đầu của Hollywood nhưng chưa bao giờ họ kiêu ngạo: Tôi thấy họ rất thích nói tiếng Việt như "Xin chào, Xin chào". Mỗi khi thấy tôi bảo “Lùi xe” họ cũng học theo tôi kêu “Lùi, Lùi” rất thích thú. “Sao” của nước ngoài họ cũng không câu nệ, mọi việc đều tự chăm sóc. Đặc biệt nữ diễn  viên Brie Larson thì rất hòa đồng: Tôi nhớ, trong thời gian đoàn quay phim ở Ninh Bình, có vài ngày Brie phải về Mỹ để tham dự giải Oscar. Tối hôm ấy, qua ti vi tôi biết Brie được trao giải Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất nhưng hai ngày sau xuất hiện ở Việt Nam chị ấy lại giống như bình thường và nhập cuộc ngay với không khí của đoàn làm phim.

Chân dung đạo diễn bộ phim KingKong 2 do anh Hòa chụp.
Chân dung đạo diễn bộ phim KingKong 2 do anh Hòa chụp.

Trong suốt 30 ngày tham gia với đoàn làm phim, anh Đậu Quốc Hòa và đội cấp cứu cũng đã trực tiếp điều trị cho 72 trường hợp. "Vì thời tiết ở Việt Nam lạnh nên họ đều bị viêm mũi. Tuy nhiên, dù bệnh nhẹ hay nặng thì họ đều yêu cầu rất khắt khe trong việc chăm sóc: Có một trường hợp của đoàn vô tình bị mảnh chai cứa vào tay. Sau khi sơ cứu xong, chúng tôi phải đưa anh đến Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình để chụp phim. Kế đó, ngày nào cũng vậy, sau khi kết thúc ngày làm việc chúng tôi phải từ trường quay đi ngược 25 cây số đến khách sạn để khám, kiểm tra và quay toàn bộ quy trình để chuyển vào cho Công ty Natiolal SOS Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh để báo cáo tình trạng sức khỏe", anh Hòa chia sẻ.

Chân dung của tài xế may mắn nhất Bệnh viện 115.
Chân dung của tài xế may mắn nhất Bệnh viện 115.

Những ngày trải nghiệm cùng đoàn làm phim, anh Hòa cũng rất trân trọng tình cảm mà đoàn làm phim dành cho mình. Các anh được đối xử như mọi thành viên trong đoàn, được mọi người quan tâm, hỏi han mỗi khi thấy các anh làm việc quá thời gian. Vui nhất là được cũng tham gia với đoàn làm phim 2 buổi tiệc, một buổi ở Ninh Bình và một buổi chia tay ở Quảng Ninh. Mặc dù cũng rất nuối tiếc vì không được chụp ảnh với diễn viên chính nhưng anh Hòa cũng an ủi vì đã trực tiếp xem nhiều cảnh quay kỹ xảo, nhìn thấy con Kingkong “thật” ngoài đời.

Mỹ Hà

(Ảnh do nhân vật cung cấp)

tin mới

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

Đường hoa trên dốc Kẻ Lè ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Quốc Lộ 48A như dải lụa mềm vắt qua thị trấn Tân Lạc, huyện miền núi Quỳ Châu có hai con dốc khá nổi tiếng là Kẻ Lè và Bù Bài. Để tạo mỹ quan cho cửa ngõ thị trấn Tân Lạc, huyện Quỳ Châu từ đầu năm nay đã tổ chức thành công đường hoa trên dốc Kẻ Lè.

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

Có hẹn với Môn Sơn - Lục Dạ

(Baonghean.vn) - Lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ là một trong những lễ hội độc đáo và mang đậm bản sắc văn hóa của người dân tộc Thái ở huyện Con Cuông. Bên cạnh cảnh đẹp thiên nhiên, Môn Sơn còn níu chân du khách bởi bản sắc văn hóa độc đáo của người dân nơi đây.

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

Tháng Tư về trên sắc hoa cúc biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Cứ mỗi độ tháng 4 về, những bông cúc biển lại tỏa sắc rực rỡ. Vẻ đẹp riêng của loại hoa được xem là biểu tượng du lịch Cửa Lò khiến cho các thiếu nữ không thể bỏ lỡ với mong muốn lưu lại những tấm hình làm kỷ niệm.

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

Khai mạc lớp bồi dưỡng văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam

(Baonghean.vn) - Ngày 15/4, tại thành phố Hạ Long, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương phối hợp với tỉnh Quảng Ninh khai mạc lớp bồi dưỡng “Văn học, nghệ thuật đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa ở Việt Nam: Vai trò của sáng tạo, lý luận, phê bình và quảng bá”.

Bệnh tan máu bẩm sinh

Sàng lọc, phòng ngừa bệnh tan máu bẩm sinh

(Baonghean.vn) - Bệnh tan máu bẩm sinh (Thalassemia) là bệnh di truyền và ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của người bệnh và cả chất lượng dân số. Tại Nghệ An, dù đã được tuyên truyền thường xuyên nhưng số người mắc bệnh vẫn còn khá cao, nhất là ở các huyện miền núi.